Nhiều ngân hàng tăng lãi suất huy động

19/12/2024 06:02 GMT+7

Lãi suất huy động chạy đua hút vốn vào những ngày cuối năm vì ngoài đáp ứng nhu cầu cho vay, các ngân hàng còn huy động để đáp ứng thanh khoản.

Cuối năm, lãi suất lại đua

Trên một diễn đàn về lãi suất tiết kiệm ngân hàng, các thành viên đang mách nhau: "Ngân hàng S. có lãi suất gửi tiết kiệm 6 tháng 6,2%/năm; 12 tháng 6,6%/năm", "Ngân hàng M. áp dụng chương trình tiết kiệm gửi kỳ hạn dưới 6 tháng là 4,7%/năm, từ 6-11 tháng là 6,1%/năm, từ 12 tháng là 6,8%/năm". Một thành viên tên H.N cho biết đang chạy chỉ tiêu cuối năm, "nên duy nhất một ngày vào 31.12 khách hàng gửi tiết kiệm bên em từ 5 tỉ đồng em gửi 1 triệu, 50 tỉ đồng em gửi 10 triệu" (tương đương lãi suất ngày là 0,02%, còn tính theo năm là 7,3%). Thông tin này nhận được sự quan tâm của nhiều người, bàn tán rôm rả. Tuy nhiên, lãi suất trong hệ thống nhà băng "không ăn thua gì" so với lãi suất do các đội nhóm bên app cho vay Tima quảng bá trên cùng diễn đàn với 6 tháng là 9,5%/năm, 9 tháng là 10,5%/năm, 12 tháng là 12%/năm.

Nhiều ngân hàng tăng lãi suất huy động- Ảnh 1.

Ngân hàng tăng huy động vốn cho vay cuối năm

Ảnh: Ngọc Thắng

Thực tế, đang có một cuộc đua lãi suất huy động ở nhiều ngân hàng. Đơn cử, BVBank vừa tăng lãi suất tiết kiệm thêm 0,05-0,3%/năm ở một số kỳ hạn. Theo đó, lãi suất huy động dưới 6 tháng lên 3,9-4,1%/năm, từ 6-12 tháng lên 5,4-6%/năm và mức lãi suất cao nhất là 6,3%/năm ở kỳ hạn 18-24 tháng. Nhà băng này cũng đang phát hành trái phiếu huy động 1.300 tỉ đồng với lãi suất năm đầu là 8,2%/năm.

Tương tự, Techcombank tăng lãi suất tiết kiệm thêm 0,2%/năm ở một số kỳ hạn. Cụ thể, lãi suất tiết kiệm 1 tháng lên 3,9%/năm, 3 tháng 4,1%/năm, 6 tháng 4,8%/năm, trên 12 tháng là 5,1%/năm. Ngoài ra, từ nay đến 21.12, khách hàng có số dư tiền gửi tiết kiệm hoặc tiền gửi có kỳ hạn tăng thêm tối thiểu 1 tỉ đồng trong tháng 12, khách hàng mở mới sẽ được cộng thêm lãi suất từ 0,5-1%/năm. Không những các ngân hàng, một số quỹ tín dụng cũng đưa ra lãi suất khá cao. Quỹ tín dụng Đông Sài Gòn huy động tiết kiệm kỳ hạn 3 tháng ở mức 4,2%/năm, 5 tháng 5,2%/năm, 6 tháng 6%/năm, 7-9 tháng 6,5%/năm, 10-12 tháng lên 6,9%/năm, 13-16 tháng 7,2%/năm, 19-23 tháng 7,7%/năm và mức cao nhất là 8,7%/năm ở kỳ hạn trên 48 tháng.

Theo Hiệp hội Ngân hàng VN, trong 4 tuần (từ ngày 11.11 - 6.12), lãi suất huy động của các ngân hàng biến động nhiều với 18/36 nhà băng tăng lãi suất, 6 ngân hàng giảm và 3 ngân hàng vừa tăng vừa giảm. Trong đó, tăng lãi suất tiết kiệm mạnh nhất phải kể đến SeABank với 0,85% kỳ hạn 6 tháng tại quầy lên mức 4,6%/năm; tăng 0,79% kỳ hạn 9 tháng lên mức 4,74%/năm; tăng 0,65% kỳ hạn 3 tháng lên mức 4,1%/năm. Mức cao nhất ở ngân hàng này là 5,75%/năm kỳ hạn 24-36 tháng tại quầy, với hình thức gửi có kỳ hạn lĩnh lãi cuối kỳ.

