Hiện nay trong danh mục mã ngành đào tạo cấp 4 của Bộ LĐ-TB-XH chưa có ngành logistics. Tuy nhiên, trên thực tế, nhu cầu nhân lực trong lĩnh vực này đang thiếu trầm trọng.
Theo tiến sĩ Nguyễn Hồng Minh, Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, trên toàn quốc chỉ có 22 trường CĐ, trung cấp đào tạo những ngành học liên quan đến các hoạt động vận chuyển, lưu kho, bãi, thủ tục hải quan, dịch vụ hàng hóa... với số lượng tốt nghiệp mỗi năm chỉ khoảng 2.000 người, trong khi nhu cầu thực tế lên tới 200.000 lao động. Vì thế, ông Minh khuyến khích các trường CĐ, trung cấp mở ngành này để đào tạo đáp ứng thị trường lao động.
Trước tình hình đó, bà Nguyễn Thị Lý, Hiệu trưởng Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức, chia sẻ: “Năm nay chúng tôi sẽ xin mở mã ngành này với hy vọng sẽ góp phần cung cấp cho doanh nghiệp người lao động có đủ chuyên môn, kỹ năng và ngoại ngữ để làm việc”.
tin liên quan
Tăng chỉ tiêu các ngành có nhiều việc làmBên cạnh ngành logistics, Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức cũng mở thêm 8 ngành khác bao gồm điện công nghiệp, điện tử công nghiệp, quản trị nhà hàng, quản trị khách sạn, chế tạo thiết bị cơ khí, kinh doanh thương mại và tiếng Nhật. Theo bà Lý, trong số đó, những ngành kỹ thuật công nghệ mà trường mở đều nằm trong nhóm ngành phát triển trọng điểm của TP.HCM, còn ngành tiếng Nhật nhằm đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp Nhật đang hiện diện rất nhiều ở TP.HCM, cũng như nhu cầu xuất khẩu lao động sang Nhật ngày càng cao.
Bà Nguyễn Thị Hằng, Hiệu trưởng Trường CĐ Kỹ nghệ 2, cũng thông tin năm 2018, trường sẽ bắt đầu mở ngành học liên quan đến logistics.
Trong khi đó, Trường CĐ Lilama 2 ngoài 13 ngành đào tạo trước đây, còn có thêm ngành mới là quản trị doanh nghiệp.
Theo ông Lê Quang Trung, Phó hiệu trưởng Trường CĐ Lilama 2, kiến thức về quản trị doanh nghiệp đối với người làm trong mảng kỹ thuật cũng rất quan trọng. “Các bạn sẽ được học về quản trị nhân lực, tài chính, chiến lược phát triển doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp trong lĩnh vực kỹ thuật”, ông Trung cho hay.
Trường CĐ Bách Việt năm 2018 sẽ mở mới ngành công nghệ ô tô. Tiến sĩ Trần Mạnh Thành, Phó hiệu trưởng, chia sẻ thêm: “Trong tương lai gần, VN đã có doanh nghiệp sản xuất xe hơi. Rõ ràng thị trường này phát triển ngày càng mạnh mẽ. Nhu cầu lao động ở các công việc như lắp ráp, bảo trì, bảo dưỡng cũng ngày càng lớn. Chúng tôi sẽ chia ra làm 2 chuyên ngành gồm sửa chữa - bảo dưỡng - bảo trì và công nghệ lắp ráp ô tô”.
Hầu hết các ngành học trên đều có chỉ tiêu tuyển sinh từ 50 - 100, bằng phương thức xét tuyển điểm thi THPT quốc gia hoặc học bạ.
Bình luận (0)