"Menu không tiếp xúc"
Hiện nay, ở TP.HCM, có nhiều quán đã áp dụng chuyển đổi số trong kinh doanh. Mà rõ nét nhất là việc tạo menu điện tử bằng mã QR (hay còn gọi là "menu không tiếp xúc" – PV) để khách gọi món.
Khi đến quán cà phê phong cách rooftop (sân thượng) trên đường Bạch Đằng (Q.Bình Thạnh), khách không cần phải gọi nhân viên mang menu đến để chọn thức uống. Thay vào đó, nhân viên sẽ đưa một mã QR để khách quét, truy cập bằng điện thoại thông minh. Lần lượt những thức uống hiển thị cùng với mức giá và khách có thể lựa chọn.
Tương tự, một quán phở trên đường Lê Thị Riêng (Q.12) cũng có bảng thực đơn là mã QR. Anh Đỗ Thanh Hùng (32 tuổi, chủ quán), cho biết đã ứng dụng "menu không tiếp xúc" này được 3 tháng.
Chị Phan Thị Huỳnh Châu (27 tuổi), chủ quán cà phê Tí Nị trên đường Trương Công Định (Q.Tân Bình), cho biết: "Ở quán không còn menu giấy. Thay vào đó, tôi đã chuyển thành menu kỹ thuật số thân thiện với thiết bị di động. Nghĩa là tạo ra mã QR. Cụ thể là thực đơn trực tuyến. Khi khách quét vào mã QR ấy thì danh sách những thức uống, món ăn vặt… sẽ xuất hiện. Khách chỉ cần thao tác trên điện thoại vào để đặt món".
Nhiều "điểm cộng"
Theo chị Châu, việc áp dụng menu điện tử bằng mã QR mang đến nhiều trải nghiệm đặt món, thanh toán một cách tiện lợi và dễ dàng cho khách hàng.
"Quy trình đặt món trở nên thuận tiện hơn. Như trước đây, quán tôi chỉ có khoảng 7 menu giấy. Mỗi lần đông khách là rơi vào cảnh thiếu menu. Người này phải đợi người kia để có thể xem danh sách các món. Còn giờ đây, khi có mã QR, việc đặt món nhanh chóng hơn", chị Châu nói.
Anh Hùng cho biết: "Thời gian trước khi sử dụng menu điện tử bằng mã QR, mỗi lúc khách đến là nhân viên phải đem bảng thực đơn bằng giấy ra bàn. Sau đó, hỏi khách muốn ăn món nào, có yêu cầu gì hay không? Tiếp đến, phải đứng đợi chờ khách chọn lựa, có khi tốn cả chục phút. Nhưng từ khi có bảng thực đơn là mã QR, mọi thứ tiện lợi hơn rất nhiều. Khách quét mã QR rồi tự chọn món cũng như ghi chú: không hành, ít nước phở, nhiều giá trụng, cay vừa… Chính vì thế, không còn rơi vào trường hợp nhân viên quên lời khách dặn khiến quán bị phàn nàn, khắc phục được những nhược điểm của menu giấy".
Cũng theo anh Hùng, nhờ có menu điện tử bằng mã QR nên giảm tải được công việc của nhân viên. Quán đã giảm được 2 nhân viên chuyên nhiệm vụ ghi món ăn cho khách nên bớt một khoản chi phí nhân sự đáng kể. Ngoài ra, cũng không tốn chi phí in ấn menu giấy.
Anh Nguyễn Minh Ân (35 tuổi), chủ quán bún chả Hà Nội trên đường Phú Thọ Hòa (Q.Tân Phú), nói: "Việc triển khai thực đơn tại quán bằng mã QR là cách để bắt kịp xu hướng chuyển đổi số đã và đang được áp dụng trong nhiều lĩnh vực của cuộc sống. Giải pháp này rất hữu ích và đem lại nhiều "điểm cộng" so với thực đơn thông thường".
Theo anh Ân, nhiều "điểm cộng" vượt trội đó là: giúp trải nghiệm chọn món của khách trở nên thú vị, có thể thống kê đầy đủ số lượng đơn hàng đã bán ra trong ngày. Hơn hết, đó là tiết kiệm thời gian vận hành trong hệ thống quản lý bán hàng, đảm bảo phục vụ khách một cách chính xác và nhanh chóng.
Nguyễn Hoài Thu Thảo, sinh viên Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, cho biết: "Mình từng đến nhiều quán cà phê và được trải nghiệm quét mã QR để chọn thức uống. Mình ấn tượng với cách làm đó (tức sử dụng menu điện tử bằng mã QR). Chỉ cần đưa điện thoại quét mã QR là nhóm bạn 9 thành viên đều có thể cùng lúc chọn thức uống".
Hồ Thanh Như, sinh viên Trường ĐH Công thương TP.HCM, nói: "Nhiều quán có menu giấy đã cũ dẫn đến tình trạng mất đi giá tiền món ăn. Hay hình ảnh của món ăn bị nhòe, phai màu, khó kích thích vị giác. Còn nhìn vào bảng thực đơn là mã QR thì hình ảnh món ăn bắt mắt, thu hút sự chú ý".
Như nói thêm: "Mình luôn ấn tượng với những quán đã và đang áp dụng menu điện tử bằng mã QR. Đó là cách mà các quán thích ứng với thời đại. Mỗi lần đến những quán như vậy mình luôn chấm 5 sao".
Bình luận (0)