Nhiều ngành đào tạo nghệ thuật có nguy cơ đóng cửa

20/04/2018 08:46 GMT+7

Ở nhiều trường, nhóm ngành nghệ thuật vô cùng chật vật trong việc thu hút người học dù nhu cầu xã hội đang rất cần.

Phải tuyển cả nhạc công nước ngoài
Ngày nay thí sinh ít chọn nghệ thuật vì xã hội thay đổi quá nhanh về quan niệm nghề. Những nghề mà phụ huynh thấy dễ kiếm tiền thì hướng con em thi nhiều hơn”
PGS-TS Phan Thanh Bình
Tiến sĩ Nguyễn Minh Anh, nguyên Phó giám đốc Học viện Âm nhạc quốc gia VN, hiện là giảng viên cao cấp khoa piano, cho biết nhiều năm qua những ngành học về kèn rất ít người đăng ký, đặc biệt là kèn đồng. “Có năm không có ai học dù ngành này không phải đóng học phí. Có rất nhiều tổ chức tài trợ. Một số ngành nhạc cụ dân tộc như tỳ bà cũng rất khó khăn trong tuyển sinh”.
Tiến sĩ Nguyễn Minh Anh lý giải đa số những ngành học về nhạc cụ đều phải học một thời gian rất dài, dài nhất so với tất cả các ngành nghề. Muốn theo đuổi phải mất cả chục năm nên tâm lý người học có thể chán nản. “VN mới có dàn nhạc giao hưởng tư nhân được thành lập. Mỗi dàn nhạc như vậy cần vài chục đến cả trăm nhạc công tùy quy mô. Họ trả mức lương từ 1.200 - 2.500 USD nhưng một năm nay vẫn tuyển chưa đủ, do không có người, nhất là các vị trí kèn đồng và violon. Vì thế, dàn nhạc tư nhân này đang phải tuyển nhạc công nước ngoài”.
Tại Nhạc viện TP.HCM cũng có một số ngành có tên nhưng không người học. Tiến sĩ Đặng Huy Hoàng, Trưởng phòng Đào tạo, cho biết ngành tỳ bà năm 2012 có một thí sinh đậu, mấy năm nay không có ai. Tương tự, các nhạc cụ basson, accordion, hautbois, guitar phím lõm, tam thập lục… cũng lác đác mỗi năm một vài người thi, có năm không ai đăng ký. Đến thời điểm này, ngành accordion hiện không còn ai học.
Cái nôi của nghệ thuật Huế cũng “lung lay”
Từ mùa tuyển sinh năm học 2013 - 2014 đến nay, nguồn tuyển sinh của Trường ĐH Nghệ thuật Huế (thuộc ĐH Huế) cũng bị thu hẹp nhanh chóng. Từ chỗ mỗi năm khoảng 400 thí sinh đăng ký, tụt giảm dần đến năm 2017 chỉ còn dưới 100 thí sinh. Lúc đầu chỉ có ngành hội họa, đồ họa và điêu khắc là tuyển không đủ chỉ tiêu. Sau đó thì ngành sư phạm mỹ thuật và ngay cả các ngành “hot” của mỹ thuật ứng dụng lâu nay thí sinh thi khá đông như thiết kế thời trang, thiết kế đồ họa, thiết kế nội thất cũng thiếu hụt. Hiện ngành đồ họa năm nay đã ngừng tuyển sinh.
PGS-TS Phan Thanh Bình, Hiệu trưởng Trường ĐH Nghệ thuật Huế, buồn bã nói: “Sự giảm lượng thí sinh thi vào trường là rất đột ngột, bất ngờ khiến trường trở tay không kịp. Ngày nay thí sinh ít chọn nghệ thuật vì xã hội thay đổi quá nhanh về quan niệm nghề. Những nghề mà phụ huynh thấy dễ kiếm tiền thì hướng con em thi nhiều hơn. Bên cạnh đó, nghệ thuật cần có năng khiếu và lòng đam mê, sự hy sinh. Thời gian học lại lâu, có khi đến cả chục năm nên phụ huynh rất ngại”.
Theo tiến sĩ Bình, thực tế nhiều trường THCS và THPT thiếu giáo viên dạy vẽ nhưng lại không có chỉ tiêu để tuyển. Có sở VH-TT-DL phụ trách rất nhiều việc quản lý nghệ thuật nhưng không có họa sĩ nào. Nhiều bảo tàng cũng không có họa sĩ…
Học không đóng tiền, còn được hưởng chính sách
Tiến sĩ Phan Thanh Bình nhìn nhận: “Trường ĐH Nghệ thuật Huế là trường đào tạo hàn lâm, nếu được hưởng cơ chế đặc thù là đào tạo tài năng thì mới tồn tại được. Giải pháp vĩ mô là đào tạo nghệ thuật phải được xếp vào ngành đào tạo đặc thù, có cơ chế đặc thù trong giảng dạy, cơ sở vật chất, tiền lương, tuyển dụng… Có như vậy nhà trường mới thực sự có điều kiện để đào tạo tốt nguồn nhân lực mỹ thuật và đào tạo nên những tài năng nghệ thuật cho đất nước”.
Còn tiến sĩ Đặng Huy Hoàng, Nhạc viện TP.HCM, cũng cho biết: “Dù vậy, vẫn phải duy trì các ngành nghệ thuật vì sự cần thiết. Nếu đóng cửa ngành thì trong tương lai sẽ mất đi. Trong thời gian tới, chủ trương của Bộ VH-TT-DL là sẽ đặt hàng, trả chi phí đào tạo cho các đơn vị, sinh viên học sẽ không đóng tiền. Hiện nay những ngành âm nhạc dân tộc cũng đã được miễn 70% học phí, ngoài ra còn được khuyến khích thêm 40% học phí. Nghĩa là người học đã không đóng tiền, lại còn được hưởng 10% học phí”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.