Nhiều mô hình giúp thanh niên thoát nghèo

07/12/2015 16:15 GMT+7

Nhờ áp dụng thành công nhiều mô hình, Chi đoàn ấp Trung Nhất (xã Lâm Tân, H.Thạnh Trị, Sóc Trăng) đã giúp các đoàn viên thanh niên có hoàn cảnh khó khăn vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.

Tạo việc làm tại chỗ
Anh Phạm Văn Đồng, Bí thư Chi đoàn ấp Trung Nhất, cho biết Trung Nhất là một trong những ấp nghèo nhất của xã Lâm Tân. Toàn ấp có 228 hộ thì có đến 97% số hộ là người dân tộc Khmer. Nhiều năm qua, tình trạng thanh niên bỏ quê đi làm ăn xa diễn ra khá phổ biến. Để hạn chế tình trạng trên, Chi đoàn đã chủ động tham mưu Đảng ủy, UBND xã cho xây dựng mô hình Tổ hợp tác nhằm tạo việc làm cho thanh niên ở địa phương. Qua một thời gian thực hiện, tổ hợp tác đã phát huy hiệu quả tích cực, số lượng thanh niên đi làm xa không còn nhiều như trước, tỷ lệ nghèo và cận nghèo trong đoàn viên thanh niên (ĐVTN) của ấp giảm. Theo kinh nghiệm của anh Đồng, để thực hiện tốt mô hình này, ngay từ đầu năm, Chi đoàn ấp Trung Nhất đã đề ra chương trình công tác đoàn và phong trào thanh niên, nhất là tập trung triển khai thực hiện nội dung học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, gắn với thực hiện 2 phong trào lớn của đoàn là “Xung kích phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc” và “Đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp”.
Để giải quyết việc làm tại chỗ cho lao động trong ấp, Chi đoàn đã vận động mở các lớp tập huấn, dạy nghề cho thanh niên như: sửa xe, chăn nuôi, trồng màu... Ngoài ra còn kêu gọi mỗi ĐVTN suy nghĩ, tìm tòi những biện pháp để phát triển kinh tế và tự tạo việc làm. Thời gian qua, CLB thanh niên trồng màu do Chi đoàn thành lập đã thu được hiệu quả tích cực. Tận dụng diện tích đất trống xung quanh nhà, các đoàn viên tham gia trồng các loại rau màu để cải thiện cuộc sống và nâng cao thu nhập gia đình. Anh Đồng cho biết ban đầu, Chi đoàn chỉ vận động được 5 ĐVTN tham gia với diện tích khoảng 500 m2. Dần dần CLB trồng màu ăn nên làm ra nên có nhiều thanh niên trong ấp xin tham gia, diện tích canh tác cũng tăng lên đáng kể. Vì thế, Xã đoàn Lâm Tân đã đề nghị UBND xã công nhận cho chuyển từ CLB trồng màu sang Tổ hợp tác trồng màu của thanh niên ấp Trung Nhất, với 16 thành viên, tổng diện tích 6,4 ha. Năm vừa qua, sau khi trừ chi phí, số tiền lãi Tổ hợp tác trồng màu thu được trên 400 triệu đồng. Nhờ nguồn thu nhập này kết hợp với thực hành tiết kiệm nên đời sống của các thành viên ngày càng được cải thiện.
Góp vốn xoay vòng
Chi đoàn ấp Trung Nhất còn vận động các ĐVTN tham gia góp vốn xoay vòng để giúp đỡ nhau phát triển kinh tế gia đình, với mức góp 100.000 đồng/người/tháng. Số tiền góp được sẽ hỗ trợ cho những ĐVTN có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, sau đó xoay vòng cho các thành viên khác. Mô hình góp vốn đã đem lại hiệu quả thiết thực và nhận được sự đồng tình của nhiều ĐVTN. Sau thời gian hoạt động, số thanh niên tham gia góp vốn đã lên đến 20 người. Mỗi tháng tổ hỗ trợ cho 3 hoặc 4 thanh niên vay vốn với số tiền từ 3 - 5 triệu đồng để phát triển mô hình chăn nuôi hoặc trồng màu.
Theo anh Đồng, mô hình tổ hợp tác, tổ vay vốn gắn với sinh hoạt chi đoàn đã giúp nhiều ĐVTN trong ấp vượt qua khăn trong đời sống, sản xuất để nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống. Nhiều ĐVTN thuộc diện hộ nghèo trước đây nay đã vươn lên thoát nghèo bền vững nhờ thực hành tiết kiệm trong sinh hoạt, áp dụng các mô hình sản xuất phù hợp. Nhờ đó, mức sống của thanh niên trong ấp không ngừng tăng lên, hằng năm lại có thêm nhiều ĐVTN tự nguyện đăng ký thoát nghèo.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.