Nhiều vụ tai nạn đuối nước là học sinh cấp tiểu học, THCS
Gần đây, khi học sinh Đà Nẵng bước vào những ngày đầu của kỳ nghỉ hè thì xảy ra nhiều vụ học sinh bị tai nạn đuối nước dẫn đến tử vong. Đáng báo động, học sinh bị đuối nước tử vong rơi vào độ tuổi tiểu học và THCS. Các học sinh gặp nạn trong khi đi chơi khu vực bờ sông, hay lúc tắm biển cùng nhóm bạn mà không có người lớn đi cùng.
Mới nhất, hôm 31.5, Công an Q.Ngũ Hành Sơn (TP.Đà Nẵng) thông tin đã tìm được một học sinh 9 tuổi bị đuối nước, tử vong trên sông Cổ Cò (đoạn cầu Cổ Cò, P.Hòa Quý, Q.Ngũ Hành Sơn).
Lực lượng chức năng tổ chức tìm kiếm bé trai 9 tuổi bị đuối nước tử vong tại sông Cổ Cò (Q.Ngũ Hành Sơn, TP.Đà Nẵng) hôm 31.5 |
Đ.X |
Trước đó, vào chiều 29.5, M.V.T (9 tuổi, trú P.Hòa Hải, Q.Ngũ Hành Sơn, TP.Đà Nẵng) cùng nhóm bạn đi chơi ở khu vực sông Cổ Cò gần nhà. Khi đến khu vực cầu Cổ Cò, T. không may sẩy chân rơi xuống sông nên bị đuối nước. Nhóm bạn chạy vào khu dân cư gần đó nhờ người dân cứu vớt, nhưng khi người dân đến nơi T. gặp nạn thì không thấy.
Một trường hợp khác khiến người dân TP.Đà Nẵng xôn xao xảy ra vào ngày 19.5 khi nhóm 5 nam sinh đang theo học tại Trường THCS Lê Anh Xuân đi tắm biển tại bãi biển Nguyễn Tất Thành (Q.Liên Chiểu) thì bị đuối nước. Người dân tại khu vực đã kịp thời cứu được 1 em, 3 em còn lại tự bơi được vào bờ, 1 nam sinh mất tích. Thi thể nam sinh bị đuối nước sau đó vài ngày được lực lượng chức năng tìm thấy, bàn giao cho gia đình lo hậu sự.
Nhóm 5 nam sinh đang theo học tại Trường THCS Lê Anh Xuân đi tắm biển tại bãi biển Nguyễn Tất Thành (Q.Liên Chiểu) và bị đuối nước khiến 1 em mất tích hôm 19.5 |
Đ.X |
Nhiều vụ tai nạn đuối nước đau lòng xảy liên tiếp tại TP.Đà Nẵng khiến nhiều phụ huynh lo lắng. Theo các phụ huynh, con trẻ đang ở độ tuổi dậy thì thường thay đổi tính cách nên việc quản lý các con gặp nhiều khó khăn.
Chị Phạm Hồng Thanh (trú Q.Liên Chiểu, TP.Đà Nẵng) đang có 2 con theo học cấp THCS, khi các cháu bắt đầu kỳ nghỉ hè cũng là lúc vợ chồng chị Thanh ăn ngủ không ngon. Theo chị Thanh, vì yếu tố công việc nên vợ chồng chị thường xuyên vắng nhà vào ban ngày, 2 con ở nhà được bà chăm sóc. Tuy nhiên khi ở chung với bà thì các cháu thường xuyên trốn đi chơi cùng nhóm bạn.
“Đọc những tin tức trẻ gặp nạn đuối nước, thường thì các cháu gặp nạn đều là trốn gia đình đi chơi, tắm biển cùng nhóm. Các cháu còn nhỏ và không ý thức được nguy hiểm rình rập nên mặc dù đã căn dặn người nhà quản lý các cháu nhưng vẫn rất lo lắng”, chị Thanh tâm sự.
Trao đổi với PV Thanh Niên, đại diện Phòng Cảnh sát PCCC và Cứu nạn cứu hộ, Công an TP.Đà Nẵng, cho biết thời gian gần đây, tại khu vực biển, sông, suối… nhiều vụ tai nạn đuối nước thương tâm xảy ra với học sinh. Điều đáng nói, khi người nhà nhận được hung tin thì vẫn không tin rằng đó là con mình, vì các cháu khi đi tắm sông, tắm biển đều lén, trốn gia đình.
“Thời điểm nghỉ hè khiến học sinh tìm đến các sông, suối, biển… để tập bơi, nô đùa cùng các bạn mà không có người lớn đi cùng, tiềm ẩn nguy cơ đuối nước. Thêm nữa, nhiều cháu được dạy bơi, chủ quan rằng mình đã biết bơi nên không ý thức được mức độ nguy hiểm, nhiều vụ việc đã xảy ra học sinh biết bơi vẫn bị đuối nước”, vị cán bộ Phòng Cảnh sát PCCC và Cứu nạn cứu hộ, Công an TP.Đà Nẵng cảnh báo.
Chính quyền yêu cầu tuyên truyền, nâng cao kỹ năng bơi cho trẻ
Trước những vụ tai nạn đuối nước thương tâm xảy ra vào thời gian gần đây, cuối tháng 5.2022, UBND TP.Đà Nẵng vừa ban hành công văn về tăng cường công tác phòng, chống tai nạn thương tích và đuối nước cho trẻ em.
Theo đó, các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện và các hội, đoàn thể trên địa bàn TP.Đà Nẵng cần đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm, kiến thức, kỹ năng về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em và phòng, chống tai nạn, thương tích, đuối nước cho trẻ em.
Chính quyền TP.Đà Nẵng yêu cầu các sở ban ngành vào cuộc tuyên truyền, nâng cao kỹ năng bơi lội cho học sinh |
Đ.X |
Bên cạnh đó, cần hướng dẫn tăng cường rèn luyện thể dục, thể thao, các hoạt động vui chơi, giải trí, văn hóa, nghệ thuật cho trẻ em trong mùa hè; kiểm tra, rà soát, có biện pháp khắc phục các công trình, khu vực thường xuyên xảy ra hoặc có nguy cơ xảy ra tai nạn, thương tích, đuối nước đối với trẻ em...
Đặc biệt, Sở GD-ĐT cần triển khai, hướng dẫn phổ biến kiến thức, kỹ năng phòng, chống tai nạn, thương tích, đuối nước đến từng trường học, lớp học, học sinh; đẩy mạnh phong trào dạy bơi an toàn cho học sinh trong trường học.
UBND các quận, huyện chỉ đạo tổ chức, thực hiện tốt công tác phối hợp giữa các ngành, tổ chức trong việc tham gia quản lý chặt chẽ trẻ em trong thời gian không đến trường, đặc biệt là dịp hè, nghỉ lễ dài ngày, thời gian xảy ra bão, lũ, thiên tai; rà soát, lập bản đồ cảnh báo kịp thời các địa điểm, khu vực có nguy cơ gây tai nạn, thương tích, đuối nước cho trẻ em và triển khai các biện pháp phòng ngừa, khắc phục...
Bình luận (0)