Lý giải lãi suất huy động điều chỉnh tăng lên những ngày gần đây, một giám đốc phụ trách kinh doanh vốn tại một ngân hàng cổ phần nhỏ cho biết, các ngân hàng đang chạy huy động vốn những ngày cuối năm, một phần nhằm đáp ứng nguồn vốn cho vay khi được giao thêm tăng trưởng tín dụng, một phần lãi suất huy động tăng để giữ khách hàng. "Ngân hàng khác tăng lãi suất huy động lên thì khách đến hạn rút vốn chuyển qua nên buộc các nhà băng còn lại phải linh hoạt điều chỉnh lãi khi cần thiết", vị này giải thích. Theo công bố từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tăng trưởng tín dụng tính đến ngày 7.12 đạt 12,5% (cùng kỳ năm ngoái tăng 9%). Như vậy, trong 3 tuần kết thúc năm 2024, các ngân hàng sẽ đẩy cho vay thêm 2,5%, tương ứng số tiền 339.000 tỉ đồng. Để có nguồn tiền này các nhà băng phải tăng huy động vốn.

Nhu cầu vốn tăng cao

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu nhận định lãi suất huy động tăng thời điểm cuối năm do nhu cầu cho vay của các ngân hàng tăng lên. Thêm vào đó, nợ xấu có dấu hiệu tăng hơn năm trước nên tiền gốc chưa quay lại, trong khi ngân hàng phải trả tiền cho người gửi đến hạn. Ngoài ra, để hạ nhiệt tỷ giá, NHNN hút thanh khoản từ thị trường vào và tạo ra khan hiếm vốn trên thị trường. Các ngân hàng phải huy động vốn với lãi suất cao hơn để bù đắp thanh khoản và hỗ trợ các hoạt động cho vay vào tháng cuối năm.

Báo cáo phân tích mới đây từ Công ty chứng khoán VCBS cho thấy thanh khoản hệ thống ngân hàng thắt chặt hơn trong ngắn hạn. Vào cuối tháng 9, huy động khách hàng tăng 4,79% so với cuối năm ngoái, thấp hơn mức tăng trưởng tín dụng 8,53%. Tín dụng tăng tốc vào những tháng cuối năm, áp lực tỷ giá tăng khiến NHNN điều tiết cung tiền thận trọng hơn, cũng như nguồn tiền gửi Kho bạc Nhà nước hạn chế tạo áp lực thanh khoản hệ thống. Nhìn lại thì lãi suất tiết kiệm tạo đáy vào quý 2 và hiện mặt bằng lãi suất huy động đã tăng 0,5% từ đáy nhưng vẫn ở mức thấp hơn giai đoạn dịch bệnh. 

Công ty này nhận định mặt bằng lãi suất huy động vẫn chịu áp lực tăng nhằm thu hẹp mức độ chênh lệch giữa số dư tiền gửi và dư nợ tín dụng toàn hệ thống và gia tăng mức độ cạnh tranh của kênh tiền gửi tiết kiệm so với lợi suất đầu tư của các kênh đầu tư khác trên thị trường. Hơn nữa, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn tăng ở nhóm ngân hàng nhỏ, khi nhóm này gia tăng sử dụng vốn ngắn hạn trên thị trường liên ngân hàng. Cùng với đó, cầu tín dụng thường có xu hướng tăng cao trong những tháng cuối năm, đặc biệt là nhóm bất động sản và xây dựng.

Theo VCBS, dự kiến lãi suất huy động sẽ tăng nhẹ 0,2-0,3%/năm trong năm 2025 với kỳ vọng áp lực tỷ giá hạ nhiệt hỗ trợ thanh khoản hệ thống và NHNN tiếp tục chính sách nới lỏng tiền tệ. 

Xử lý nghiêm cạnh tranh lãi suất không lành mạnh

Thủ tướng Chính phủ vừa có Công điện 135 về tiếp tục tăng cường các giải pháp điều hành lãi suất, tín dụng. Công điện yêu cầu NHNN tập trung thực hiện quyết liệt, hiệu quả hơn nữa các nhiệm vụ, giải pháp về điều hành lãi suất, tỷ giá, tăng trưởng tín dụng, giảm mặt bằng lãi suất cho vay, nhất là kiểm soát chặt chẽ lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại… để đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế trong dịp cuối năm 2024, Tết Nguyên đán Ất Tỵ và ngay từ những tháng đầu năm 2025, tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh… 

Tiếp tục thực hiện có hiệu quả và mạnh mẽ hơn nữa các giải pháp theo thẩm quyền để giảm mặt bằng lãi suất cho vay của hệ thống các tổ chức tín dụng, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp có điều kiện phát triển sản xuất kinh doanh, tạo doanh thu, lợi nhuận và trả nợ vay cho ngân hàng. Kiên quyết xử lý nghiêm theo thẩm quyền và quy định pháp luật các tổ chức tín dụng cạnh tranh lãi suất không lành mạnh, không đúng quy định (bao gồm cả lãi suất huy động và lãi suất cho vay).

Cùng với đó, chỉ đạo các tổ chức tín dụng tập trung tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế truyền thống như đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu và các động lực tăng trưởng mới như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo…; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực rủi ro, đảm bảo hoạt động tín dụng an toàn, hiệu quả; tiết giảm chi phí, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số… để có dư địa giảm mặt bằng lãi suất cho vay.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.