Nhiều kinh nghiệm quý để phát triển thanh niên

30/11/2022 06:00 GMT+7

Tại Diễn đàn quốc tế chia sẻ kinh nghiệm xây dựng và thực hiện chính sách phát triển thanh niên do Ủy ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam tổ chức, các đại biểu đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm quý.

Diễn đàn diễn ra sáng 29.11 tại Hà Nội do Ủy ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam tổ chức, có sự tham dự của anh Bùi Quang Huy, Ủy viên dự khuyết T.Ư Đảng, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam; anh Nguyễn Tường Lâm, Bí thư T.Ư Đoàn, Phó chủ nhiệm thường trực Ủy ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam.

Chương trình được tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến với sự tham gia của nhiều tổ chức quốc tế, các nước ASEAN và Trung Quốc.

Để phát triển thanh niên tài năng

Tại diễn đàn, các đại biểu quốc tế và đại diện các cơ quan ban, ngành của Việt Nam đã chia sẻ chính sách phát triển thanh niên, trong đó có việc phát triển thanh niên tài năng. Bà Pan Meng, giảng viên của ĐH Nghiên cứu chính trị thanh niên Trung Quốc, đã chia sẻ kinh nghiệm về chính sách thanh niên tài năng của Trung Quốc.

Anh Bùi Quang Huy (thứ hai từ trái qua) tham dự diễn đàn

Xuân Tùng

Theo bà Pan Meng, năm 2021, Ban Chấp hành T.Ư Đảng Cộng sản Trung Quốc và Quốc vụ viện Trung Quốc đã tổ chức Hội nghị T.Ư về công tác nhân tài. Hội nghị xác định rõ đào tạo nhân tài của Trung Quốc phải bắt kịp với đỉnh cao khoa học và công nghệ của thế giới, đáp ứng yêu cầu của chiến địa kinh tế chính, phù hợp với những nhu cầu lớn của đất nước. Người trẻ tài năng cần có những chính sách cụ thể giúp tháo gỡ những thách thức, khó khăn.

Năm 2022, 17 cơ quan tham gia cuộc họp chung đã cùng đưa ra tài liệu quan điểm về thực hiện Dự án thí điểm “Xây dựng thành phố phát triển thanh niên”. Mục tiêu là xây dựng thành phố thân thiện hơn với người trẻ và giúp người trẻ thành công hơn.

“Sáng kiến này sẽ giúp tối ưu hóa môi trường quy hoạch phục vụ ưu tiên phát triển thanh niên, cải thiện môi trường việc làm và hỗ trợ nhu cầu sống của thanh niên như nhà ở và nuôi dạy con cái”, bà Pan Meng chia sẻ.

Trong thời gian tới với trách nhiệm được Thủ tướng Chính phủ giao, Ủy ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, cơ quan ở T.Ư và địa phương tham mưu, đề xuất với các cấp có thẩm quyền ban hành các chính sách, pháp luật đối với thanh niên, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách về thanh niên và công tác thanh niên.

Anh Nguyễn Tường Lâm, Bí thư T.Ư Đoàn, Phó chủ nhiệm thường trực Ủy ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam

Bà Pan Meng cũng cho biết Chính phủ Trung Quốc đã hoàn thiện các chính sách về thanh niên tài năng trong lĩnh vực mới nổi, ví dụ như kinh tế số. 97 nghề nghiệp liên quan đến kỹ thuật số đã được đưa vào sách Tổng quan phân loại việc làm của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa giúp cải thiện đáng kể sự công nhận của xã hội đối với vai trò của người trẻ tài năng trong nền kinh tế số.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Mai Xuân Trường, Phó giám đốc Sở Nội vụ TP.Hà Nội, cho biết thành phố đã có chính sách đãi ngộ thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao qua công tác tiếp nhận đặc cách không qua thi tuyển vào công chức hoặc viên chức. Theo quy định, sau 2 năm công tác kể từ khi có quyết định tuyển dụng, được ưu tiên cử đi đào tạo sau ĐH (trong nước hoặc nước ngoài) và được hỗ trợ kinh phí, gồm: tiền học phí, hỗ trợ đi học và bảo vệ luận văn, luận án.

“Ngoài ra, đối với thủ khoa xuất sắc, UBND TP.Hà Nội đã ban hành các quyết định trao tặng bằng khen và tổ chức tuyên dương, khen thưởng và vinh danh…”, ông Trường cho biết.

Các tài năng khoa học trẻ được nhận Giải thưởng Quả Cầu Vàng do T.Ư Đoàn tổ chức

Dương Triều

Đẩy mạnh giải quyết việc làm cho thanh niên

Tại diễn đàn, các đại biểu cũng đã chia sẻ chính sách về lao động, việc làm cho thanh niên. Bà Nguyễn Thị Quyên, Phó cục trưởng Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB-XH), cho rằng qua thực tiễn triển khai và thực hiện chính sách này đã bộc lộ một số vấn đề bất cập.

“Nhìn chung hệ thống chính sách việc làm tương đối đồng bộ nhưng còn thiếu các chính sách riêng nhằm đẩy mạnh tạo việc làm cho thanh niên, nhất là sinh viên, thanh niên nông thôn, các chính sách ưu đãi đối với người trẻ làm việc ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa chưa thực sự hấp dẫn. Một bộ phận lớn sinh viên sau khi tốt nghiệp không trở về địa phương, gây sức ép về việc làm ở khu vực thành thị, tiềm ẩn các nguy cơ tiêu cực xã hội đối với người trẻ”, bà Quyên nói.

Bà Quyên cũng cho rằng hiện nguồn kinh phí bố trí cho các chương trình, dự án hỗ trợ tạo việc làm, hỗ trợ thanh niên lập nghiệp, khởi nghiệp còn hạn chế; nhu cầu vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm và các nguồn tín dụng ưu đãi lớn, trong khi nguồn vốn còn hạn chế.

Theo bà Quyên, để đẩy mạnh giải quyết việc làm cho lao động nói chung, người trẻ nói riêng và nhất là sinh viên, thanh niên nông thôn thì ngoài sự năng động, chủ động của bản thân mỗi người trẻ, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp từ định hướng nghề nghiệp, nâng cao chất lượng đào tạo đến thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, khuyến khích thành lập doanh nghiệp, tạo mở nhiều cơ hội việc làm...

Đại diện tổ chức Plan International cho biết các tổ chức phi chính phủ nước ngoài có những lợi thế nhất định trong việc tiếp cận được các mô hình, sau đó đã điều chỉnh và thí điểm áp dụng thành công ở Việt Nam. Vì vậy, cần đẩy mạnh hợp tác giữa các tổ chức phi chính phủ nước ngoài và các cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị, xã hội có liên quan trong quá trình xây dựng và thực thi các chính sách, đề án, chương trình hành động… Điều đó sẽ giúp các mô hình, các bài học kinh nghiệm của các tổ chức phi chính phủ được lan tỏa và tạo ảnh hưởng tích cực hơn.

Phát biểu kết luận diễn đàn, anh Nguyễn Tường Lâm cho biết trong thời gian tới với trách nhiệm được Thủ tướng Chính phủ giao, Ủy ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, cơ quan ở T.Ư và địa phương tham mưu, đề xuất với các cấp có thẩm quyền ban hành các chính sách, pháp luật đối với thanh niên, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách về thanh niên và công tác thanh niên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.