Nhiều điểm mới trong Phiên họp giả định Quốc hội trẻ em

Vũ Thơ
(thực hiện)
26/09/2024 06:00 GMT+7

Trao đổi với Thanh Niên về Phiên họp giả định Quốc hội trẻ em lần thứ hai năm 2024, chị Nguyễn Phạm Duy Trang (ảnh), Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội T.Ư, mong muốn sự kiện này sẽ truyền tải thông điệp mạnh mẽ rằng ý kiến của trẻ em cần được quan tâm, lắng nghe.

Nhiều nội dung rất mới

Thưa chị, Phiên họp giả định Quốc hội trẻ em lần này có gì mới so với lần thứ nhất?

Tại phiên họp lần thứ hai, công tác phỏng vấn và tuyển chọn đại biểu được ban tổ chức tiến hành một cách kỹ càng hơn, được thực hiện qua 3 bước, góp phần nâng cao chất lượng đại biểu hơn so với năm 2023. Các em không chỉ được đề cử từ địa phương, do các tỉnh, thành Đoàn lựa chọn đề xuất mà còn thông qua hình thức tự ứng cử. Số lượng đại biểu tham gia phiên họp lần thứ hai tăng lên đáng kể so với phiên thứ nhất. Phiên họp lần này có sự tham gia của 306 đại biểu trẻ em, đến từ khắp các tỉnh, thành trên cả nước. Đại biểu trẻ em năm nay không chỉ là những đại diện tiêu biểu, xuất sắc trong học tập, rèn luyện mà còn có sự tham gia của các em đại diện cho nhóm trẻ em còn khó khăn, yếu thế, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Đây là sự mở rộng quy mô lớn so với phiên họp đầu tiên, đảm bảo sự đa dạng về vùng miền và tiếng nói đại diện cho trẻ em cả nước.

Nhiều điểm mới trong Phiên họp giả định Quốc hội trẻ em- Ảnh 1.

Chị Nguyễn Phạm Duy Trang phát biểu tại Phiên họp giả định Quốc hội trẻ em lần thứ nhất

ẢNH: BẢO ANH

Bên cạnh đó, các hoạt động tập huấn nâng cao năng lực cho đại biểu được tăng cường. Trước khi phiên họp diễn ra, đại biểu đã được tham gia các chương trình tập huấn trực tuyến do T.Ư Đoàn, Hội đồng Đội T.Ư, các chuyên gia của Quốc hội, bộ ngành nhằm giúp các em có thêm hiểu biết về Quốc hội, được nâng cao kỹ năng phát biểu, điều hành và tranh luận.

Về chủ đề của phiên họp lần thứ hai là "Phòng chống bạo lực học đường, tạo môi trường an toàn cho trẻ em" và "Phòng chống tác hại của thuốc lá, chất kích thích trong môi trường học đường" do chính các em đề xuất với sự bình chọn của 326.131 em. Đây là nội dung rất mới so với kỳ họp trước và cũng là 2 vấn đề rất thiết thực, có tính thời sự đang nhận được sự quan tâm của đông đảo trẻ em và cộng đồng xã hội thời gian qua, thể hiện đúng và trúng nhất các ý kiến, nguyện vọng của trẻ em.

Một điểm nhấn của phiên họp lần này là lần đầu tiên trong phiên họp giả định có phiên khai mạc, đặc biệt là phiên chất vấn "Bộ trưởng giả định", do chính đại biểu trẻ em đảm nhận vai trò này. Đây là cơ hội để các đại biểu trẻ em trực tiếp đặt câu hỏi và chất vấn về các vấn đề liên quan đến trẻ em với người đóng vai bộ trưởng, mô phỏng quy trình chất vấn trong Quốc hội thực tế. Đặc biệt hơn nữa, các bộ trưởng liên quan trực tiếp đến chủ đề phiên họp là Bộ trưởng Bộ GD-ĐT và Bộ trưởng Bộ Y tế cũng sẽ "đăng đàn" cùng với các bộ trưởng trẻ em giả định để trao đổi về các nội dung chủ đề phiên họp.

Cơ hội để trẻ em bày tỏ nguyện vọng

Theo chị, Phiên họp giả định Quốc hội trẻ em đã mang lại giá trị như thế nào trong việc thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề liên quan?

Phiên họp giả định Quốc hội trẻ em là cơ hội để các em được tham gia nhiều hoạt động có ý nghĩa, giúp các em thể hiện năng lực của bản thân với vai trò là đại biểu Quốc hội trẻ em. Ban tổ chức đã lên kế hoạch chu đáo để đảm bảo tất cả trẻ em có cơ hội phát biểu ý kiến và tham gia thảo luận trong phiên họp giả định "Quốc hội trẻ em" lần thứ hai. Cụ thể, ban tổ chức đã tiến hành 2 phiên thảo luận tại tổ bằng hình thức trực tuyến trước khi diễn ra phiên họp chính thức.

