Nhiều ngành kỹ thuật có tỷ lệ chọi cao hơn ngành kinh tế

29/03/2023 17:13 GMT+7

Kỹ thuật công nghiệp được biết đến là lĩnh vực có nhu cầu nhân lực cao đến năm 2030. Dù chỉ xếp thứ 3 về tỷ lệ tuyển sinh theo lĩnh vực đào tạo năm 2022 nhưng thực tế có những ngành có tỷ lệ chọi cao hơn ngành thuộc khối kinh tế.

Thông tin này được chia sẻ trong chương trình tư vấn truyền hình trực tuyến với chủ đề "Chọn ngành học cho tương lai: Khối ngành kỹ thuật và công nghiệp" của Báo Thanh Niên chiều 28.3.

Nhiều ngành kỹ thuật có tỷ lệ chọi cao hơn ngành kinh tế - Ảnh 1.

Thí sinh dự thi và xét tuyển ĐH năm nay

ĐÀO NGỌC THẠCH

"Công việc địa chính ở phường, xã cũng cần kỹ sư xây dựng"

Gửi câu hỏi đến chương trình, bạn đọc Ngọc Linh viết: "Thị trường bất động sản khó khăn trong thời gian gần đây có ảnh hưởng nhiều đến cơ hội việc làm của kỹ sư xây dựng không? Sinh viên học ngành kỹ thuật cần những kỹ năng gì ngoài kiến thức chuyên môn để thích ứng với thời kỳ công nghệ tác động đến mọi lĩnh vực?".

PGS-TS Nguyễn Trọng Phước, Trưởng khoa Xây dựng Trường ĐH Mở TP.HCM, cho rằng: "Điều bạn lo ngại thị trường bất động sản sụt giảm ảnh hưởng đến việc làm của các kỹ sư xây dựng là đúng nhưng chưa đủ".

"Thị trường bất động sản là một mảng ngành nghề của người làm việc liên quan đến lĩnh vực xây dựng. Hàng loạt dự án bất động sản đang có dấu hiệu giảm tiến độ, thậm chí 'treo'. Những kỹ sư xây dựng đang làm việc trong các dự án này bị giảm công việc, thậm chí thất nghiệp-điều này quá rõ ràng", PGS Phước lý giải.

Theo PGS Phước, đây là quy luật vận động phát triển có tính thời kỳ. "Ở thời điểm sau dịch Covid-19, kinh tế có nhiều khó khăn, thay vì nghĩ đến chuyện nhà cửa, người ta lo trước cơm ăn áo mặc. Điều này dẫn đến tình trạng các kỹ sư xây dựng có ít việc làm hơn liên quan đến mảng bất động sản. Sau này, khi kinh tế khởi sắc, bất động sản phát triển tốt hơn thì việc làm ở lĩnh vực này cũng sẽ nhiều lên", PGS Phước phân tích.

Tuy nhiên, theo Trưởng khoa Xây dựng Trường ĐH Mở TP.HCM, bất động sản không phải là tất cả công việc của kỹ sư xây dựng. Sinh viên tốt nghiệp ngành này có nhiều đầu việc làm khác. Cụ thể, kỹ sư xây dựng có thể làm quản lý, thi công, thiết kế, giám sát… trong các công ty xây dựng. Các công ty xây dựng này không chỉ liên quan đến dự án bất động sản mà còn ở những lĩnh vực xây dựng khác.

"Không chỉ các công ty xây dựng mà một chuyên viên của sở kế hoạch và đầu tư, người làm dự án của sở y tế hay công việc địa chính ở cấp phường/xã… cũng cần kỹ sư xây dựng. Thậm chí, không làm việc cho đơn vị tổ chức nào thì việc của kỹ sư xây dựng vẫn còn và họ có thể tự đứng ra mở công ty, thầu xây dựng…", PGS Phước chia sẻ thêm.

Nhiều ngành kỹ thuật có tỷ lệ chọi cao hơn ngành kinh tế - Ảnh 2.

Tiến sĩ Võ Thanh Hải (thứ 2 từ trái sang) và PGS-TS Nguyễn Trọng Phước (bìa phải) trong chương trình tư vấn truyền hình trực tuyến của Báo Thanh Niên chiều 28.3

L.T.H.

'Học kỹ thuật khó hơn học khối kinh tế?'

Tiến sĩ Võ Thanh Hải, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân, cũng cho rằng trong bất cứ lĩnh vực đào tạo nào cũng có những ngành nhu cầu việc làm cao và có những ngành nhu cầu thấp hơn. Điều này cũng thể hiện tương tự như thực tế thí sinh chọn lựa ngành học. Chẳng hạn, một số ngành kỹ thuật có tỷ lệ chọi rất khắc nghiệt, thậm chí cao hơn nhiều ngành khối kinh tế như: cơ khí ô tô, điện-điện tử, tự động hóa… Nhưng trong cùng lĩnh vực này thì nhóm ngành môi trường lại có tỷ lệ chọi thấp hơn, thậm chí có những năm tỷ lệ chọi chỉ ở mức 1/1 (tức thí sinh đăng ký tương ứng với chỉ tiêu cần tuyển). Ngược lại, ở khối ngành kinh doanh quản lý, bên cạnh những ngành tỷ lệ chọi rất cao nhưng một số ngành tỷ lệ này ở mức rất thấp như: kinh tế học, kinh tế phát triển…

"Hiện nhu cầu của doanh nghiệp với người học là vừa giỏi chuyên môn, vừa thành thục các kỹ năng như ngoại ngữ, ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ cao trong lĩnh vực ngành nghề đó. Những sinh viên đáp ứng đủ các tiêu chí này sẽ có cơ hội việc làm cao và thu nhập tốt", tiến sĩ Hải thông tin.

Nhiều ngành kỹ thuật có tỷ lệ chọi cao hơn ngành kinh tế - Ảnh 3.

PGS-TS Nguyễn Quốc Hưng (bìa phải) chia sẻ trong chương trình trực tuyến

L.T.H.

So sánh việc học ngành kỹ thuật với các lĩnh vực khác, PGS-TS Nguyễn Quốc Hưng, Trưởng khoa Kỹ thuật Trường ĐH Việt Đức, đánh giá: "Tôi không nghĩ học kỹ thuật khó hơn học khối kinh tế mà ngành nghề nào cũng có những cái khó riêng. Vấn đề quan trọng nhất là lựa chọn được ngành nghề đúng theo sở thích và phù hợp với năng lực của mình. Học kỹ thuật hiện nay không chỉ cần khả năng tính toán mà còn đòi hỏi rất cao sự sáng tạo và kỹ năng giải quyết vấn đề.

Cùng góc nhìn này, tiến sĩ Võ Thanh Hải nói: "Hãy chọn ngành theo sở thích và đam mê, nếu quyết định khởi nguồn từ đây thì sẽ vượt qua được bất cứ khó khăn gì trong học tập và làm việc sau này".

Phó hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân nói thêm: "Những người yêu thích sự khám phá tò mò, tự sửa chữa thiết bị trong nhà là dấu hiệu nhận diện sự phù hợp với ngành liên quan đến kỹ thuật. Và muốn chắc chắn mình có phù hợp với ngành kỹ thuật hay không thì thí sinh hãy tham khảo thông tin từ những người đi trước, đặc biệt người làm việc trong lĩnh vực này. Từ đó, chúng ta sẽ có được những hình dung về công việc cụ thể, những khó khăn của công việc đó khi ra trường đi làm".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.