Nhiều ngành hàng xuất khẩu về đích sớm

09/11/2024 05:57 GMT+7

Mới 10 tháng, đã có nhiều ngành hàng xuất khẩu về đích của cả năm nhờ đơn hàng phục hồi tốt. Bên cạnh đó, VN cũng vừa đạt mức xuất siêu kỷ lục - trên 23 tỉ USD chỉ trong vòng 10 tháng năm 2024.

Bứt phá nhờ nông sản, dệt may, điện tử, gỗ…

Báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội của Tổng cục Thống kê vừa công bố cho thấy trong tháng 10, xuất nhập khẩu của cả nước tăng gần 12% so cùng kỳ. Tính chung 10 tháng từ đầu năm, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa sơ bộ đạt 647,87 tỉ USD, tăng 15,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 14,9%; nhập khẩu tăng 16,8%. Như vậy, trong 10 tháng, VN đã đạt mức xuất siêu kỷ lục 23,31 tỉ USD.

Nhiều ngành hàng xuất khẩu về đích sớm- Ảnh 1.

Xuất khẩu rau củ quả đã về đích sớm trước 2 tháng

ẢNH: CHÍ NHÂN

Đáng lưu ý, mới hết tháng 10, tức còn 2 tháng nữa mới kết thúc kế hoạch năm nhưng đã có một số ngành bứt phá, vượt cả kế hoạch của cả năm. Cụ thể là nhóm hàng xuất khẩu nông sản. Sau 10 tháng, xuất khẩu rau quả đã đạt 6,4 tỉ USD, tăng hơn 31%, vượt mốc kỷ lục 5,7 tỉ USD của cả năm 2023. Với mục tiêu cả năm 2024 là 6 - 6,5 tỉ USD thì đến thời điểm này ngành rau quả đã cán đích sớm 2 tháng và đang tự tin hướng đến mục tiêu 7 tỉ USD.

Đây cũng là năm đầu tiên xuất khẩu rau quả cán mốc kỳ vọng 6 tỉ USD. Theo Hiệp hội Rau quả VN, Trung Quốc vẫn là thị trường lớn nhất, nhập khẩu 4,2 tỉ USD rau quả VN trong 10 tháng, tăng 38% so với cùng kỳ và hiện chiếm 47% tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả của cả nước. Bên cạnh đó, xuất khẩu rau của VN sang các thị trường Thái Lan, Hàn Quốc, Đức, Canada cũng tăng mạnh với tỷ lệ tăng 2 con số. Đơn cử, trong 10 tháng, rau quả Việt bán sang Thái Lan thu về 225 triệu USD, tăng đến 87% so cùng kỳ, vượt mặt thị trường Mỹ.

Tương tự, xuất khẩu tiêu cũng về đích sớm khi đặt kế hoạch năm 2024 khoảng 1 tỉ USD, song mới 10 tháng, tổng kim ngạch xuất khẩu hồ tiêu đã đạt 1,1 tỉ USD, tăng đến 48% về kim ngạch so cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu cà phê trong 10 tháng mang về hơn 4,6 tỉ USD, giá trị tăng gần 40% so với năm ngoái và vượt xa con số 4,25 tỉ USD của cả năm 2023. Với đà này, xuất khẩu cà phê năm nay được dự báo có thể lên 5,5 tỉ USD. Đây là mốc kỷ lục mới, cao nhất từ trước tới nay về giá trị xuất khẩu cà phê Việt.

Ông Đỗ Hà Nam, Phó chủ tịch Hiệp hội Cà phê - ca cao VN (Vicofa), nhận xét 30 năm làm trong ngành cà phê, đây là năm đầu tiên ông chứng kiến "nhiều chuyện không bình thường" liên quan đến hạt cà phê. Đó là giá cà phê VN hiện đắt nhất thế giới. Thậm chí, có thời điểm giá cà phê Robusta đắt hơn cà phê Arabica. Và lần đầu tiên ông thấy giá cà phê trên sàn London (Anh) vượt ngưỡng 5.000 USD/tấn. "Một mức giá mà nằm mơ cũng chưa thấy. Đáng nói, không chỉ giá cả tăng, tiêu, cà phê hay nhiều hàng nông sản của VN đang đóng vai trò quan trọng trên thị trường thế giới", ông Nam nhấn mạnh.

Không chỉ nông sản, số liệu cũng cho thấy các ngành sản xuất chủ lực như điện tử, máy tính, linh kiện, dệt may… đóng góp lớn cho kim ngạch xuất khẩu cũng có mức tăng trưởng ấn tượng trong 10 tháng qua nhờ đơn hàng tăng trở lại. Theo báo cáo mới công bố của S&P Global, chỉ số quản trị mua hàng (PMI) tháng 10 của VN đạt 51,2 điểm, tăng mạnh so với mức 47,3 điểm hồi tháng 9. Cập nhật thị trường lao động VN quý 3/2024 của nhà tuyển dụng Adecco cũng cho thấy ngành sản xuất, chế tạo trong nước chứng kiến nhu cầu tuyển dụng tăng 35% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 52% so với quý 2. Trong 10 tháng, xuất khẩu dệt may mang về 3,2 tỉ USD, tăng hơn 25%; giày dép xuất khẩu mang về hơn 2 tỉ USD, tăng hơn 16%; xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ cũng tăng gần 20% so cùng kỳ.

