Xe

Nhiều địa phương 'buông' môi trường

11/05/2016 07:17 GMT+7

GS Võ nói ông không tin khi thi công giải pháp môi trường của Nhà máy Formosa Sở TN-MT Hà Tĩnh không biết...

Tại buổi tọa đàm về Chất thải công nghiệp: hạn chế trong quản lý và khuyến nghị chính sách, do Trung tâm con người và thiên nhiên (Pannature) tổ chức ngày 10.5, GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN-MT, đã đặt vấn đề năng lực quản lý môi trường của cơ quan nhà nước khi xảy ra hiện tượng cá chết.
Tại sao lại thay đổi nơi xả thải. từ sông Quyền sang xả thải ra biển. Tôi cho rằng đây là sự luẩn quẩn trong công tác quản lý. Cần chỉ ra rằng có tham nhũng trong vấn đề này hay không?
GS Đặng Hùng Võ
GS Võ nói ông không tin khi thi công giải pháp môi trường của Nhà máy Formosa Sở TN-MT Hà Tĩnh không biết và chỉ đến khi Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà vào tận nơi kiểm tra mới vỡ lẽ Formosa sai phạm trong giải pháp về môi trường. “Tại sao lại thay đổi nơi xả thải từ sông Quyền sang xả thải ra biển. Tôi cho rằng đây là sự luẩn quẩn trong công tác quản lý. Cần chỉ ra rằng có tham nhũng trong vấn đề này hay không? Đường ống xả thải ra sông hay ra biển đều là vấn đề lớn nhưng ra sông khi biết còn có biện pháp xử lý. Còn ra biển thì không thể kiểm soát, việc khắc phục vô cùng khó khăn, tốn kém”, GS Đặng Hùng Võ nói.
Bà Nguyễn Ngọc Lý, Giám đốc Trung tâm môi trường và cộng đồng nêu ý kiến, ở nước ta hiện nay có rất nhiều luật, nghị định, thông tư... từ cấp trung ương đến địa phương để quản lý môi trường. Bên cạnh đó, còn có các công cụ khác như báo cáo đánh giá tác động môi trường, cảnh sát môi trường, hệ thống quan trắc môi trường quốc gia... nhưng vì sao hiện tượng cá chết ở 4 tỉnh ven biển miền Trung hơn tháng nay không rõ nguyên nhân, rồi còn xảy ra chuyện nhà máy sản xuất đường ở Hòa Bình xả thải ra thượng nguồn sông Bưởi... “Từ đó, đặt ra vấn đề quy định pháp luật nhiều nhưng thực thi được bao nhiêu? Tính thực tế của quy định pháp luật có cao không? Chất lượng quy định luật pháp không tốt? Để cải thiện vấn đề kiểm soát tốt ô nhiễm môi trường, điều cần thiết là chất lượng luật pháp cao, thực thi và giám sát tốt, chế tài nghiêm, minh bạch thông tin”, bà Lý nói.
GS Trần Thế Loãn, nguyên Phó cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm - Tổng cục Môi trường (Bộ TN-MT), đề xuất cần đưa vấn đề kiểm toán chất thải vào quy định pháp luật. Đáng lưu ý, theo ông Loãn, quy định các doanh nghiệp phải thực hiện kiểm toán chất thải được đặt ra từ 2005 khi soạn thảo dự thảo luật Bảo vệ môi trường, nhưng khi đưa ra Quốc hội đã không còn. “Đến luật Bảo vệ môi trường 2015, vấn đề này tiếp tục được đề cập nhưng vẫn không được đưa vào bởi nhiều ý kiến khác nhau. Nhiều địa phương không muốn kiểm soát quá chặt vấn đề bảo vệ môi trường để thu hút đầu tư”, ông Loãn nói.
Chiều 10.5, ông Hoàng Văn Thức, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường - Trưởng đoàn kiểm tra liên ngành, cho biết Bộ đã tổng rà soát lại khu kinh tế, khu dịch vụ có hoạt động sản xuất xả thải, phát thải ra môi trường, đặc biệt là các nguồn xả thải trong 4 tỉnh miền Trung. Đoàn đã báo cáo Bộ trưởng Trần Hồng Hà về kết quả ban đầu. Một số nhóm sẽ phải trở lại Hà Tĩnh để đối chứng với doanh nghiệp, lấy thêm mẫu phân tích, kiểm chứng thông tin trước khi đưa ra kết quả cuối cùng. Tuy nhiên, thời gian ra được kết luận cuối cùng cũng như hướng xem xét Formosa có liên quan đến hiện tượng cá chết ở 4 tỉnh miền Trung hay không, lãnh đạo Tổng cục Môi trường không tiết lộ.
Cùng ngày, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát đến kiểm tra công tác khắc phục hậu quả cá chết tại vùng biển Thừa Thiên-Huế. Trả lời các kiến nghị của người dân, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết Chính phủ đã có chủ trương, chỉ đạo hệ thống ngân hàng khoanh nợ, giãn nợ, hỗ trợ lãi suất... cho dân. Thủ tướng đã quyết định hỗ trợ khẩn cấp cho người dân bị ảnh hưởng do hiện tượng hải sản chết bất thường. Với các hộ nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại sẽ được hỗ trợ giống để tiếp tục thả nuôi; khi tái nuôi người dân cần phối hợp với cơ quan chức năng, cán bộ để được tư vấn, hướng dẫn quy trình, kỹ thuật nuôi an toàn, hiệu quả.
Ông Phát động viên ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển; người dân yên tâm sử dụng, tiêu thụ hải sản an toàn, đồng thời cũng đã đánh giá cao việc kiểm định và cấp giấy chứng nhận hải sản an toàn làm cơ sở, điều kiện để người dân yên tâm sử dụng.
Lê Quân - Bùi Ngọc Long
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.