Theo khảo sát mới đây từ hơn 21.000 sinh viên ở Ký túc xá ĐH Quốc gia TP.HCM, đa số cho rằng họ cảm thấy áp lực khi so sánh với bạn bè. Đó là những áp lực vô hình về thành tích, điểm số, ngoại hình… Từ đó, dẫn đến trạng thái tự ti, cho rằng bản thân kém cỏi so với bạn bè.
Lê Thị Thu Thảo, sinh viên Trường ĐH KHXH-NV TP.HCM, chia sẻ: "Mình thường xuyên rơi vào trạng thái căng thẳng, tự ti khi so sánh bản thân với bạn bè cùng lớp. Mặc dù học chung ngành, lớp và năng lực tương đương nhau, nhưng mình cảm thấy bản thân cứ mãi giậm chân tại chỗ, trong khi bạn bè thì đã tìm được công việc tốt dù chưa ra trường".
Phấn đấu để vào được ngành mà mình yêu thích và học ở ngôi trường danh tiếng, nhưng song song với đó là những áp lực vô hình khi bạn bè xung quanh quá giỏi. Võ Phan Hoàng Nhật, sinh viên Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, chia sẻ: "Trong lớp có rất nhiều bạn giỏi, không chỉ học tập mà cả về các hoạt động ngoại khóa, kỹ năng mềm, trình độ ngoại ngữ. Thêm vào đó, chương trình học của năm 2 khá nặng khiến mình cảm thấy áp lực".
Tương tự, cũng chịu nhiều áp lực từ bạn bè, L.T.T.P, sinh viên Trường ĐH KHTN TP.HCM, chia sẻ: "Khi thấy bạn bè liên tục nhận được học bổng, có tài năng hay ngoại hình xinh xắn được nhiều người yêu mến thật sự mình rất ngưỡng mộ và có phần ghen tị. Việc liên tục so sánh bản thân với bạn bè khiến mình mệt mỏi vì nhiều hôm suy nghĩ đến mất ngủ và cảm thấy bản thân cố gắng bao nhiêu cũng không bao giờ bằng người ta".
Theo thạc sĩ Đinh Văn Mãi, giảng viên bộ phận kỹ năng mềm, Trung tâm phát triển năng lực sinh viên Trường ĐH Văn Lang, áp lực đồng trang lứa ở sinh viên là hiện tượng phổ biến và xuất phát từ nhiều lý do khác nhau.
"Một số sinh viên có tính nhạy cảm, thích so sánh bản thân với người khác. Bên cạnh đó, suy nghĩ của một số bạn còn non nớt, dễ bị tác động của môi trường xung quanh dẫn đến những áp lực phải theo kịp hoặc vượt trội hơn so với bạn bè đồng trang lứa. Cũng có thể xuất phát từ sự kỳ vọng lớn của gia đình, cũng như từ những ảnh hưởng, tác động trên mạng xã hội", thạc sĩ Mãi cho biết.
Theo ông Mãi, áp lực đồng trang lứa có thể tạo nên động lực, tuy nhiên, nếu áp lực không được kiểm soát thì sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy.
"Áp lực đồng trang lứa khiến sinh viên cảm thấy căng thẳng khi phải chạy đua để theo kịp người khác. Điều đó khiến họ kiệt sức, mệt mỏi, gây nên sự lo âu; đánh mất sự tự tin, nghi ngờ năng lực của bản thân; sinh viên dễ mất đi động lực học tập, dẫn đến kết quả sa sút; xảy ra xung đột trong mối quan hệ với bạn bè, người thân; thực hiện những hành vi lệch chuẩn nhằm tạo sự chú ý, hoặc để được công nhận", ông Mãi cho hay.
Để thoát khỏi trạng thái tiêu cực khi so sánh với bạn bè đồng trang lứa, ông Mãi đưa ra lời khuyên: "Trước tiên, sinh viên cần phân tích rõ điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội, thách thức mà bản thân đối diện. Tiếp theo, cần thiết lập mục tiêu học tập cụ thể, rõ ràng. Kế đến, lập kế hoạch cụ thể; hành động theo kế hoạch, trong đó chú ý kiểm soát hiệu quả thời gian, tập trung vào các công việc quan trọng để đạt được mục tiêu. Cuối cùng, đừng quên ghi nhận những gì bản thân đã nỗ lực và làm được. Việc thấu hiểu bản thân, quản lý tốt áp lực đồng trang lứa sẽ giúp sinh viên duy trì cân bằng, phát triển bản thân theo hướng tích cực, lành mạnh".
Bình luận (0)