'Cửa' để trở thành một viên chức nhà nước quá hẹp trong khi vị trí của giáo viên hợp đồng hoặc dạy ở các trường tư lại bấp bênh khiến rất khó tránh khỏi tiêu cực trong thi tuyển biên chế.
Giáo viên tại TP.HCM nhận quyết định tuyển dụng của Sở GD-ĐT - Ảnh: Đào Ngọc Thạch |
Giáo viên dạy hợp đồng của một trường mầm non ngoài công lập ở Hà Nội tâm sự: “Mọi người cứ nói chúng tôi tại sao phải tìm mọi cách vào biên chế, nhưng nhìn các đồng nghiệp là giáo viên hợp đồng, hôm nay còn đứng lớp ngày mai đã phải... đứng đường, chúng tôi rất lo. Chẳng có cơ chế nào đảm bảo để cho giáo viên hợp đồng có thể yên tâm với nghề mà không lo “chạy vạy” để vào được biên chế mỗi đợt tuyển dụng”.
Năm học nào xã hội cũng chứng kiến cảnh hàng trăm giáo viên tỉnh này, tỉnh kia lao đao rồng rắn chạy khắp các “cửa quan” kêu cứu vì nguy cơ mất việc làm.
Có những giáo viên làm hợp đồng “tạm tuyển” hơn chục năm trời, hết trường này chuyển sang trường kia nhưng vẫn nhận được quyết định lạnh lùng chấm dứt hợp đồng do không còn nhu cầu sử dụng nữa. Chỉ riêng trong năm 2015, ngay trước thềm năm học mới, 214 giáo viên ở H.Kỳ Anh (Hà Tĩnh) bị chấm dứt hợp đồng lao động; 184 giáo viên mầm non ở Sóc Sơn (Hà Nội) cũng lâm vào hoàn cảnh tương tự. Mới đây nhất, gần 100 giáo viên ở H.Bá Thước (Thanh Hóa) cũng nhận được thông báo chấm dứt hợp đồng...
Công việc bấp bênh, lương của giáo viên hợp đồng cũng hoàn toàn phụ thuộc vào khả năng ngân sách và mức độ quan tâm của mỗi địa phương. Mặc dù Chính phủ đã có quy định về việc trả lương cho giáo viên hợp đồng theo thang bảng lương dành cho viên chức giáo dục hiện nay nhưng trên thực tế không phải trường nào, địa phương nào cũng làm được như vậy.
Hơn 100 giáo viên tiểu học và THCS Q.Kiến An, TP.Hải Phòng tuy không lâm vào cảnh bị chấm dứt hợp đồng nhưng cũng đang khốn khổ với mức lương quá bèo bọt. Có giáo viên đi dạy hơn 10 năm với mức lương khoảng 1 triệu đồng/tháng hoặc không lương để chờ ký hợp đồng lao động chính thức mà vẫn không rõ tương lai ra sao.
Khác biệt lớn công, tư
Nhiều trường tư thục hoặc doanh nghiệp vẫn “rộng cửa” nhận sinh viên sư phạm mới ra trường nhưng những người này vẫn chỉ xem đó là nơi trú chân trong lúc chờ cơ hội vào trường công.
Tốt nghiệp Trường ĐH Sư phạm TP.HCM gần 3 năm nay, P.T.Thảo làm quản nhiệm ở một số trường tư thục tại TP.HCM. Thảo cho biết: “Mức lương cũng khá. Làm đều thì lương dao động từ 5 - 6 triệu đồng/tháng. Nếu dạy thêm và làm cả thứ bảy, chủ nhật từ 6 giờ sáng tới 22 giờ có thể lên tới 11 - 12 triệu đồng/tháng”.
Tuy thu nhập khá nhưng đây lại không phải mong muốn của Thảo. “Làm trường tư sau này có gia đình nếu không làm thêm giờ, không làm nội trú nữa thu nhập giảm đi, cuộc sống sẽ khó khăn hơn. Nếu được tôi vẫn mong muốn xin được vào trường công lập để ổn định cuộc sống”, Thảo cho biết.
