Theo Forbes, đây là lý do vì sao nhiều nhà đầu tư Trung Quốc cược hàng trăm triệu USD vào các startup khởi nghiệp vũ trụ tư nhân trong nước, các hãng đều muốn có ngày trở thành SpaceX.
Song liệu SpaceX có thể sao chép được hay không? Câu trả lời không đơn giản là có. Nếu không có sự kiên trì và sự sẵn lòng đáng kinh ngạc của tỉ phú sáng lập Elon Musk trong việc “đốt tiền” của đầu tư mạo hiểm theo đúng nghĩa đen, SpaceX đã không đạt được thành tựu hôm nay.
Dù xác suất thành công không cao, bảy hãng không gian tư nhân Đại lục vẫn huy động được hơn 1,66 tỉ nhân dân tệ, tương đương 241 triệu USD, từ các nhà đầu tư tính đến tháng 8 năm nay, theo dữ liệu từ China Money Network. Vòng gọi vốn lớn nhất đạt 1,2 tỉ nhân dân tệ, tương đương 180 triệu USD, của hãng ExPace Technology.
Năm 2018 được một số chuyên gia trong ngành cho là năm mà các hãng xây dựng tên lửa Trung Quốc thức giấc. Tuần trước, OneSpace Technology ở Bắc Kinh gọi vốn được 300 triệu nhân dân tệ, tương đương 44 triệu USD, trong vòng gọi vốn series B do CICC Jiatai Equity Funds dẫn đầu. Tháng 4, Beijing LandSpace Technology huy động thành công 200 triệu nhân dân tệ, tương đương 35 triệu USD.
|
Tháng 7, Spacety nhận được khoảng 22 triệu USD tiền đầu tư do nhóm nhà đầu tư được Legend Capital dẫn đầu. iSpace cũng hoàn tất vòng gọi vốn series A chưa được tiết lộ do Matrix Partners China dẫn đầu.
Làn sóng vốn mạo hiểm chảy vào startup vũ trụ tư nhân nổi lên sau khi chính phủ Trung Quốc ra chính sách thuận lợi, nhằm khuyến khích doanh nghiệp mới tham gia vào ngành công nghiệp từng bị giới hạn với các hãng tư nhân. Năm 2014, Trung Quốc cho phép công ty tư nhân xây dựng và phóng vệ tinh, tên lửa thương mại. Từ đó, công nghệ tên lửa, vệ tinh bùng nổ, giúp Trung Quốc bắt kịp các nước Nga, Mỹ.
Báo cáo The Space Report 2016 do The Space Foundation cho biết nền kinh tế không gian toàn cầu tăng vọt lên 223 tỉ USD, và hoạt động thương mại chiếm đến 76% trong số này. Đến năm 2020, thị trường không gian thương mại Trung Quốc được dự báo đạt 120 tỉ USD, theo Tạp chí Chứng khoán Trung Quốc. Trong cuộc phỏng vấn với giới truyền thông, Phó giám đốc Cơ quan Vũ trụ Quốc gia Trung Quốc Wu Yanhua cho hay mục tiêu chung của nước này là đến năm 2030 sẽ trở thành “một trong các cường quốc không gian chính của thế giới”.
Nhờ vốn bơm vào, các hãng tiến bộ trong việc nghiên cứu và phát triển. Hôm 17.5, tên lửa quỹ đạo phụ thương mại đầu tiên do tư nhân phát triển, có tên Ngôi sao Trùng Khánh Liangjiang được phóng thành công từ căn cứ ở tây bắc Trung Quốc. Cùng tháng đó, Hacker Space thông báo ra mắt phương tiện phóng thương mại New Route No. 1, đặt mục tiêu có lần bay đầu tiên vào năm 2020.
|
Cũng trong cùng thời gian, OneSpace của Trung Quốc trở thành doanh nghiệp tư nhân đầu tiên phóng tên lửa riêng. Nhà sáng lập kiêm CEO Shu Chang thông báo tên lửa OS-X được phóng thành công từ tây Bắc Trung Quốc. Tổng số các vệ tinh phóng từ Đại lục trong 50 năm qua tăng lên 190. Trung Quốc chiếm 3% thị phần ngành công nghiệp không gian thương mại, song muốn tăng thị phần lên 10% vào năm 2020.
Dù nỗ lực và có tiềm năng, đa phần startup Trung Quốc vẫn còn đoạn đường dài phải đi để bắt kịp với SpaceX. SpaceX lần đầu phóng thành công tên lửa Falcon 9 từ mặt đất vào năm 2015, và hạ cánh được tên lửa này trên biển một năm sau đó. Đa phần các hãng Đại lục đều còn cách thành tựu trên nhiều năm, nếu không muốn nói là nhiều thập niên.
Với hỗ trợ vốn mạnh mẽ, các hãng không gian Trung Quốc có thể đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu. Trước khi làm thế, doanh nghiệp cần mô hình khả thi, tức phải tìm hiểu các cách kiếm tiền từ công nghệ hiện tại, trong đó có dự báo thời tiết, điều hướng và thăm dò dầu thô.
Song cuối cùng thì đến nay, vẫn chưa có tỉ phú Trung Quốc nào thể hiện mong muốn mạnh mẽ đến mức nhìn hàng triệu USD giá trị tài sản nổ tung trên không, hệt như ông Elon Musk từng chứng kiến trước khi lèo lái SpaceX đến hôm nay.
Bình luận (0)