Nhiều khách Tây phát hiện nhiễm Covid-19: Lãnh đạo các nơi lên tiếng 'ứng xử' du lịch

16/03/2020 13:20 GMT+7

Các địa phương du lịch có tiếng đều có chủ trương rõ ràng với khách du lịch, khách Tây trong mùa dịch Covid-19 này. Hoàn toàn không 'bỏ rơi' du khách, tuy nhiên, theo nhiều vị quản lý đây đó trong bộ phận người dân vẫn có tâm lý lo lắng, e ngại mà từ chối đón tiếp du khách.

 

Thừa Thiên – Huế: chống dịch và… giữ khách

Tại Thừa Thiên – Huế, sự “kỳ thị” mạnh mẽ tuy không xuất hiện, nhưng đã có tâm lý e dè của người dân đối với du khách nước ngoài sau khi lan truyền thông tin nhiễm dịch Covid-19 ở nhiều nước. Ông H.Đ.M, chủ một cơ sở bán dầu tràm kiêm nước giải khát ở xã Lộc Thủy, H.Phú Lộc (Thừa Thiên – Huế, nơi có du khách thường ghé lại nghỉ chân), tâm sự rằng đã nhiều ngày qua ông “không hào hứng” đón du khách như mọi ngày, chỉ miễn cưỡng bán vài chai nước.
“Mình không kỳ thị, ghét bỏ gì họ. Nhưng dịch bệnh Covid-19 diễn biến khó lường, lại có nhiều thông tin về người nước ngoài đi du lịch ở nước mình bị nhiễm nên tôi cũng rất ngại. Thôi thì giữ khoảng cách, phòng bệnh hơn chữa bệnh”, ông M. nói.
Ở vùng nông thôn, người dân khu vực đô thị ở Thừa Thiên-Huế cũng không còn giữ được tâm lý cởi mở như ngày thường. Những ngày gần đây, cảnh du khách nước ngoài đi lại trên đường phố thưa thớt dần. Khu phố Tây thuộc P.Phú Hội (TP.Huế) từ lâu được xem là nơi giữ chân của du khách nước ngoài, gồm khách đoàn, khách lẻ. Nhưng khi có tin 2 du khách Anh nhiễm Covid-19 ghi nhận tại một khách sạn ở khu phố Tây, người dân TP.Huế có phần dè dặt, nhất là với những du khách đi lại trên phố, vào quán nước nhưng… không chịu đeo khẩu trang.
Bà Vũ Thị Anh Thư, Chủ tịch UBND P.Phú Hội (TP.Huế), cho hay thông tin về sự kỳ thị đối với du khách đã khiến bà lo lắng, nên sẽ cử cán bộ phường nắm tình hình để khuyến cáo các chủ cơ sở kinh doanh, người dân có những ứng xử hài hòa, chuẩn mực, đảm bảo vừa phòng chống dịch hiệu quả vừa giữ chân du khách. Tất cả hướng đến việc tạo cho du khách còn lưu trú có cảm giác an toàn, thân thiện. “Tôi nghĩ bà con mình không kỳ thị với du khách đâu, mà do nhiều du khách không chịu mang khẩu trang khi đi đường và cả vào quán xá khiến nhiều người e dè thôi”, bà Thư chia sẻ.

Hội An, khách F1 đều đưa đi tập trung

Kỳ thị du lịch: 'Bỏ rơi' du khách giữa đêm1

Khách đến Hội An giảm mạnh thời Covid-19

Ảnh: Mạnh Cường

Ông Nguyễn Văn Sơn, Phó chủ tịch UBND TP.Hội An (Quảng Nam), cho biết do dịch còn diễn biến phức tạp nên lượng khách nước ngoài đến Hội An được quản lý rất chặt chẽ. Những du khách nằm trong diện F1 đều được đưa đi cách ly tập trung; khách nước ngoài đến Hội An trước thời điểm dịch chưa bùng phát thì vẫn lưu trú bình thường, nhiều người lưu trú cả tháng.
Theo ông Sơn, nếu phát hiện trường hợp lo ngại dịch mà kỳ thị, lo sợ, né tránh du khách nước ngoài thì địa phương sẽ vận động, giải thích cho người dân hiểu. “Giờ dịch đang diễn biến phức tạp, việc người dân lo sợ cũng dễ hiểu thôi. Hiện một số khách sạn lo ngại khách châu Âu lưu trú và đề nghị kiểm tra sức khỏe kỹ, nếu F1 thì đưa đi tập trung còn không thì trả lời rõ để họ yên tâm”, ông Sơn nói.
Theo ông Sơn, tại TP.Hội An có 1 du khách nước ngoài dương tính với Covid-19 và đang đối mặt với nguy cơ lây lan dịch bệnh. Để triển khai hiệu quả việc phòng chống dịch, UBND TP.Hội An khuyến cáo các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch trên địa bàn TP xem xét, hạn chế tiếp nhận đặt phòng lưu trú tại cơ sở trong giai đoạn này, chủ động từ chối đón khách đến từ các quốc gia, các vùng có dịch Covid-19 đang bùng phát nhanh.
Trước đó, ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cũng yêu cầu TP.Hội An rà soát, giảm bớt lượng khách du lịch trên địa bàn nhưng phải đảm bảo việc này không vi phạm pháp luật. Ông Thanh cho rằng, đây là lúc cần giảm bớt lượng khách, muốn Hội An là điểm đến an toàn. Trước hết, người dân ở địa bàn phải an toàn và du khách đến đây cũng phải đảm bảo môi trường an toàn.
Tại cuộc họp phòng chống dịch Covid-19 hồi đầu tháng 2, khi nghe ngành du lịch báo cáo về trường hợp du khách bị “bỏ rơi” giữa đêm, ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng, đã phê bình khách sạn này, đồng thời kêu gọi người dân, cơ sở kinh doanh không kỳ thị du khách.

