Đứng đầu danh sách là bánh đậu xanh - món tráng miệng truyền thống có nguồn gốc ở Hải Dương, được chế biến từ sự kết hợp của đậu xanh, dầu thực vật hoặc mỡ lợn, đường và hương liệu để tạo ra một chiếc bánh có độ đặc giống như kẹo mềm và mịn. Người ta tin rằng chiếc bánh này xuất hiện lần đầu tiên vào những năm 1920, và kể từ đó, sự kết hợp đơn giản đã trở thành một món ngọt được yêu thích ở địa phương và trở nên nổi tiếng khắp cả nước.
Theo truyền thống, bánh đậu xanh nên được ăn kèm với một tách trà xanh hoặc trà sen.
Vị trí thứ hai là tiết canh được chế biến từ máu động vật tươi trộn với nước mắm và một số nguyên liệu khác rồi để đông lại như bánh pudding. Bề mặt sẽ trang trí bằng đậu phộng và các loại rau thơm…
Món ăn này được chế biến theo truyền thống vào những dịp đặc biệt và luôn gây ra nhiều tranh cãi ngay cả ở Việt Nam, chủ yếu do nguy cơ ăn phải vi khuẩn trong máu sống nhưng nó vẫn được ưa chuộng.
Ngoài ra, danh sách còn có nhiều món rất phổ biến ở Việt Nam bị thực khách là độc giả của TasteAtlas chê dở như: bánh trôi, thịt đông, bún đậu mắm tôm, bún mắm, cháo lòng, chè chuối, xôi gấc, bánh trung thu, nem chua, cơm cháy, dưa hành, bánh da lợn, bánh giò…, thậm chí có cả bánh chưng, bánh tét.
TasteAtlas cho rằng, kết quả dựa trên xếp hạng của độc giả, với một loạt cơ chế nhận dạng người dùng thực và bỏ qua xếp hạng ảo… Đối với danh sách 45 món ăn Việt Nam được đánh giá tệ nhất tính đến ngày 16.3.2024 đã ghi nhận 4.427 xếp hạng, trong đó có 3.037 xếp hạng được hệ thống công nhận hợp pháp. "Bảng xếp hạng TasteAtlas không nên được coi là kết luận toàn cầu cuối cùng về thực phẩm", trang này nhấn mạnh.
Năm ngoái, người Thái Lan phản ứng mạnh khi một trong những món ăn truyền thống được yêu thích của họ là Kaeng Som bị xếp thứ 12 trong danh sách 100 món ăn tệ nhất thế giới của TasteAtlas.
Trên Bangkok Post, nhiều người cho rằng Kaeng Som là món ăn gia đình thậm chí còn ngon hơn cả tom yum kung và pad Thai nổi tiếng toàn cầu.
Bình luận (0)