Nhiều lo lắng, kiến nghị về độc quyền sách giáo khoa, tiêu cực thi cử

17/10/2018 12:10 GMT+7

Báo cáo tổng hợp ý kiến cử tri và nhân dân gửi tới kỳ họp thứ 6, kết quả giám sát giải quyết kiến nghị cử tri tại kỳ họp thứ 5 đều dành dung lượng lớn cho những tồn tại của lĩnh vực giáo dục .

Dự thảo báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân do Chủ tịch Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn trình bày tại phiên họp 28 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng nay, 17.10, cho hay, cử tri đánh giá cao việc triển khai chủ trương cải cách, đổi mới toàn diện giáo dục và đào tạo của Đảng, Nhà nước, ghi nhận nỗ lực của Bộ Giáo dục - Đào tạo trong việc tổ chức triển khai và những kết quả, thành tích đã đạt được.
Tuy nhiên, ông Mẫn cho hay, cử tri và nhân dân phản ánh việc triển khai áp dụng chương trình Tiếng Việt - Công nghệ giáo dục 1 đã gần 40 năm qua nhưng chưa có đánh giá đầy đủ và toàn diện; việc xuất bản, phát hành sách giáo khoa còn bất cập dẫn đến tình trạng thiếu sách giáo khoa đầu năm học; phần lớn sách giáo khoa chỉ sử dụng 1 lần gây lãng phí cho xã hội.
Ngoài ra, các sai phạm, tiêu cực trong khâu chấm thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2018 - 2019 tại một số địa phương làm ảnh hưởng đến kết quả kỳ thi và uy tín của ngành giáo dục, gây bức xúc trong nhân dân.
Từ đó, ông Mẫn cho hay, cử tri đề nghị Bộ Giáo dục - Đào tạo có báo cáo tổng thể và công khai các vấn đề liên quan đến sách giáo khoa, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc xuất bản sách giáo khoa, bảo đảm chất lượng, tiết kiệm, tránh tình trạng “độc quyền”; thực hiện rà soát, hoàn thiện quy trình kỹ thuật, bảo đảm giám sát chặt chẽ, khách quan, minh bạch trong tổ chức thi và tiếp tục xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Nhiều vấn đề cử tri phản ánh chưa được giải quyết thấu đáo
Trình bày báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa 14 sau đó, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho biết, đây là 1 trong 5 hạn chế khi rà soát kết quả giải quyết kiến nghị cử tri từ đầu nhiệm kỳ tới nay.
Theo đó, bà Hải cho hay, dạy thêm, học thêm, lạm thu đầu năm học, bạo lực học đường, sử dụng lãng phí sách giáo khoa,... là những vấn đề được cử tri phản ánh hầu hết ở các đợt tiếp xúc cử tri từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Bộ Giáo dục - Đào tạo đã tiếp thu, tìm nhiều biện pháp để tháo gỡ nhưng chưa hiệu quả.
Những hiện tượng tiêu cực nêu trên ngày càng xuất hiện nhiều biến tướng, tinh vi, tiếp tục gây bức xúc trong xã hội, như yêu cầu phụ huynh “tự nguyện” viết đơn xin học thêm cho con; bớt xén kiến thức dạy trên lớp để “ép” học sinh phải học thêm; giao “chỉ tiêu, định mức” thu quỹ cho hội cha mẹ học sinh, giáo viên chủ nhiệm; “ép” học sinh mua sách tham khảo để hưởng chiết khấu;...
Ngoài ra, việc thường xuyên cải tiến, đổi mới trong giáo dục, nhất là đổi mới các hình thức thi, tuyển sinh; đổi mới cách dạy và học; thí điểm mô hình giáo dục mới (VNEN); thực nghiệm tài liệu giáo dục quá lâu trên phạm vi rộng nhưng chưa được tổ chức tổng kết, đánh giá (sách Tiếng Việt 1 - Công nghệ giáo dục),... dẫn đến thiếu thống nhất, thiếu ổn định, gây tâm lý hoang mang, bức xúc kéo dài trong dư luận.
“Đặc biệt, những sai phạm trong kỳ thi THPT quốc gia năm học 2017 - 2018 vừa qua đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết quả kỳ thi, tính khách quan, minh bạch, đặc biệt là sự công bằng giữa các thí sinh trong kỳ thi THPT quốc gia, cần khẩn trương tổng kết, đánh giá, xử lý vi phạm tạo niềm tin trong cử tri và nhân dân cả nước”, bà Hải nêu.
Từ đó, Trưởng ban Dân nguyện kiến nghị Chính phủ và Bộ Giáo dục - Đào tạo cần quan tâm giải quyết dứt điểm những kiến nghị của cử tri liên quan đến lĩnh vực giáo dục đảm bảo tính ổn định, thống nhất như vấn đề đổi mới hình thức thi, tuyển sinh, đổi mới cách dạy và học, thí điểm mô hình giáo dục mới,... vì các vấn đề liên quan đến giáo dục có phạm vi ảnh hưởng rất lớn.
Cần cân nhắc khi nhắc tên các bộ, ngành
Phát biểu thảo luận sau đó, bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, kiến nghị các báo cáo tổng hợp ý kiến cử tri và kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri trình bày tại Quốc hội rất quan trọng, do đó, khi đưa các dẫn chứng, ví dụ về các hạn chế của các bộ, ngành cần phải cân nhắc và đảm bảo tính chính xác vì có thể ảnh hưởng tới việc đánh giá tín nhiệm đối với bộ trưởng, trưởng ngành tại kỳ họp này.
Phát biểu kết luận phiên thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cũng đồng tình với kiến nghị này và đề nghị các báo cáo cần hết sức thận trọng do kỳ họp này có việc lấy phiếu tín nhiệm. Ông Tỵ dẫn ví dụ về Bộ Giáo dục - Đào tạo và cho rằng, lĩnh vực giáo dục cũng đạt được nhiều thành tích như kết quả các kỳ thi quốc tế... nhưng trong các báo cáo lại chỉ nêu nhưng mặt tiêu cực thì chưa đầy đủ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.