Ghi nhận của PV Thanh Niên ngày 10.10, người dân ở Biên Hòa phải chạy qua nhiều cây xăng, xếp hàng dài mới đổ được, nhưng cũng chỉ được đổ giới hạn 30.000 - 50.000 đồng. Theo thông báo của Sở Công thương Đồng Nai, trong ngày 10.10, toàn tỉnh có 58 cửa hàng xăng dầu hết xăng hoặc dầu. Trước đó, trong ngày 9.10, toàn tỉnh có 65 cửa hàng thông báo hết xăng hoặc dầu hoặc hết cả xăng lẫn dầu (tăng 25 cửa hàng so với ngày 8.10).
Một số cây xăng tại TP.HCM thông báo hết xăng, chờ nhập, ngưng bán ngày 10.10 |
Đào Ngọc Thạch |
Còn tại Bình Dương, từ sáng 10.10, người dân ùn ùn kéo nhau đi đổ xăng, trong khi đó hàng loạt cây xăng nghỉ bán, đóng cửa. Đến chiều cùng ngày, tình trạng ùn ứ tại các cửa hàng xăng dầu trên nhiều tuyến đường ở TP.Thủ Dầu Một vẫn diễn ra do người dân kéo nhau đi đổ xăng rất đông. Nhiều cây xăng đã phải dùng hàng rào B40 ngăn cách từ trụ bơm xăng để phân làn xe máy theo kiểu bán xăng dầu trong thời kỳ phòng chống dịch Covid-19 và bán với số lượng nhất định.
Một số cây xăng còn nhờ cả công an để đảm bảo an ninh trật tự. Trong khi đó, hàng loạt cửa hàng xăng dầu trên địa bàn TP.Thủ Dầu Một, TP.Thuận An, TX.Tân Uyên, H.Bắc Tân Uyên… đã đồng loạt kéo hàng rào, treo biển nghỉ bán, biển hết xăng còn dầu hoặc hết cả xăng lẫn dầu. Trước tình trạng này, PV đã liên hệ với lãnh đạo Sở Công thương Bình Dương nhưng chưa được cung cấp thông tin.
Cảnh tượng ít thấy: Dân TP.HCM ùn ùn xếp hàng chờ đổ xăng |
Đến chiều ngày 10.10, một loạt các tỉnh, thành phố phía nam đều có kiến nghị về tình hình khan hiếm xăng dầu. Cụ thể, trong công văn gửi Bộ Công thương và Bộ Tài chính ngày 10.10, UBND TP.HCM kiến nghị Bộ Tài chính rà soát và tính toán lại các mức chi phí trong cơ cấu tính giá cả cơ sở mặt hàng xăng dầu như mức chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức. Đồng thời, rà soát lại phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về VN (premium) và các loại thuế nhằm tính đúng, tính đủ, hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia thị trường xăng dầu trên cơ sở phù hợp với thực tế phát sinh và các quy định hiện hành.
Bên cạnh đó, kiến nghị Bộ Công thương xem xét, đề nghị Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, các cơ quan, đơn vị có liên quan quan tâm hỗ trợ giải quyết các khó khăn của doanh nghiệp (DN) kinh doanh xăng dầu; cần xem xét, hỗ trợ nâng hạn mức tín dụng cho các DN kinh doanh xăng dầu (nhất là các DN đầu mối nhập khẩu) góp phần tạo nguồn, đảm bảo cung ứng xăng dầu cho thị trường.
Trước đó, UBND tỉnh Kiên Giang gửi công văn hỏa tốc đến Thủ tướng Chính phủ và 2 bộ về tình hình cung ứng xăng dầu trên địa bàn tỉnh, khẳng định DN xăng dầu đang gặp nhiều khó khăn về nguồn cung. Các thương nhân phân phối xăng dầu phụ thuộc vào thương nhân đầu mối, đầu mối lại cung ứng nhỏ giọt, cầm chừng, thậm chí hết hàng, chờ vận chuyển... Hiện các thương nhân phân phối chỉ có khả năng đảm bảo cung ứng trong hệ thống theo tiến độ 2 - 3 ngày. Trong khi các DN đầu mối đang bán với mức chiết khấu âm, từ 1.000 - 2.500 đồng/lít, thương nhân phân phối thua lỗ nhiều.
