* Vinasat I, II lỗ vượt dự kiến trên 300 tỉ đồng
>> Chờ kết luận thanh tra để tái cơ cấu VNPT
Nhiều dự án gây lãng phí, thiệt hại về vốn
Theo TTCP, các sai phạm tại VNPT tập trung vào việc quản lý sử dụng vốn và tài sản. Thời điểm thanh tra xác định là từ năm 2006 - 2011.
Cụ thể, trong khoảng thời gian này, VNPT đã triển khai thực hiện một số lượng dự án đầu tư lớn, quá trình thực hiện có nhiều dự án thay đổi mà chủ yếu là tăng tổng mức đầu tư; chậm tiến độ, trung bình thời gian chậm của mỗi dự án là 8,7 tháng, dẫn đến tăng chi phí đầu tư, giảm hiệu quả sử dụng vốn; chậm quyết toán vốn đầu tư, nhất là các dự án mua sắm thiết bị lớn.
Tại một số dự án cụ thể: do việc chưa khảo sát, tính toán đến thực tế, khả năng phát triển và ảnh hưởng của mạng di động cũng như sức cạnh tranh của các mạng thuê bao khác; việc đánh giá xu hướng phát triển của thị trường viễn thông chưa tốt, chưa đánh giá đúng, sát về xu hướng thay đổi công nghệ, xu hướng giảm giá cước viễn thông chung trên các mạng; quá trình thực hiện đầu tư chưa tuân thủ nghiêm các quy định về trình tự, thủ tục đầu tư..., dẫn đến một số vật tư, thiết bị mua về không sử dụng hết, kinh doanh khai thác kém hiệu quả, phải dừng đầu tư, gây lãng phí, thiệt hại về vốn.
TTCP chỉ rõ, đối với dự án cáp đồng còn tồn kho vật tư cáp các loại trị giá 70,4 tỉ đồng; dự án Cityphone lỗ và tài sản không khấu hao hết tổng cộng 168,5 tỉ đồng.
Đáng chú ý, dự án đầu tư tuyến cáp quang biển trục bắc - nam với tổng mức đầu tư gần 3.000 tỉ đồng bằng nguồn vốn vay ODA chậm tiến độ gần 10 năm. Nguyên nhân được xác định là do khâu khảo sát, thiết kế, lập dự toán, thẩm tra, phê duyệt thực hiện kéo dài từ năm 2004 đến năm 2007; VNPT chưa tổ chức thực hiện đúng các yêu cầu quy định, sau nhiều lần đôn đốc của Chính phủ, Bộ Thông tin - Truyền thông nhưng dự án vẫn chưa thực hiện xong giai đoạn đấu thầu, làm ảnh hưởng tới hiệu quả của dự án và môi trường đầu tư trong việc sử dụng nguồn vốn ODA.
|
Vinasat I, II lỗ vượt dự kiến trên 300 tỉ đồng
Đối với việc đầu tư dự án Vinasat I, II với tổng mức đầu tư 9.280 tỉ đồng, tuy đạt được mục tiêu về chính trị - xã hội nhưng TTCP cho rằng đến thời điểm năm 2011 chưa đảm bảo hiệu quả kinh doanh như kế hoạch trong dự án được phê duyệt, lỗ vượt dự kiến 329 tỉ đồng.
Bên cạnh đó, TTCP xác định, VNPT dùng hơn 3.200 tỉ đồng đầu tư tài chính theo hình thức góp vốn với 86 doanh nghiệp trong lĩnh vực viễn thông nhưng hiệu quả không cao, hàng chục doanh nghiệp không thu được lợi nhuận gây lãng phí đầu tư.
Ngoài ra, TTCP cũng cho biết VNPT phân bổ vào chi phí tài chính khoản chênh lệch tỷ giá phát sinh do đánh giá lại số dư ngoại tệ tiền gửi ngắn hạn năm 2006 trị giá 25,6 tỉ đồng không đúng quy định, giảm lợi nhuận, thiếu thuế thu nhập doanh nghiệp. Trích lập dự phòng các khoản nợ phải thu khó đòi thiếu so với quy định lũy kế đến năm 2011 là hơn 202 tỉ đồng. VNPT chưa thực hiện nghiêm việc xử lý trách nhiệm đối với những đơn vị và cá nhân liên quan trong công tác quản lý hoạt động kinh doanh, hợp đồng thu cước viễn thông…, dẫn đến phát sinh công nợ khó đòi giá trị lớn...
Kết quả hoạt động kinh doanh của VNPT từ năm 2006 đến năm 2010 không đạt chỉ tiêu tỷ suất lợi nhuận đề ra, dẫn đến vốn chủ sở hữu tại thời điểm ngày 31.12.2010 chưa bổ sung đủ, thiếu hơn 2.700 tỉ đồng so với quy định. Trong khi đó, VNPT thực hiện trích quỹ lương theo doanh nghiệp xếp loại A là không đúng quy định của Chính phủ, trích vượt Quỹ khen thưởng phúc lợi...
Từ các vi phạm trên, TTCP kiến nghị kiểm điểm và chỉ đạo thực hiện kiểm điểm trách nhiệm tập thể cá nhân tại VNPT. Trong đó, lưu ý đến các sai phạm trong đầu tư mua sắm và đầu tư tài chính, những sai phạm cụ thể tại Công ty Tài chính Bưu điện, Công ty Viễn thông Quốc tế (VTI).
Về xử lý kinh tế, TTCP kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước trên 105 tỉ đồng là tiền thuế do VNPT và các đơn vị thành viên chưa thực hiện và thực hiện chưa đúng quy định. Kiến nghị các cơ quan chức năng xem xét xử lý trên 4.900 tỉ đồng, chủ yếu tập trung ở các khoản nợ phải thu khó đòi, các khoản trích lập quỹ dự phòng, phúc lợi, đầu tư... không đúng quy định.
Thái Sơn
>> Kiến nghị xử lý gần 5.000 tỉ đồng của VNPT
>> VNPT TP.HCM cung cấp công cụ chặn web đen
>> Chờ kết luận thanh tra để tái cơ cấu VNPT
>> Triển khai dịch vụ chứng thực chữ ký số VNPT-CA
>> Viettel, VNPT phải giải trình
>> VNPT tiếp nhận Vinasat-2
Bình luận (0)