Cùng với nhiều ngành nghề khác, hoạt động xuất nhập khẩu của nhiều hãng xe tại Mỹ đang bị gián đoạn sau vụ tai nạn do một tàu chở container gây ra khiến cầu Francis Scott Key ở thành phố Baltimore (bang Maryland, Mỹ) đã bị gãy một đoạn dài và chìm xuống sông rạng sáng 26.3.
Vụ tai nạn nghiêm trọng này không chỉ làm "tê liệt" một số tuyến giao thông quan trọng tại Mỹ mà còn khiến việc lưu thông hàng hải qua cảng Baltimore bị gián đoạn. Baltimore được biết đến là một trong những cảng biển lớn nhất của Mỹ, đồng thời là mắt xích quan trọng trong việc vận tải hàng hóa, nhất là ô tô.
Theo chính quyền bang Maryland, năm ngoái riêng cảng Baltimore đã trở thành điểm trung chuyển 847.158 ô tô và xe tải nhẹ, trở thành cảng vận chuyển ô tô lớn nhất nước Mỹ trong năm thứ 13 liên tiếp. Sau vụ tai nạn xảy ra hôm 26.3, cảng Baltimore đã đưa ra thông báo tạm dừng hoạt động vận chuyển hàng hải. Các chuyên gia và quan chức trong ngành cho biết, quyết định này sẽ dẫn đến những tác động đối với lĩnh vực ô tô. Việc vận chuyển ô tô của nhiều hãng xe sẽ bị chậm trễ và nguồn cung hạn chế, mặc dù quy mô không lớn như những gì đã diễn ra trong giai đoạn bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.
Ông John Bozzella - Chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của Alliance for Automotive Innovation, đại diện cho nhiều nhà sản xuất ô tô tại Mỹ, cho biết: "Chắc chắn sẽ có sự gián đoạn" đối với ngành ô tô, mặc dù còn quá sớm để xác định tác động chính xác. Tuy nhiên, ở một động thái khác, những ngày gần đây nhiều hãng xe tại Mỹ đang loay hoay tìm phương án vận chuyển ô tô, nhằm đảm bảo nguồn cung cho đại lý cũng như khách hàng đã đặt mua xe.
Ngay sau sự cố, hai hãng xe Mỹ là Ford và General Motors (GM) đều cho biết, họ cần chuyển hướng các chuyến hàng đến các cảng khác trong thời gian cảng Baltimore đóng cửa. Giám đốc tài chính của Ford - ông John Lawler, chia sẻ với Bloomberg News rằng, hãng xe này cần chuyển hướng các chuyến hàng đến các cảng khác "dọc theo Bờ Đông hoặc các nơi khác trong nước".
Trong khi đó, GM cho rằng vụ tai nạn sẽ ít nhiều có tác động đến chuỗi cung ứng của hãng. Jeannine Ginivan - Người phát ngôn của General Motors (GM) cho biết, công ty đang nỗ lực "định tuyến lại bất kỳ lô xe nào đến các cảng khác khi công việc phục hồi vẫn tiếp tục".
Jaguar Land Rover nói họ đang theo dõi tình hình, trong khi Volkswagen, Volvo và Nissan cũng cho biết vụ sập cầu ở Baltimore phần nào khiến thời gian giao xe bị chậm lại. Một số hãng xe khác lại tỏ ra lạc quan với các phương án thay thế để đảm bảo nguồn cung ô tô cho thị trường.
Cụ thể, Mercedes-Benz cho biết, họ đã tìm ra những cách khác để xử lý những chiếc xe thường nhập khẩu từ Đức thông qua cảng Baltimore. Hãng xe Đức cho biết trong một tuyên bố: "Cùng với các đối tác vận tải của mình, chúng tôi đã xem xét và điều chỉnh các tuyến đường cung cấp của mình. Chúng tôi tự tin rằng xe của chúng tôi có thể được phân phối đúng hạn cho khách hàng tại Mỹ vào tháng 4". Được biết, Mercedes-Benz đã sử dụng các cảng ở Charleston, SC và Brunswick để nhập khẩu ô tô vào Mỹ thay cho cảng Baltimore.
Với BMW, hãng xe này sản xuất các mẫu xe thể thao đa dụng ở Nam Carolina và nhập khẩu xe sedan và xe thể thao từ Đức, tuy nhiên các mẫu sedan thường bán ít hơn xe SUV. Hiện tại, lượng xe còn lại trong kho của các nhà phân phối BMW vẫn đủ để duy trì doanh số bán xe trong một thời gian. Theo công ty nghiên cứu thị trường Cox Automotive, vào cuối tháng 3.2024, BMW đã có đủ xe tại đại lý, với tốc độ bán xe như hiện nay, thấp hơn một chút so với mức trung bình của nguồn cung tại chỗ có thể đáp ứng nhu cầu thị trường trong thời gian tới.
Các nhà nghiên cứu của Cox Automotive hy vọng tình hình ở Baltimore sẽ không ảnh hưởng đáng kể đến doanh số bán xe tại Mỹ trong những tháng tới. Điều quan trong là các hãng xe phải có những biện pháp kịp thời ngay sau vụ tai nạn sập cầu ở Baltimore để nguồn cung không bị gián đoạn và giá bán xe không tăng do phát sinh chi phí vận chuyển.
Bình luận (0)