Nhiều diễn biến nóng trước thềm bầu cử giữa kỳ ở Mỹ

30/10/2022 09:00 GMT+7

Bầu không khí chính trị tại Mỹ ngày càng căng thẳng khi 2 chính đảng lớn nhất sắp bước vào thời điểm quyết định thế kiểm soát tại lưỡng viện thông qua bầu cử giữa kỳ.

Cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama vận động cho đảng Dân chủ tại Georgia vào ngày 28.10

reuters

Hãng AFP ngày 29.10 dẫn lời cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama cảnh báo về nguy cơ đối với nền dân chủ nước này, khi ông vận động sự ủng hộ cho đảng Dân chủ trước thềm bầu cử giữa kỳ vào ngày 8.11.

Ông nhấn mạnh rằng việc bỏ phiếu chọn các ứng viên Dân chủ thôi là chưa đủ, mà cần bầu chọn những người tốt, vì “một số người muốn phá hoại nền dân chủ đang tranh cử và nếu họ thắng thì không thể nói trước điều gì sẽ xảy ra”.

Ông Trump vận động tại Texas hôm 22.10

AFP

Phát biểu được đưa ra trong bối cảnh nước Mỹ tiếp tục đứng trước lo ngại về tình trạng bạo lực cực đoan, thù hận và nguy cơ phân hóa sâu sắc.

Nguy cơ tấn công gia tăng

Trong báo cáo tình báo gửi đến các tiểu bang hôm 28.10, giới chức liên bang cảnh báo rằng những kẻ bạo lực cực đoan trong nước đang là mối đe dọa gia tăng đối với kỳ bầu cử giữa kỳ.

Báo cáo của Bộ An ninh nội địa, FBI, cảnh sát Điện Capitol và Trung tâm Phòng chống khủng bố quốc gia cho rằng quan niệm về gian lận bầu cử có khả năng làm gia tăng mối đe dọa bạo lực. Báo cáo cảnh báo nguy cơ tấn công nhằm vào những đối thủ khác tư tưởng và những nhân viên bầu cử.

Cựu Phó Tổng thống Pence nói thẳng "ông Trump đã sai" về đảo ngược kết quả bầu cử

Cựu quan chức Bộ An ninh nội địa John Cohen cho rằng bầu cử giữa kỳ diễn ra vào thời điểm đất nước đang trong môi trường biến động, phức tạp và mang tính đe dọa nhất trong thời gian gần đây.

“Các cộng đồng trên cả nước tiếp tục chứng kiến những vụ tấn công gây thương vong lớn và những hành động bạo lực khác bởi những cá nhân có cảm hứng từ thuyết âm mưu”, ông dẫn chứng.

Tranh cãi lưỡng đảng

Sau nhiều chặng dừng trên cả nước, Tổng thống Joe Biden và người tiền nhiệm Donald Trump sẽ cùng kết thúc đợt vận động tại bang chiến địa Pennsylvania.

Theo tờ The New York Times, những vấn đề hai đảng tập trung công kích đối thủ tranh cử gồm lạm phát, quyền phá thai, người nhập cư, vụ bạo loạn 6.1 và vấn đề viện trợ Ukraine.

Đảng Cộng hòa cam kết giảm chi tiêu ngân sách và giảm thuế, đồng thời cho rằng những chính sách kinh tế của chính phủ đương nhiệm dẫn đến tình trạng giá cả tăng nhanh nhất trong vòng 40 năm.

Tổng thống Biden chỉ trích "lời dối trá kinh khủng" về gian lận bầu cử

Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế Michael Strain tại Viện Doanh nghiệp Mỹ cho rằng khó có khả năng các chính sách đó giúp giảm lạm phát trong năm tới, khi giá cả tăng nhanh vẫn là vấn đề đối với nền kinh tế và người tiêu dùng.

Vấn đề quyền phá thai cũng gây tranh cãi, với hầu hết các ứng viên Dân chủ ủng hộ và tuyên bố bảo vệ nữ quyền, còn phe Cộng hòa có thể cấm phá thai trên cả nước nếu kiểm soát quốc hội.

Ông Biden và Phó tổng thống Kamala Harris tại một sự kiện của đảng Dân chủ ở Pennsylvania hôm 28.10

AFP

Bên cạnh đó, lưỡng đảng còn tranh cãi về vấn đề viện trợ Ukraine. Tờ The Washington Post ngày 29.10 đưa tin một nhóm nghị sĩ Cộng hòa phản đối dự thảo Đạo luật Ủy nhiệm quốc phòng về việc cho phép Mỹ chuyển những tài sản của Nga cho Ukraine.

Giới phân tích cho rằng Nhà Trắng sẽ gặp khó trong việc viện trợ Ukraine nếu đảng Cộng hòa thắng thế, khi nhiều nhân vật trong đảng này cho rằng các nước giàu ở châu Âu nên viện trợ, thay vì Mỹ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.