Bên cạnh đó, vào ngày 28.9 này, các đại biểu sẽ tiến hành phiên thảo luận tổ tại các phòng thảo luận của Tòa nhà Quốc hội, chia thành 12 tổ thảo luận, với mỗi tổ do trẻ em đảm nhiệm vai trò điều hành. Mỗi tổ sẽ thảo luận về cả hai chủ đề của phiên họp và sẽ có thời gian để tất cả đại biểu trẻ em phát biểu ý kiến, tranh luận và bày tỏ quan điểm của mình một cách rõ ràng, trực tiếp.

Nhiều điểm mới trong Phiên họp giả định Quốc hội trẻ em- Ảnh 2.

Chị Nguyễn Phạm Duy Trang cùng các đại biểu và thiếu nhi sẽ tham gia Phiên họp giả định Quốc hội trẻ em lần thứ hai

ẢNH: MINH HIỂN

Thông qua các ý kiến phát biểu thảo luận của trẻ em tại phiên thảo luận tổ cũng như phiên chất vấn, cùng ý kiến tổng hợp khảo sát nguyện vọng của trẻ em cả nước về 2 chủ đề phiên họp thời gian qua, T.Ư Đoàn, Hội đồng Đội T.Ư sẽ xây dựng báo cáo tổng hợp ý kiến trẻ em gửi tới Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan ban ngành, địa phương quan tâm, cụ thể hóa thành các chính sách, chương trình, kế hoạch liên quan đến trẻ em một cách hiệu quả và đáp ứng được nguyện vọng của trẻ em. Qua đó sẽ góp phần thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em.

Nâng cao nhận thức của xã hội

Ban tổ chức có kỳ vọng gì sau Phiên họp giả định Quốc hội trẻ em lần thứ hai?

Đoàn TNCS Hồ Chí Minh với vai trò là tổ chức đại diện tiếng nói nguyện vọng của trẻ em đã và đang đóng vai trò quan trọng trong việc tạo môi trường lành mạnh, an toàn để thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề liên quan đến trẻ em. Tuy nhiên, để đạt được sự tham gia toàn diện và hiệu quả hơn nữa, vẫn cần sự phối hợp chặt chẽ, tăng cường các hoạt động hỗ trợ từ nhiều cơ quan, tổ chức và cả sự quan tâm của gia đình. Cơ hội được trải nghiệm tham gia quá trình ra quyết định và chấp hành các quyết định sẽ gieo hạt giống trách nhiệm, khát vọng cống hiến vào các bạn nhỏ, những công dân trẻ tuổi, chủ nhân tương lai của đất nước ý thức chia sẻ, tư duy phát hiện, giải quyết vấn đề và tinh thần tự chịu trách nhiệm. Điều này không chỉ đảm bảo quyền lợi cho trẻ em mà còn góp phần xây dựng một xã hội dân chủ, văn minh và phát triển bền vững.

Ban tổ chức kỳ vọng Phiên họp giả định Quốc hội trẻ em lần thứ hai sẽ góp phần quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của xã hội về quyền lợi và tiếng nói của trẻ em. Đây là một trong những hoạt động cụ thể nhằm thực hiện Công ước Liên Hiệp Quốc về quyền trẻ em và luật Trẻ em năm 2016, đặc biệt là quyền tham gia vào các vấn đề liên quan đến trẻ em.

Các em được trao cơ hội đóng vai trò như đại biểu của cơ quan quyền lực cao nhất của nhà nước, qua đó trải nghiệm và hiểu rõ hơn về quy trình hoạt động của Quốc hội. Điều này không chỉ giúp nâng cao nhận thức của trẻ em về quyền và nghĩa vụ công dân mà còn tạo sự chuyển biến trong cách nhìn nhận của xã hội về vai trò quan trọng của trẻ em.

Ban tổ chức mong muốn sự kiện này sẽ truyền tải thông điệp mạnh mẽ rằng ý kiến của trẻ em cần được quan tâm, lắng nghe và coi trọng một cách phù hợp với lứa tuổi và độ trưởng thành của các em. Đồng thời, ban tổ chức rất mong các cấp lãnh đạo, các tổ chức và toàn xã hội cùng tăng cường bảo vệ và thúc đẩy quyền lợi của trẻ em. Đây cũng là một bước tiến quan trọng trong việc nâng cao sự đồng thuận và trách nhiệm của xã hội trong việc tạo ra môi trường thuận lợi, an toàn cho trẻ em phát triển và tham gia đóng góp vào các vấn đề quốc gia.

Xin cảm ơn chị!

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.