Công an giám sát cả vòng 1 in sao đề thi
Tại hội nghị, ông Phạm Quốc Khánh, Phó cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, cho biết năm nay đảm bảo nguyên tắc một cán bộ coi thi không coi quá 1 lần tại 1 phòng thi trong suốt kỳ thi. Cán bộ coi thi cũng bắt buộc phải đăng ký mẫu chữ ký cá nhân thường dùng, chính xác, rõ ràng...
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó cục trưởng Cục An ninh chính trị nội bộ, Bộ Công an, cho biết kỳ thi này nhận được sự quan tâm đặc biệt của Nhà nước, Chính phủ, dư luận xã hội. Những vấn đề tiêu cực xảy ra làm ảnh hưởng trực tiếp kỳ thi, ảnh hưởng chất lượng, uy tín ngành giáo dục. Theo ông Tuấn, trong năm 2020, do diễn biến của dịch Covid-19, Bộ GD-ĐT đã có một số điều chỉnh về quy chế. Trong đó có giao cho UBND tỉnh chịu trách nhiệm toàn bộ công tác kỳ thi ở tỉnh. Vì vậy, vai trò của lực lượng công an địa phương các tỉnh rất quan trọng. Lãnh đạo Bộ Công an đã có chỉ đạo công an địa phương rà soát những vấn đề bất cập trong công tác phối hợp đảm bảo an ninh an toàn trong kỳ thi.
“Phải xác định công tác đảm bảo an ninh, an toàn kỳ thi là trách nhiệm của nhiều ngành chứ không chỉ ngành công an. Lực lượng công an có vai trò là nòng cốt, phối hợp Bộ GD-ĐT. Công an địa phương phối hợp sở GD-ĐT địa phương, tham mưu UBND tỉnh. Không nên “khoán trắng” cho lực lượng công an”, ông Nguyễn Anh Tuấn nhấn mạnh.
Tại hội nghị Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh kỳ thi năm nay phải có sự phối hợp nhịp nhàng, phải phân công rõ người rõ việc. Thứ trưởng cũng yêu cầu phải đảm bảo không để lộ, lọt đề thi.
|
“Tại hội đồng in sao đề, năm nay tăng cường lực lượng an ninh ở 3 vòng, có mặt ngay cả vòng 1 bên trong khu in sao đề. Mọi năm, lực lượng công an chỉ có mặt ở vòng 2, 3. Một điểm thi phải có đại diện 2 trường đến coi thi. Cán bộ an ninh và phó điểm trưởng từ trường khác đến sẽ ngủ lại, quản lý tủ đề. Còn điểm trưởng sẽ cầm chìa khóa và không ở khu vực có đề. Về chấm thi, cũng có điểm mới ở khâu gieo phách. Trước đây, chủ tịch hội đồng thi gieo phách bên ngoài, sau đó in ra, đem vào trong làm phách. Nhưng năm nay để cả máy tính vào khu vực cách ly, sau đó trưởng ban mới bắt đầu gieo phách. Người làm phách 1 có thể ra về, nhưng người làm phách 2 thì phải cách ly cho đến khi chấm thi xong”, Thứ trưởng Độ cho biết.
Tranh cãi về ngày công bố kết quả thi
Trong dự thảo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT có ghi rõ ngày 27.8 sẽ công bố kết quả thi. Tuy nhiên, mốc thời gian này lại nhận được rất nhiều ý kiến tranh luận.
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho rằng TP.HCM có gần 80.000 bài thi. Nếu ngày 27.8 mới công bố kết quả thì đến 20.9 mới hoàn thành chấm phúc khảo. Trong khi đó, địa điểm chấm lại đặt tại các trường phổ thông, có thể ảnh hưởng đến năm học 2020 - 2021.
Tuy nhiên, đại diện Sở GD-ĐT Hà Nội thì cho rằng công bố kết quả ngày 27.8 là phù hợp. Khâu làm phách mất 4 ngày. Sở đã điều động 800 người tham gia chấm thi nhưng sau khi chấm cần có thời gian trễ để lên điểm, sau đó phải kiểm dò, rồi hồi phách lên điểm. Vì vậy, nên giữ nguyên lịch dự kiến công bố kết quả thi cũ của Bộ GD-ĐT.
Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT, cho biết kỳ thi này là cơ sở chung dữ liệu của toàn quốc, tổng thể phải tuyệt đối chính xác, an ninh an toàn, chuẩn chỉnh dữ liệu. Các sở cần cập nhật lên hệ thống toàn bộ tình trạng vắng thi. Phải kiểm tra hạ tầng công nghệ thông tin để đảm bảo không tắc nghẽn, có thể chạy thử nhưng phải đảm bảo an toàn tuyệt đối. Vì vậy, sau khi nhận ý kiến các sở, Bộ vẫn quyết định ngày 27.8 công bố kết quả thi.
Bình luận (0)