Nhiều lợi ích của vắc xin cúm

28/04/2022 10:00 GMT+7

Những nỗ lực của IVAC trong việc sản xuất vắc xin cúm không chỉ mang lại lợi ích cho người dân Việt Nam, mà còn giúp tăng nguồn cung ứng vắc xin cúm trong khu vực và trên thế giới.

Các nghiên cứu mới đây cho thấy, vắc xin cúm còn giúp giảm biến chứng nghiêm trọng của Covid-19.

Mối liên quan giữa vắc xin cúm và Covid-19

Theo nghiên cứu mới đây của Hiệp hội Vi sinh lâm sàng và Bệnh truyền nhiễm châu Âu, những người đã được chủng ngừa vắc xin cúm có thể được bảo vệ khỏi biến chứng nghiêm trọng, giảm tỷ lệ nhập viện và ít chăm sóc y tế khẩn cấp (ICU) do Covid-19.

Vắc xin cúm mùa IVACFLU – S do IVAC sản xuất

IVAC

Nghiên cứu này được thực hiện trên gần 75.000 bệnh nhân Covid-19, được chia làm 2 nhóm đều nhau và tương đồng chặt chẽ về tuổi, giới tính, dân tộc, các vấn đề sức khỏe bao gồm bệnh đái tháo đường và bệnh phổi, các yếu tố lối sống như chế độ ăn uống và thói quen hút thuốc hay không. Theo đó, những người mắc Covid-19 đã tiêm vắc xin cúm mùa sẽ giảm đáng kể tỷ lệ đột quỵ, huyết khối tĩnh mạch sâu, nhiễm trùng huyết, giảm nguy cơ nhập viện cấp cứu, chăm sóc y tế đặc biệt do Covid-19.

Theo các nhà khoa học, nguyên nhân có thể do vắc xin cúm giúp tăng cường hệ thống miễn dịch - hệ thống “lá chắn” chung của cơ thể nhằm mục đích chống lại nhiều mầm bệnh ngoài môi trường. Điều này có nghĩa là những bệnh nhân đã tiêm vắc xin cúm có thể có sức khỏe tốt hơn những người không tiêm.

Viện Vắc xin và Sinh phẩm Y tế (IVAC - đơn vị trực thuộc Bộ Y tế) cho biết, Việt Nam hằng năm có khoảng 1,2 - 1,5 triệu người mắc hội chứng cúm, trong số đó 20 - 30% do vi rút cúm mùa gây ra. Trước đây, nước ta thiếu nguồn cung cấp vắc xin cúm bền vững và buộc phải dựa vào các nhà sản xuất nước ngoài. Hiện nay, việc tự sản xuất được các loại vắc xin cúm mùa là thành tựu to lớn.

Kiểm tra trứng gà có phôi để phục vụ sản xuất vắc xin cúm tại IVAC

IVAC

Tại Việt Nam, vắc xin cúm mùa IVACFLU - S được IVAC nghiên cứu, phát triển sản xuất dựa trên công nghệ trứng gà có phôi. Theo đó, với sự tài trợ của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cùng sự hỗ trợ của một số tổ chức quốc tế và trong nước, IVAC đã nghiên cứu thành công vắc xin cúm mùa (với 3 chủng A/H1N1, A/H3N2, cúm B). Ngày 14.12019, vắc xin này chính thức được Bộ Y tế cấp phép lưu hành. Hiện nay, công suất vắc xin cúm mùa của IVAC là 1,5 triệu liều/năm. Đây được xem là thành tựu to lớn trong công tác nâng cao năng lực sản xuất vắc xin và khả năng sẵn sàng ứng phó đại dịch của Việt Nam. Những nỗ lực của IVAC trong việc tự sản xuất vắc xin cúm không chỉ mang lại lợi ích cho người dân Việt Nam, mà còn giúp tăng nguồn cung ứng vắc xin cúm trong khu vực và trên thế giới.

“Lá chắn” phòng vệ

Hiện nay, dịch bệnh Covid-19 vẫn có những tác động đến đời sống người dân theo những cách khác nhau. Mối lo dịch chồng dịch đang tiềm ẩn nguy cơ bùng phát khi dịch cúm “vào mùa”. Nếu tỷ lệ tiêm vắc xin cúm không duy trì liên tục ở ngưỡng cao, cúm vẫn sẽ gây ra những ảnh hưởng nặng nề trên toàn cầu, bên cạnh tác động của Covid-19 là nỗi lo tiềm ẩn cho việc đồng nhiễm Covid-19 và cúm.

Nhiễm trùng hỗn hợp giữa Covid-19 và bệnh cúm mùa có thể trở thành một vấn đề nghiêm trọng tới sức khỏe con người, vì cả vi rút cúm mùa và Covid-19 đều sinh sôi trong các tế bào ở màng trong của mạch máu. Khi các tế bào này bị hư hỏng, các phần tử vi rút sẽ được đưa theo dòng máu đến tất cả các cơ quan và lây nhiễm sang các tế bào của chúng. Chính vì vậy, việc lây nhiễm cả hai loại vi rút có thể gây ác tính mạnh hơn cho bệnh nhân nếu người bệnh bị ốm vì bất cứ vi rút nào (Covid-19 hoặc cúm mùa).

Quy trình nghiên cứu, sản xuất vắc xin cúm tại IVAC

IVAC

Lợi ích của tiêm phòng vắc xin cúm được thể hiện qua việc cung cấp khả năng kích thích miễn dịch đặc hiệu đối với vi rút cúm, làm giảm số ca mắc và nhập viện do cúm; tạo miễn dịch bẩm sinh không đặc hiệu mang lại sự bảo vệ bổ sung, giảm nguy cơ nhập viện, biến chứng nghiêm trọng do Covid-19 gây ra. Mặc dù tiêm phòng cúm không thể giúp miễn dịch hoàn toàn trước Covid-19, nhưng có thể bảo vệ người được tiêm chủng tránh được một trong hai bệnh và giúp giảm nhầm lẫn triệu chứng của Covid-19 và cúm mùa để điều trị bệnh kịp thời.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, cúm mùa thường do vi-rút cúm A hoặc B gây ra. Các triệu chứng bao gồm khởi phát đột ngột với sốt, ho, nhức đầu, đau cơ và khớp, đau họng và sổ mũi. Dịch bệnh cúm mùa xảy ra chủ yếu trong mùa đông, từ tháng 10 đến tháng 3 ở các nước thuộc vùng bắc bán cầu và tháng 4 đến tháng 9 ở các nước thuộc vùng nam bán cầu. Việt Nam thuộc vùng nhiệt đới gió mùa, dịch cúm thường xuất hiện quanh năm, do đó người dân cần tiêm cả vắc xin của chủng cúm bắc bán cầu và nam bán cầu.

Theo các chuyên gia, cách tốt nhất để phòng tránh cúm là chủng ngừa cúm mỗi năm. Do vi rút cúm biến đổi liên tục, Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo chủng ngừa hàng năm cho những người thuộc các nhóm nguy cơ cao, bao gồm cả nhân viên y tế. Thời điểm tiêm vắc xin tốt nhất là ngay trước khi mùa cúm bắt đầu để bảo đảm có hiệu quả nhất. Vắc xin cúm mùa IVACFLU - S được IVAC nghiên cứu, phát triển, sản xuất ngay tại Việt Nam. Vì vậy, luôn đáp ứng kịp thời về nhu cầu vắc xin cúm của người dân cũng như khi có đại dịch bùng phát.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.