Nhiều đối tượng được đề xuất đưa vào diện phải đóng BHXH bắt buộc

04/08/2023 16:49 GMT+7

Sau khi tiếp thu ý kiến của các bộ, ngành, địa phương, Bộ LĐ-TB-XH chính thức trình Chính phủ bổ sung các nhóm đối tượng đưa vào diện phải đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc.

Theo Tờ trình Chính phủ dự án luật BHXH (sửa đổi), Bộ LĐ-TB-XH đề xuất bổ sung nhiều nhóm đối tượng đóng BHXH bắt buộc, sau khi nhận ý kiến góp ý của các bộ, ngành, địa phương.

Nhiều đối tượng được đề xuất đưa vào diện phải đóng BHXH bắt buộc - Ảnh 1.

Chủ hộ kinh doanh (có đăng ký kinh doanh) được đề xuất là một trong những nhóm đối tượng tham gia BHXH bắt buộc

NGỌC THẮNG

Cụ thể, nhóm 1: chủ hộ kinh doanh (có đăng ký kinh doanh). Theo cơ quan soạn thảo, số liệu thống kê, có khoảng trên 5 triệu hộ kinh doanh, trong đó gần 2 triệu hộ có đăng ký kinh doanh. Nhóm này không hưởng tiền lương nhưng có thu nhập thường xuyên, ổn định.

Thực tiễn thời gian qua, mặc dù pháp luật chưa quy định chủ hộ kinh doanh thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, nhưng tại các địa phương đã có các chủ hộ đăng ký tham gia và cơ quan BHXH đã thu BHXH bắt buộc đối với đối tượng này (cả nước khoảng gần 4.000 chủ hộ).

Nhóm 2: người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên, người đại diện phần vốn nhà nước, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp tại công ty và công ty mẹ, người quản lý điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương.

Nhóm 3: lao động làm việc theo chế độ linh hoạt (không trọn thời gian).

Nhóm 4: người có giao kết hợp đồng lao động hoặc thỏa thuận bằng tên khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên phù hợp với bộ luật Lao động năm 2019.

Nhóm 5: người không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố được đề xuất vào diện đóng bắt buộc thay vì ở khu vực tự nguyện như luật hiện hành. Hiện, cả nước có 270.400 người thuộc nhóm này, dự kiến ngân sách chi thêm 331 tỉ đồng mỗi năm nếu bổ sung chế độ BHXH bắt buộc.

Cơ quan soạn thảo lý giải, việc bổ sung các đối tượng trên đảm bảo phù hợp với những quy định mới của bộ luật Lao động, gia tăng quyền lợi khi các nhóm đối tượng này tham gia BHXH bắt buộc; thể hiện định hướng từng bước mở rộng diện bao phủ đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, đảm bảo tính khả thi trong tổ chức thực hiện.

Bên cạnh đó, nhằm từng bước hướng tới chính sách BHXH bắt buộc đối với toàn bộ người lao động có việc làm, có thu nhập và tiền lương khi có đủ điều kiện cần thiết theo tinh thần của Nghị quyết số 28-NQ/T.Ư.

Nhằm tạo sự chủ động của Chính phủ trong việc mở rộng việc tham gia BHXH bắt buộc đối với các nhóm đối tượng khác, Bộ LĐ-TB-XH đề xuất tại khoản 6 điều 3 dự thảo luật BHXH (sửa đổi) giao Chính phủ quy định việc tham gia BHXH bắt buộc đối với các đối tượng khác phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội từng thời kỳ, phù hợp với bối cảnh sự thay đổi của quan hệ lao động, đời sống của người lao động.

Dự thảo luật BHXH sửa đổi trình dự kiến trình Quốc hội thảo luận tại kỳ họp Quốc hội tháng 10, thông qua tại kỳ họp tháng 5.2024 và có hiệu lực từ ngày 1.1.2025.

Theo Bộ LĐ-TB-XH, tính đến hết năm 2022, số người tham gia BHXH là 17,49 triệu người (tăng 34,02% so với năm 2016), chiếm 33,89% lực lượng lao động. Trong đó, 16,03 triệu người tham gia BHXH bắt buộc (tăng 24,74% so với năm 2016); 1,46 triệu người tham gia BHXH tự nguyện (tăng 619% so với năm 2016).

Tuy nhiên, qua tổng kết thi hành cho thấy, pháp luật BHXH bắt buộc còn bỏ sót một số nhóm đối tượng có nhu cầu và có khả năng nhưng chưa được luật hóa để tham gia BHXH bắt buộc như: chủ hộ kinh doanh cá thể, người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương, người lao động làm việc theo chế độ linh hoạt...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.