Từ đó, các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn tỉnh chỉ được thương nhân cung ứng từ 1 - 3 khối, cách nhau 3 - 5 ngày, trong khi cửa hàng bán hết lượng hàng chỉ trong vòng 2 - 3 ngày. Nên tình trạng khan hàng, hết hàng cục bộ xảy ra liên tục trong 1 - 2 ngày. “Vì vậy, khả năng không đảm bảo duy trì cung ứng xăng dầu phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của người dân trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới”, công văn của UBND tỉnh Kiên Giang nêu và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, 2 bộ chỉ đạo các thương nhân đầu mối, phân phối phương án bảo đảm nguồn cung, không để bị đứt gãy, thiếu cục bộ trong hệ thống phân phối.
Cũng trong ngày 10.10, Sở Công thương tỉnh Ninh Thuận cho biết đã nhận 13 đơn đề nghị ngừng bán hàng của các DN kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh. Lý do DN đưa ra vì chiết khấu từ đơn vị cung cấp xăng dầu quá thấp hoặc không có chiết khấu, đại lý kinh doanh xăng dầu không đảm bảo chi phí để tiếp tục hoạt động; nguồn cung từ thương nhân cung cấp xăng dầu nhỏ giọt, đặc biệt là vào những thời điểm của chu kỳ điều chỉnh giá xăng dầu của liên bộ Tài chính - Công thương.
Sở Công thương Ninh Thuận đề xuất, kiến nghị Bộ Công thương xem xét, điều chỉnh bổ sung quy định cho thương nhân bán lẻ xăng dầu được ký hợp đồng làm đại lý bán lẻ hoặc thương nhân nhận quyền bán lẻ với 2 thương nhân phân phối xăng dầu nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho thương nhân bán lẻ chủ động khai thác nguồn cung không bị phụ thuộc vào 1 thương nhân phân phối như theo quy định hiện nay. Xem xét, chỉ đạo thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối xăng dầu cùng chia sẻ quyền lợi một cách chính đáng, có tỷ lệ chiết khấu hợp lý đối các đơn vị bán lẻ. Đồng thời kiến nghị với cơ quan thuế, Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu giảm lãi suất cho vay, giảm thuế ít nhất 1 năm cho các DN kinh doanh xăng dầu để bù khoản lỗ trong thời gian qua.
Năn nỉ, tranh nhau để được mua xăng lẻ 30.000 đồng/lít ngay cửa cây xăng |
Bộ Công thương: Hết xăng dầu không phải là phổ biến
Trong thông tin gửi đến báo chí chiều 10.10, Bộ Công thương cho biết thống kê ở các địa phương đã có hơn 100 cửa hàng kinh doanh xăng dầu xin đóng cửa, tạm ngừng kinh doanh. So sánh với tổng số 17.000 cửa hàng trên toàn quốc, Bộ Công thương cho rằng, hiện tượng này “không phải là phổ biến”. Nhưng thực tế, ở nhiều địa phương, nhiều điểm hết hàng, xin đóng cửa nhưng chưa được chấp thuận, vẫn phải mở cửa hàng.
Cụ thể, tại TP.HCM, thống kê đến 17 giờ ngày 10.10 đã có 3/550 cửa hàng đóng cửa và 121/550 cửa hàng tạm hết mặt hàng xăng (chiếm 20%). Tại Bình Phước ghi nhận có 27/415 cửa hàng bán lẻ xăng dầu dừng hoạt động, 23 cửa hàng hết xăng còn dầu, 2 cửa hàng hết dầu còn xăng. Sở Công thương tỉnh An Giang tiếp nhận 24 thông báo tạm dừng kinh doanh của các DN kinh doanh xăng dầu nhưng chỉ chấp thuận cho 2/559 cửa hàng tạm dừng kinh doanh, do đường giao thông đang sửa chữa; 22 cửa hàng còn lại vẫn đang hoạt động bình thường.
Cũng tại tỉnh An Giang, ghi nhận có 30/559 cửa hàng không còn xăng để bán nhưng vẫn mở hàng. Đến 14 giờ ngày 10.10, tỉnh Hậu Giang cũng ghi nhận có 21/121 cửa hàng bán lẻ xăng dầu hết xăng dầu; 7/121 cửa hàng bán lẻ xăng dầu hết xăng, còn dầu do một số thương nhân đang gặp khó khăn vì không mua được hàng hóa từ các đầu mối xăng dầu để cung cấp cho hệ thống. Tỉnh Đắk Lắk có 9/475 cửa hàng tạm dừng hoạt động do hết xăng dầu; 15 cửa hàng vẫn hoạt động nhưng hết xăng hoặc dầu.
Phan Hậu
Bình luận (0)