Nhiều dự án tài trợ của EU cho giáo dục đại học Việt Nam

20/05/2022 15:51 GMT+7

Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) cùng Đại sứ quán Pháp, Ý tại Việt Nam, Hội Gặp gỡ Việt Nam… tổ chức Hội thảo quốc tế chuyên đề: Chương trình Erasmus+ nâng cao năng lực trong giáo dục đại học - quá khứ và tương lai.

Sáng 20.5, tại Trung tâm quốc tế Khoa học và giáo dục liên ngành (ICISE, TP.Quy Nhơn, Bình Định), được sự hỗ trợ, ủng hộ của Bộ GD-ĐT và Bộ KH-CN, Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam cùng Đại sứ quán Pháp, Đại sứ quán Ý tại Việt Nam phối hợp với Hội Gặp gỡ Việt Nam, Cổng thông tin điện tử Euraxess Asean tổ chức Hội thảo quốc tế chuyên đề: Chương trình Erasmus+ nâng cao năng lực trong giáo dục đại học - quá khứ và tương lai.

Tham dự hội thảo có hơn 200 đại biểu là đại diện của Bộ GD-ĐT, tỉnh Bình Định, các trường đại học, các cơ sở giáo dục trong nước...

Đại diện các đơn vị như: EU, Đại sứ quán Pháp, Đại sứ quán Ý tại Việt Nam tham dự hội thảo

hoàng trọng

Erasmus+ là một chương trình được tài trợ bởi EU tập trung vào giáo dục, đào tạo, thanh thiếu niên và thể thao, được triển khai từ năm 2014. Đến nay, có hàng trăm dự án thuộc chương trình Erasmus+ được phê duyệt và triển khai tại Việt Nam, hàng nghìn giảng viên và sinh viên Việt Nam đã được trao cơ hội học tập, trao đổi kinh nghiệm tại các cơ sở giáo dục đại học tại châu Âu.

Các dự án Nâng cao năng lực trong giáo dục đại học nằm trong khuôn khổ của chương trình Erasmus+ kéo dài từ 2 - 3 năm, hướng tới hiện đại hóa và đổi mới trong các trường đại học, xây dựng các giáo trình mới, nâng cao quản trị và kết nối quan hệ giữa các trường đại học và doanh nghiệp. Dự án còn phối hợp với chính quyền địa phương nhằm giải quyết các vấn đề về chính sách, xây dựng nền tảng cho đổi mới giáo dục đại học.

Trong giai đoạn 2015 - 2020, Việt Nam là quốc gia được hưởng lợi nhiều nhất từ Chương trình nâng cao năng lực trong giáo dục đại học Erasmus+ (74 chương trình liên quan đến 94 trường đại học/học viện).

Đại diện các trường ĐH tại Việt Nam tham dự hội thảo

hoàng trọng

Sau lễ khai mạc, trong sáng 20.5, các đại biểu đã nghe đại diện đến từ các trường đại học của Việt Nam như: Đại học Đà Nẵng, ĐH Huế, Trường ĐH Hà Nội, Trường ĐH Nông lâm TP.HCM, Trường ĐH Cần Thơ, Trường ĐH khoa học tự nhiên - ĐH Quốc gia Hà Nội… chia sẻ các lợi ích, tác động của chương trình Erasmus+, kinh nghiệm tham gia chương trình...

PGS.TS. Võ Trung Hùng, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật - ĐH Đà Nẵng, chia sẻ về các lợi ích và tác động của các dự án Erasmus+

hoàng trọng

TS. Nguyễn Xuân Huy, Phó trưởng ban Khoa học - Công nghệ và Quan hệ quốc tế, Đại học Huế, chia sẻ về những kinh nghiệm điều phối dự án

hoàng trọng

Theo lịch, chiều 20.5 là phần chia sẻ của các trường đại học Châu Âu từng điều phối dự án Erasmus+.

Sáng 21.5, hội thảo tiếp tục với phiên họp về chương trình Erasmus+ của Việt Nam trong giai đoạn 2021 - 2027 và lễ bế mạc.

Theo Hội Gặp gỡ Việt Nam, Hội thảo quốc tế chuyên đề: Chương trình Erasmus+ nâng cao năng lực trong giáo dục đại học - quá khứ và tương lai lần này nhằm hỗ trợ cho các trường đại học tại Việt Nam chuẩn bị đề xuất cho chương trình Erasmus+ Nâng cao năng lực trong giáo dục đại học trong giai đoạn 2021 - 2027 dựa trên những kinh nghiệm và thông tin phản hồi từ các trường đại học từng điều phối, tham gia dự án trước đó.

Ông Marco Abbiati, Tùy viên hợp tác khoa học của Đại sứ quán Ý tại Việt Nam, phát biểu tại hội thảo

hoàng trọng

Các đại biểu phát biểu thảo luận tại hội thảo

hoàng trọng

Hội thảo còn là cơ hội để đánh giá về chất lượng các dự án có sự tham gia của Việt Nam trong giai đoạn 2015 - 2020 cũng như chia sẻ thông tin, kinh nghiệm cho các trường đại học khác của Việt Nam chưa từng tham gia các chương trình hợp tác với châu Âu và đang mong muốn tìm hiểu. Qua đó, tạo động lực và khuyến khích cho việc chuẩn bị các đề xuất mới từ năm 2023 với sự hợp tác của EU và các nước thành viên, các đối tác ở Đông Nam Á và đặc biệt là Việt Nam.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.