Hướng đến 800 tỉ USD

Theo Hiệp hội Dệt may VN, hiện đơn hàng xuất khẩu dệt may phục hồi tốt, cải thiện tích cực, mức tăng trưởng khoảng 9% so cùng kỳ năm trước. Đáng lưu ý, VN hiện là nhà cung cấp hàng dệt may duy nhất trong 4 nhà xuất khẩu dệt may lớn nhất thế giới có thị phần tăng trưởng mạnh tại các thị trường chủ lực, mức tăng 2 con số tại thị trường Mỹ; còn tại thị trường châu Âu, tuy nhập khẩu dệt may giảm 5,5% nhưng hàng từ VN sang vẫn giữ được thị phần và tăng hơn 4%. Đại diện Hiệp hội Dệt may VN dự báo xuất khẩu hàng dệt may của VN sẽ tiếp tục khả quan trong những tháng tới, bởi theo chu kỳ thì nhu cầu hàng hóa thường tăng mạnh vào những tháng cuối năm. Các thị trường xuất khẩu chủ lực đang ấm dần và đã tăng trưởng trở lại như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Canada... Mục tiêu xuất khẩu 44 tỉ USD của dệt may VN năm 2024 là khả thi.

Nhiều ngành hàng xuất khẩu về đích sớm- Ảnh 2.

Xuất khẩu dệt may phục hồi tốt và sẽ tiếp tục khả quan trong giai đoạn cuối năm

ẢNH: NGỌC THẮNG

Chuyên gia kinh tế tài chính, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, nguyên Trưởng khoa Tài chính quốc tế - Học viện Tài chính, đánh giá hoạt động xuất nhập khẩu của VN đến thời điểm hiện tại đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Trong đó, xuất khẩu đến các thị trường lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc đều có sự tăng trưởng mạnh mẽ. Quan sát cho thấy trong quý cuối năm, rất nhiều doanh nghiệp xuất khẩu dốc sức quyết tâm đẩy đà tăng trưởng. Nhiều doanh nghiệp đang tận dụng rất tốt lợi thế về thị trường và tác động tích cực từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới mà VN đã ký kết.

"Dù rủi ro trên thị trường thế giới vẫn rất khó lường, xung đột địa chính trị làm ảnh hưởng trực tiếp đến chuỗi cung ứng, giá cước vận tải biển vẫn cao. Thế nhưng, quan sát cho thấy xuất khẩu hàng hóa cuối năm vẫn còn dư địa tăng trưởng. Nhu cầu tiêu thụ cuối năm tại các thị trường lớn như Mỹ và EU sẽ là động lực quan trọng thúc đẩy xuất khẩu, đặc biệt trong lĩnh vực điện tử, hàng tiêu dùng và dệt may. Bên cạnh đó, thị trường xuất khẩu thuộc các FTA tiếp tục có tác động tích cực, duy trì lợi thế của VN trong hoạt động thương mại, đầu tư", ông Thịnh nhận định.

Từ đó, chuyên gia này tự tin năm nay, kim ngạch xuất nhập khẩu có thể chạm mốc 800 tỉ USD, vượt xa mức kỷ lục xuất nhập khẩu 732 tỉ USD của năm 2023. "Xuất khẩu giữ được phong độ và tăng trưởng phần quan trọng nhờ vào khối doanh nghiệp nước ngoài qua quá trình chuyển dịch chuỗi cung ứng. Đến nay, khảo sát cho thấy, VN là một trong những nước đi đầu trong việc nhập sự dịch chuyển đơn hàng. Thế nên, xuất khẩu tăng trưởng là điều rất đáng vui mừng, song vấn đề cần lưu ý và đặt ra cho ngành sản xuất trong nước là phải nâng cao năng lực sản xuất, tự chủ nguyên liệu và tỉnh táo trong vấn đề bị lợi dụng để hàng hóa nước ngoài vào VN, lẩn tránh xuất xứ…", ông lưu ý.

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) dự báo trong những tháng cuối năm, cả hai nhóm hàng nông sản và công nghiệp chế biến chế tạo sẽ tiếp tục duy trì tăng trưởng tốt. Với tốc độ tăng trưởng hiện nay và sự phục hồi của các thị trường lớn như Mỹ và EU, khi dấu hiệu lạm phát giảm, sức mua dự kiến sẽ tăng trở lại.

Trong 10 tháng năm 2024, có 31 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỉ USD, chiếm 92,6% tổng kim ngạch xuất khẩu, trong đó có 7 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỉ USD, chiếm 66,5%. Theo Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu 10 tháng đạt hơn 335 tỉ USD, tăng gần 15% so với cùng kỳ năm trước. Đơn hàng đi các thị trường lớn đều tăng 2 con số, trong đó động lực lớn đến từ khối FDI.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.