Nhiều hãng công nghệ lớn hưởng lợi từ 'bão giảm giá' tiền mã hóa

12/02/2019 12:50 GMT+7

Đà giảm giá tiền mã hóa khiến một số người mất việc làm trong mảng blockchain, song cũng mở ra cơ hội tuyển dụng lý tưởng cho các đại gia công nghệ.

Theo CNBC, một số startup blockchain, bất kể có đội ngũ kỹ sư tài năng, đến nay vẫn chưa thể chứng minh sự hữu dụng của tiền mã hóa và đang chật vật tài trợ cho các hoạt động doanh nghiệp giữa cảnh tiền mã hóa giảm giá mạnh. Nhân viên các hãng này dần trở thành người làm nghề tự do, và đây là tin tốt với các hãng lớn như Facebook.
Theo báo cáo của Cheddar, hãng mạng xã hội Mỹ mới đây tuyển nhân viên từ startup Chainspace. Facebook xác nhận với CNBC rằng hãng thuê một vài nhân viên song không mua Chainspace hay công nghệ của hãng này.
Chainspace là hãng khởi nghiệp tiền mã hóa được thành lập bởi nhiều nghiên cứu sinh tiến sĩ từ University College of London. Hai trong số các thành viên sáng lập công ty giờ là nhân viên của Facebook, theo nội dung thông tin từ trang LinkedIn của họ. Chainspace tập trung vào việc “trao cho mọi người quyền sở hữu dữ liệu cá nhân” thông qua dự án mang tên “Decode”.
Trong lưu ý gửi đến khách hàng tuần trước, nhà phân tích internet Zachary Schwartzman của hãng RBC cho rằng blockchain là mối đe dọa với Facebook và nhiều hãng công nghệ lớn. Internet “vẫn ở giai đoạn phôi thai của sự chuyển đổi lớn điển hình tiềm năng”. Sự thay đổi này có thể là “rủi ro dài hạn với mô hình kinh doanh cơ bản của Facebook”.
Schwartzman phân loại động thái của Facebook là “thuê thâu tóm”, thuật ngữ phổ biến ở Thung lũng Silicon dùng để chỉ khi một doanh nghiệp thâu tóm doanh nghiệp khác chỉ để tuyển dụng nhân viên của hãng đó. “Bề nổi, có vẻ như Facebook cố tình thuê đội ngũ kỹ thuật liên quan đến Decode, nhưng chúng tôi không tin rằng hãng đang làm thế. Quan điểm của chúng tôi là đây chỉ đơn giản là hoạt động thuê thâu tóm nhằm mở rộng chuyên môn của nhóm phát triển tiền mã hóa thuộc Facebook”, ông Schwartzman nói.
Facebook nằm trong danh sách ngày càng dài các doanh nghiệp có thử nghiệm trong mảng blockchain. Hãng có cựu giám đốc PayPal David Marcus là người dẫn đầu blockchain. Amazon, IBM, Microsoft và J. P. Morgan là vài cái tên khác đang xem xét cách ứng dụng công nghệ được những người ủng hộ cho là minh bạch và an toàn hơn hệ thống dữ liệu hiện hành. Song như internet, cách tốt nhất để kiếm lời từ blockchain có thể chưa lập tức rõ ràng. “Thuê thâu tóm” giúp các đại gia công nghệ nhanh chóng nắm bắt chuyên gia blockchain vốn đã làm việc cùng nhau để khám phá cách dùng công nghệ này.
“Sẽ mất một thời gian, song khi công nghệ dần trưởng thành và trở nên phù hợp với nhiều khách hàng hơn, bạn sẽ thấy hiệu ứng lan tỏa với nhiều quan hệ đối tác và thương vụ công khai hơn”, chuyên gia đứng đầu mảng blockchain và ngân hàng đầu tư tài sản kỹ thuật số Satya Bajpai thuộc JMP Securities cho hay.
Hai năm trước, rất nhiều tiền được đổ vào các startup blockchain, tiền mã hóa để giúp chúng “bay cao”. Hơn 2,6 tỉ USD được chi cho các thương vụ cho 301 doanh nghiệp vào năm ngoái, theo Pitchbook. Con số này gấp ba lần tổng giá trị thương vụ blockchain và tiền mã hóa được thực hiện trong năm 2017. Song Bajpai cho rằng thời gian ào ạt vốn đầu tư mạo hiểm đã qua. Giá bitcoin hạ 80% kể từ thời điểm đó. Tổng giá trị thị trường tiền mã hóa hiện khoảng 121 tỉ USD, giảm mạnh so với mức 800 tỉ USD ở thời “hoàng kim”.
Chuyên gia JMP Securities ví thời gian này như những năm dot-com. Startup có ý tưởng thuyết phục huy động được vốn đầu tư mạo hiểm, song những thứ không có khả năng chứng minh tính bền vững bị lung lay trong quá trình này. “Để gọi thêm vốn, họ cần thể hiện sự tiến bộ qua việc ứng dụng công nghệ của khách hàng và doanh thu, những mặt mà các hãng này chưa đạt kỳ vọng”, ông Bajpai nhận định.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.