Còn T.H.Hạnh, tốt nghiệp sư phạm năm 2012, kể: “Làm ở trường tư thục rất bấp bênh. Tôi làm quản nhiệm cho một trường tư thục ở TP.HCM đã gần 2 năm nhưng tới nay vẫn không hề có một hợp đồng lao động nào. Nhiều khi tới trường muộn một chút hoặc trong lớp có học sinh không chép bài tôi bị phạt tới cả triệu đồng. Nếu không chấp nhận thì nghỉ để người khác làm. Thậm chí một hiệu trưởng ở trường tư thục tôi từng dạy còn thẳng tay tát vào mặt giáo viên khi họ phạm lỗi”.
Đặc biệt tâm lý muốn vào trường công còn khá nặng với những giáo viên mầm non và tiểu học vì 2 ngành này có tính đặc thù sư phạm rất lớn nên khó xin việc trái ngành. Nhiều giáo viên cho rằng chế độ đãi ngộ, môi trường và điều kiện làm việc ở trường mầm non tư thục quá cực mà thu nhập lại không tương xứng.
Có thâm niên dạy mầm non gần 5 năm nay nhưng chị Trần Thị Thủy (Dĩ An, Bình Dương) vẫn chỉ hưởng mức lương 3,7 triệu đồng/tháng và không có một chế độ phụ cấp nào.
Ngược lại, nhiều trường quốc tế có chế độ đãi ngộ khá tốt có nhu cầu tuyển dụng sinh viên sư phạm. Nhưng hầu hết sinh viên mới ra trường (ngoại trừ ngành ngoại ngữ) không đáp ứng được yêu cầu dạy văn hóa bằng tiếng Anh nên dù có đầy đủ bằng cấp và kỹ năng sư phạm vẫn chỉ có thể làm quản nhiệm.
N.T.T.Hằng (giáo viên quản nhiệm một trường quốc tế tại TP.HCM) cho biết: “Học sinh ở đây ngoan, môi trường làm việc khá tốt. Trường lại đóng bảo hiểm đầy đủ. Tuy nhiên, tôi không có ý định làm quản nhiệm ở đây cả đời vì tốt nghiệp sư phạm ai cũng muốn được làm chuyên môn, dạy ở một ngôi trường nhà nước. Tuy nhiên vì chưa đủ kinh tế để “chạy” nên tôi chưa thực hiện được”, Hằng tâm tư.
Chịu chi một khoản... thảnh thơi cả đời
Sinh viên sư phạm thường xuất thân ở tỉnh, trong đó rất đông là nữ nên thích sự ổn định, sẵn sàng chấp nhận chi tiền để “chạy” việc vì “chịu chi một khoản sẽ được thảnh thơi cả đời”.
Trần Thu Thanh (quê Long An) cho biết: “Gia đình em nói học sư phạm rồi xin vào làm nhà nước là ổn định nhất. Vả lại con gái thì học xong lấy chồng, sinh con, làm giáo viên trường công cứ tới tháng lãnh lương, nhiều ít chưa biết nhưng ổn định. Hơn nữa giáo viên có thời gian nghỉ hè. Dạy thêm thì có tiền còn không thì vẫn có lương đều đặn”, Thanh thật thà nói.
Một giáo viên ở TP.HCM cho biết: “Mặc dù đầu vào phải “chạy” một khoản tiền lớn nhưng đổi lại dạy ở trường công an toàn hơn. Thời gian rảnh cũng nhiều hơn. Mình tranh thủ dạy kèm, làm thêm chắt chiu vài năm sẽ kiếm lại được số tiền đã bỏ ra xin việc”.
Một giáo viên khác thẳng thắn thừa nhận: “Mình chạy mất một khoản tiền lớn để vào được trường công thì khi vào rồi phải tìm cách nào đó kiếm lại như là giới thiệu hay xin cho người này người kia để bù lại phần nào khoản chi phí đầu vào”.
|
Bình luận (0)