Mới đây, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam hôm 30.8 đã ký quyết định phê duyệt Chương trình “Đào tạo, đào tạo lại nâng cao kỹ năng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4”, trong đó, nhiều ngành nghề "nóng" sẽ được đưa vào đào tạo thí điểm.
Đây là chương trình có mục tiêu xây dựng và đào tạo ưu tiên cho các lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ mới, công nghệ cao, các kỹ năng tương lai nhằm giúp người học có thể làm chủ, khai thác và vận hành hiệu quả những tiến bộ công nghệ, góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia, sẵn sàng đón nhận làn sóng đầu tư mới dịch chuyển vào Việt Nam.
Chương trình sẽ đào tạo nhiều ngành, nghề ở trình độ cao đẳng và trung cấp, với số lượng người học là ít nhất 120 người ở mỗi ngành, nghề/ trình độ. Tổng số người học tham gia đào tạo thí điểm là khoảng 4.800 người. Ngoài ra, đào tạo lại nâng cao kiến thức, kỹ năng gắn với chuyển đổi việc làm cho người lao động bị tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 cho ít nhất 300.000 lượt người. Thời gian thực hiện chương trình này là từ năm 2021 - 2025.
Chính phủ giao cho Bộ LĐ-TB-XH chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ và phối hợp với các doanh nghiệp, cơ sở giáo dục nghề nghiệp xây dựng chương trình đào tạo, chuẩn đầu ra. Đồng thời cũng giao Bộ GD-ĐT phối hợp với Bộ LĐ-TB-XH trong việc triển khai chương trình, thực hiện liên thông giữa các cấp trình độ đào tạo của giáo dục nghề nghiệp với các cấp trình độ đào tạo khác trong hệ thống giáo dục quốc dân. Nhất là ở các ngành nghề đào tạo, đào tạo lại của chương trình này.
Ông Vũ Xuân Hùng, Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, cho biết: "Chúng tôi đang tiến hành nghiên cứu, khảo sát, đánh giá thực trạng kỹ năng của người lao động tại các doanh nghiệp theo các lĩnh vực, ngành, nghề chịu tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 để nhanh chóng xây dựng các chương trình đào tạo và đào tạo lại. Dự kiến sẽ có 20 ngành nghề được hoàn thành trong năm nay để sang năm 2022 bắt đầu tuyển sinh".
Theo ông Hùng, trong số các ngành nghề mà Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đang xây dựng theo quyết định của Chính phủ, thì sẽ có 6 ngành nghề mới rất "nóng" đang là xu hướng, sẽ được đào tạo chính quy trình độ cao đẳng, trung cấp, bao gồm: giải pháp blockchain, kết nối hệ thống robot, kết nối vạn vật, trang trại số, bảo mật dữ liệu, in 3D.
Các ngành nghề đào tạo cập nhật và nâng cao chuyển đổi nghề nghiệp, gồm có: công nghệ thông tin, điện tử viễn thông, điện - điện tử, tự động hóa, các nhóm ngành nghề như công nghiệp chế biến, thiết bị y tế, dịch vụ vận tải - logistics, du lịch dịch vụ, dệt may - giày da, nông nghiệp công nghệ cao, lâm nghiệp, ô tô, cơ khí nông nghiệp, năng lượng mới và năng lượng tái tạo và một số ngành nghề khác.
"Sau khi khảo sát, trường cao đẳng, trung cấp và doanh nghiệp sẽ cùng phối hợp tuyển sinh đào tạo các ngành nghề "nóng" này theo hình thức đặt hàng. Học sinh, sinh viên học xong sẽ về doanh nghiệp làm việc ngay", ông Hùng thông tin thêm.
Bình luận (0)