Đà Nẵng: Không kỳ thị

Theo Sở Du lịch TP.Đà Nẵng, dịp tết vừa qua, có 2 du khách Trung Quốc lưu trú tại khách sạn bị sốt nên tự nhập viện để kiểm tra, sau đó 1 người được tiếp nhận điều trị cách ly theo dõi. Riêng người còn lại sức khỏe bình thường, nhưng khi quay về khách sạn trong đêm thì bị từ chối đón tiếp, phải… đứng ngoài đường.
Nhận tin báo, Sở Du lịch đã tìm khách sạn khác cho du khách này lưu trú… Xung quanh câu chuyện “bỏ rơi” này, ông Huỳnh Đức Thơ cho rằng ứng xử của khách sạn là chưa văn minh, đồng thời lưu ý mọi người cần đặt bản thân vào trường hợp trên để hiểu cảm giác của du khách khi bị ứng xử như vậy.
Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng chia sẻ với các lo ngại của ngành kinh doanh trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, phát sinh các tình huống khó xử. Tuy nhiên, theo ông, các cơ sở cần ứng xử văn minh, liên hệ cơ quan chức năng để được hỗ trợ nhằm góp phần xây dựng hình ảnh đẹp về điểm đến Đà Nẵng thân thiện, mến khách.
“Trong trường hợp trên, khách sạn có thể liên hệ ngành y tế, du lịch để được tư vấn cách xử lý, như tìm nơi lưu trú khác, chứ không thể bỏ khách giữa đêm như vậy. Khi bình thường thu tiền của người ta, lúc bất tiện lại bỏ rơi là không nên”, ông Huỳnh Đức Thơ nói.
Sở Du lịch TP.Đà Nẵng sau đó đã gửi thông báo đề nghị các tổ chức, cá nhân không kỳ thị du khách, nhất là nhóm du khách nói tiếng Trung. Vì ngoài nguồn khách Trung Quốc đã tạm dừng sang Đà Nẵng, thị trường khách nói tiếng Trung còn có khách Hồng Kông, Đài Loan, Singapore, Malaysia và nhiều quốc gia khác.

Quảng Trị: lo vì F1 “đi lại tự do”

Mặc dù Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Trị, ông Đỗ Văn Hùng, đã thông báo kết quả xét nghiệm du khách người Anh lưu trú tại 1 khách sạn lớn tại TP.Đông Hà âm tính với Covid-19 hôm 14.3, nhưng trước đó du khách này (thuộc diện F1, tiếp xúc gần với người nhiễm Covid-19) đã “đi lại tự do” trong thành phố đã khiến nhiều người lo ngại.
Một số người dân địa phương cũng có “cái nhìn” khác đối với du khách nước ngoài, nhất là những người sử dụng mô tô để đi “phượt” như du khách người Anh vừa đề cập. Hiện tại, Quảng Trị chưa ghi nhận một trường hợp nào từ chối phục vụ khách nước ngoài, nhưng nhiều người thường xuyên phải tiếp xúc người nước ngoài như lễ tân khách sạn, nhân viên ngân hàng… có tâm lý khá hoang mang.
Ông T., giám đốc chi nhánh một ngân hàng thương mại lớn ở Quảng Trị, chia sẻ với PV Thanh Niên rằng dù đã trang bị nước rửa tay kháng khuẩn và yêu cầu cầu toàn bộ nhân viên giao dịch đeo khẩu trang trong giờ làm việc, nhưng cứ hễ xuất hiện du khách nước ngoài vào đổi tiền (từ USD ra Việt Nam đồng) là cả cơ quan “đứng ngồi không yên”.

Quảng Bình: 1.400 du khách đang lưu trú

Tại Quảng Bình, Sở Du lịch thống kê tổng lượng khách quốc tế hiện tại lên đến gần 1.400 người, chủ yếu thuộc các nước Anh, Pháp, Đức, Hà Lan... và chưa ghi nhận có trường hợp kỳ thị nào đối với du khách. Trong các thông báo, chỉ đạo của Sở đối với các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ cũng đều nhắc đến chuyện tránh kỳ thị, xa lánh khách quốc tế.
Tuy nhiên, về phía các hàng quán, buôn bán nhỏ lẻ thì không thuộc quản lý của Sở du lịch, có thể đâu đó xuất hiện tâm lý lo ngại, né tránh người nước ngoài. Nếu du khách gặp trở ngại gì thì có thể liên hệ qua các đường dây nóng, thông tin liên lạc với cơ quan quản lý du lịch địa phương để được hướng dẫn, giúp đỡ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.