Nhiều khi mong ước chỉ là ước mong

04/09/2018 19:28 GMT+7

Nhiều người hỏi giáo viên chúng tôi mong ước gì trong năm học mới. Có lẽ, đối với giáo viên thì năm nào cũng có mong muốn là học sinh năm học mới này sẽ ngoan ngoãn, chăm chỉ học hành hơn năm trước.

Và có những mong ước chỉ mãi là ước mong, bởi đó là những điều giáo viên chúng tôi đã nêu ý kiến rất nhiều, trông chờ sự đổi mới nhưng vẫn chưa thấy thay đổi.

Việc dễ thấy nhất đó là ngày tựu trường. Tại sao những năm gần đây, học sinh bắt đầu vào chương trình học từ giữa tháng 8, để khi đã thực học 2, 3 tuần rồi mới làm lễ khai giảng? Trước đây, khoảng 15.8, thầy cô giáo mới trở lại trường học tập bồi dưỡng chính trị, chuyên môn,… thì giờ đây, từ cuối tháng 7 đã phải đi học bồi dưỡng chính trị. Rồi giữa tháng 8, đã vào chương trình chính thức, giáo viên phải vừa dạy vừa làm bài thu hoạch chính trị vừa tham dự các chuyên đề về chuyên môn, giáo dục. Cùng lúc đó, thầy cô giáo còn phải tập văn nghệ cho học sinh biểu diễn và làm các dụng cụ để tổ chức cho học sinh vui chơi trong phần hội của ngày khai giảng 5.9… Vậy sao không bắt đầu học từ sau ngày khai giảng 5.9 như trước đây để giáo viên không phải “chóng mặt” ngay từ những ngày đầu trở lại trường?


Sau ngày khai giảng, các trường sẽ thực hiện buổi họp phụ huynh đầu năm. Trước đây, giáo viên rất mong đợi buổi họp này để gặp mặt phụ huynh, cùng phụ huynh trao đổi về việc kết hợp giáo dục học sinh cũng như việc dạy và học trong năm học mới. Giờ đây, buổi họp phụ huynh học sinh đầu năm là nỗi “ám ảnh” của các thầy cô làm công tác chủ nhiệm chỉ vì việc thu tiền. Trong buổi họp đầu năm, giáo viên phải phổ biến cho phụ huynh các khoản thu trong năm học: Tiền thu theo quy định, tiền thu hộ chi hộ, tiền thu theo thỏa thuận. Mệt nhất là tiền thu theo thỏa thuận. Theo yêu cầu, giáo viên chủ nhiệm phải lấy ý kiến phụ huynh cho khoản thu theo thỏa thuận này. Trường nào cũng yêu cầu tất cả phụ huynh phải đồng thuận khoản thu theo thỏa thuận này để tránh việc thưa kiện về sau. Nếu có ý kiến không đồng thuận của phụ huynh, giáo viên chủ nhiệm phải giải thích, động viên để phụ huynh ấy đồng thuận. Buổi họp càng có nhiều ý kiến phản đối thì càng kéo dài. Giáo viên chúng tôi tha thiết mong đừng phải trao đổi với phụ huynh về vấn đề tiền bạc như thế.

Những năm gần đây, học sinh tiểu học được học rất nhiều điều ngoài chương trình sách giáo khoa như an toàn giao thông, kỹ năng sống... Vậy là giáo viên tiểu học đã phải dạy nhiều môn: tiếng Việt, toán, sử, địa, đạo đức, thủ công - kỹ thuật,… lại phải “ôm đồm” luôn các phần thêm ngoài chương trình này. Có trường còn buộc giáo viên phải lên kế hoạch, soạn giáo án cho các phần thêm này. Giáo viên tiểu học gần như phải quay như chóng chóng mới có thể đảm bảo hết các việc soạn và dạy bài học trong và ngoài chương trình như thế. Chúng tôi thật sự mong mỏi một ngày dạy nhẹ nhàng, thoải mái không phải chạy đua từ tiết học này đến bài học khác, từ môn học này đến bài dạy khác như thế suốt cả năm học.

Hồ sơ sổ sách của giáo viên cũng là chuyện “nói hoài nói mãi”. Những năm gần đây, hồ sơ sổ sách giáo viên phải thực hiện trên máy tính. Tưởng rằng việc quản lý bằng công nghệ thông tin như thế sẽ giảm việc cho giáo viên nhưng thực tế hồ sơ sổ sách không hề giảm. Những thông tin, lý lịch của học sinh, lời phê, đánh giá học sinh, giáo viên đã cập nhật trên hệ thống quản lý giáo dục của cổng thông tin điện tử nhưng chúng tôi vẫn phải “tập chép” lại vào sổ chủ nhiệm, sổ liên lạc, học bạ… Giáo viên dạy cả ngày, muốn làm trên máy tính chỉ có thể làm vào buổi tối ở nhà. Giáo viên chúng tôi gần như đã phải làm việc cả sáng, chiều, tối. Như vậy là công việc làm hồ sơ sổ sách của giáo viên là thêm hay bớt? Chúng tôi mong lắm một sự đổi mới toàn diện để thầy cô không phải “đuối sức” với hồ sơ sổ sách.

Những năm trước đây, mỗi năm học chỉ có vài chuyên đề. Thế nhưng gần đây, chuyên đề giảng dạy, giáo dục… gần như “nở nồi”. Nhiều chuyên đề, tập huấn không mang lại hiệu quả mà dường như chỉ để “báo cáo thành tích” vì chuyên đề không mới, không hay. Thậm chí có chuyên đề chỉ nhằm mục đích quảng cáo để bán sách, tài liệu. Giáo viên quá mệt mỏi với các chuyên đề, tập huấn như thế. Chúng tôi mong lắm một năm học chỉ vài chuyên đề nhưng thật chất lượng, hữu ích.

Năm học mới đã đến, biết rằng mong ước chỉ là ước mong nhưng chúng tôi vẫn trông chờ một năm học mà không chỉ học sinh mà cả giáo viên đều háo hức đến trường bởi “mỗi ngày đến trường là một ngày vui” vì những điều chúng tôi mong muốn sẽ trở thành hiện thực.

Mời tham gia cộng tác chuyên mục 'Người thầy' trên Báo Thanh Niên
Độc giả thân mến! Người thầy có một vị trí đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của một nền giáo dục và từng cá nhân nói riêng. Nhiều vấn đề trong giáo dục ngày nay rất cần tiếng nói đóng góp của các giáo viên.
Dù ở vị trí nào, dù còn đi dạy hay đã về hưu, với những trải nghiệm của mình trong cuộc đời đi dạy, các thầy cô có thể góp thêm tiếng nói để nền giáo dục ngày càng tốt hơn; để học sinh được dạy dỗ, yêu thương và phát triển nên người.
Từ đó, Báo Thanh Niên mở chuyên mục Người thầy trên Thanh Niên Online địa chỉ thanhnien.vn. Chúng tôi mong muốn nhận được sự cộng tác, hỗ trợ của các thầy cô và bạn đọc khắp mọi miền cho chuyên mục này.
Bài viết xin quý thầy cô, bạn đọc gửi về địa chỉ [email protected]. Bài sẽ đăng trên báo in hoặc trên website của Báo Thanh Niên.
Các bài viết được đăng tải trên mục Thanh niên - Giáo dục của báo in và Online sẽ được chi trả nhuận bút theo quy định của báo.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.