Nhiều khu dân cư bất hợp pháp tại Phan Thiết, thanh tra toàn diện quản lý đất

25/01/2019 10:40 GMT+7

UBND tỉnh Bình Thuận vừa ra quyết định thành lập đoàn thanh tra nhằm thanh tra toàn diện công tác quản lý đất đai tại TP.Phan Thiết.

Chiều 21.1, trong buổi họp báo về tình hình kinh tế - xã hội năm 2018, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Lê Tuấn Phong, cho biết tỉnh này đã thành lập Đoàn thanh tra công tác quản lý đất đai trên địa bàn TP.Phan Thiết. Khi có kết luận thanh tra, UBND tỉnh sẽ cung cấp thông tin cho báo chí theo quy định.

Nhiều khu dân cư bất hợp pháp

Tại buổi họp báo, Giám đốc Sở TN-MT Bình Thuận Hồ Lâm, cho biết đoàn Thanh tra đất đai tại TP.Phan Thiết được UBND tỉnh giao cho một Phó chánh Thanh tra tỉnh làm trưởng đoàn, Thanh tra Sở TN-MT, Sở Xây dựng và một số cơ quan khác là thành viên. Đoàn thanh tra sẽ xem xét các điểm khu dân cư bất hợp pháp, lấy đất nông nghiệp rồi tự ý chuyển đổi không thông qua quy hoạch để làm khu dân cư.
Trả lời câu hỏi của PV Thanh Niên, hiện nay nhiều khu dân cư bất hợp pháp mọc lên san sát nhau ở TP.Phan Thiết và các huyện lân cận dù chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng chủ đầu tư các khu dân cư này đã bán hết. Nếu những khu dân cư này không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) sẽ xảy ra tranh chấp, khiếu kiện phức tạp.
Ông Hồ lâm cho biết cuối tháng 12.2018, UBND tỉnh đã có quyết định việc tách thửa, chuyển đổi mục đích đất sang đất ở phải có trong kế hoạch hằng năm của địa phương, được tỉnh phê duyệt. Do vậy, tất cả các khu dân cư bất hợp pháp, tách thửa để chuyển nhượng quyền sử dụng đất (dưới hình thức phân lô bán nền) phải lập dự án theo Luật đầu tư mới được cấp phép.
Trước đó, hàng loạt khu đất nông nghiệp ở TP.Phan Thiết, H.Hàm Thuận Bắc được các chủ hộ gia đình tự ý san nền, chia lô rồi bán công khai. Nội dung này đã được các đại biểu HĐND tỉnh chất vấn tại kỳ họp cuối năm 2018. Các khu dân cư tự phát nhiều nhất là TP.Phan Thiết, H.Hàm Thuận Bắc.
Theo lãnh đạo UBND tỉnh Bình Thuận, những sai phạm trong quản lý đất đai của TP.Phan Thiết sẽ được Đoàn Thanh tra của tỉnh làm rõ và khi có kết luận sẽ công khai cho báo chí theo luật.

Nhiều dự án ven biển “án binh bất động”

Trả lời PV Thanh Niên về nguyên do hàng loạt dự án ven biển chưa nhúc nhích khi đã có chủ trương đầu tư nhiều năm liền, lãnh đạo Sở KH-ĐT Bình Thuận, cho biết cho đến nay số dự án còn hiệu lực đầu tư vùng ven biển là 390 dự án. Tổng diện tích các dự án ven biển còn hiệu lực lên đến 6.947 ha, tổng vốn đầu tư hơn 61.000 tỉ đồng. Trong đó, có 185 dự án đã hoàn thành và đưa vào hoạt động; 73 dự án đang triển khai xây dựng; còn tới 132 dự án ( chiếm 33,9%) chưa triển khai.
Theo lãnh đạo Sở KH-ĐT Bình Thuận, các dự án chậm triển khai có nhiều nguyên nhân. Chẳng hạn nhiều dự án bị vướng đền bù giải tỏa, khó khăn trong giải phóng mặt bằng, chủ dự án không thỏa thuận được với dân về giá đền bù để bàn giao đất. Bên cạnh đó, có nhiều dự án ướng vào quy hoạch titan, vướng kết cấu hạ tầng và các quy hoạch khác chồng lấn lên nhau. Tuy nhiên, cũng theo Sở KH-ĐT Bình Thuận, có những nhà đầu tư thiếu năng lực về tài chính nhưng “ôm đất”, thiếu thiện chí đầu tư, cầm chừng đối phó để sang nhượng dự án.
Theo ông Hồ Lâm, Giám đốc Sở TN-MT Bình Thuận, trong năm 2018, tỉnh đã thu hồi 18 dự án chậm triển khai. Trong năm 2019, tỉnh sẽ tiếp tục rà soát các dự án đất ven biển để phân loại. Những dự án mà chủ đầu tư tâm huyết, có năng lực sẽ được chính quyền tạo điều kiện tốt nhất để triển khai xây dựng. Đối với những dự án chậm triển khai, không có lý do chính đáng, dù đã cho gia hạn nhưng không ký quỹ đầu tư, không triển khai theo cam kết thì kiên quyết thu hồ đất để bàn giao cho nhà đầu tư khác.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.