Nhiều doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm xã hội vẫn hoạt động bình thường

10/04/2015 20:59 GMT+7

(TNO) Nhiều ý kiến đề xuất hướng giải quyết thực trạng doanh nghiệp (DN) trốn đóng BHXH mặc dù bị kiện ra tòa nhưng vẫn không chịu nộp để bảo vệ quyền lợi cho người lao động.

(TNO) Nhiều ý kiến đề xuất hướng giải quyết thực trạng doanh nghiệp (DN) trốn đóng BHXH mặc dù bị kiện ra tòa nhưng vẫn không chịu nộp để bảo vệ quyền lợi cho người lao động.

Ngày 10.4, theo ông Hứa Ngọc Thuận, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, trong năm 2014, Bảo hiểm xã hội (BHXH) TP.HCM đã kiện 1.717 DN trốn đóng BHXH nhưng chỉ thu hồi được gần 130 tỉ đồng (chiếm 27 % trên tổng số nợ).
Ông Cao Văn Sang, Giám đốc BHXH TP.HCM nói: “Kiện ra tòa hiện là quy định cao nhất trong việc xử lý nợ đọng BHXH. Tuy nhiên, rất nhiều trường hợp DN dù bị kiện 2 lần vẫn “trốn” nhưng vẫn cứ được hoạt động bình thường”.
Theo ông Sang, vấn đề mấu chốt là sau khi đã kiện rồi thì có cho phép thu nợ bằng mọi giá hay không mà thôi.
Theo bà Phạm Thị Thanh Loan, Phó cục trưởng Cục Thi hành án dân sự TP.HCM, DN đã nợ BHXH khi bị kiện ra tòa và đến khi có bản án đa phần là họ khó khăn về tài chính, hoạt động kinh doanh cầm chừng, không còn hoạt động hoặc giải thể. Khi không có tài sản để thi hành án (THA), buộc cơ quan THA phải trả đơn yêu cầu THA cho phía BHXH.
Trường hợp DN còn đang hoạt động là số ít và khi rơi vào trường hợp này thì số tiền nợ BHXH là nhỏ, không đáng kể. Khi đó, thông thường hai bên thỏa thuận trả dần, nếu không thì THA sẽ sử dụng các biện pháp phong tỏa tài khoản, kê biên tài sản nếu có tài sản. Quy định hiện nay việc thi hành án số tiền cho BHXH cũng giống như việc thi hành bản án cho các cá nhân, tổ chức khác, không phải là đối tượng nằm trong thứ tự ưu tiên được trả nợ.
DN trốn đóng BHXH khiến lao động nữ mất quyền lợi về chế độ thai sản… - Ảnh: Đình PhúDN trốn đóng BHXH khiến lao động nữ mất quyền lợi về chế độ thai sản… - Ảnh: Đình Phú
Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ tịch Hội luật gia TP.HCM, Chính phủ quy định về vấn đề xử lý DN nợ BHXH còn nhẹ nên một số DN “qua mặt”.
Để giải quyết vấn đề, ông Hậu cũng cho rằng quy định pháp luật hình sự hiện nay cần cụ thể hóa việc khởi tố, xử lý hình sự người đại diện theo pháp luật của DN và các cán bộ quản lý trong DN có liên quan vì đã có hành vi chiếm đoạt tiền của người lao động về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản hoặc về tội sử dụng trái phép tài sản tuỳ theo tình tiết của từng vụ việc.
Ở một khía cạnh khác, tiến sĩ Lê Thị Thúy Hương, Trưởng bộ môn luật Lao động, Trường ĐH luật TP.HCM cho rằng cốt lõi không hẳn là do chế tài nhẹ và cũng đừng nâng cao vấn đề rằng, phải chế tài nặng thì may ra mới thu hồi được nợ BHXH.
Bà Hương đề xuất: “Ngoài cách chế tài về tài chính thì nên có những ràng buộc khác như là liên quan đến giấy phép hoạt động. Nếu anh không đóng BHXH thì hoạt động kinh doanh cũng bị ảnh hưởng, có thể là bị tạm đình chỉ hoặc đình chỉ nếu nợ quá thời gian quy định, chứ không phải có mỗi việc đóng tiền phạt là xong. Đối với DN, hoạt động kinh doanh là hoạt động sống còn của họ nên quy định tạm đình chỉ hoặc đình là phương án phù hợp”.
Đề xuất xử lý hình sự là cách làm hay
Thẩm phán Nguyễn Thành Vinh, Chánh tòa - Toà Lao động TAND TP.HCM nhìn nhận: “Tiền BHXH là tiền trích từ lương của người lao động, nghĩa vụ của người sử dụng lao động phải đóng cho BHXH. Nay người sử dụng lao động không đóng, lại tiếp tục chiếm giữ của người lao động cũng như của BHXH nên buộc DN phải chịu trách nhiệm là đúng. Nhưng cũng nên nghĩ đến cách chế tài nào sao cho phù hợp, không quá nặng, vừa tạo cơ hội cho DN khắc phục, vừa mang tính răn đe”.
“Đề xuất xử lý hình sự là cách làm hay, có thể xây dựng tội danh này theo hướng khi đã qua xử phạt hành chính 1 lần hoặc 2 lần nhưng DN vẫn tiếp tục không thực hiện nghĩa vụ đóng BHXH của mình mà vẫn đang tiếp tục hoạt động kinh doanh”, ông Vinh nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.