Nhiều nghị sĩ Anh bí mật nắm giữ cổ phần trong các tập đoàn lớn

10/07/2023 07:34 GMT+7

Cuộc điều tra của báo The Guardian cho thấy nhiều nghị sĩ Anh, kể cả cựu Thủ tướng Theresa May, nắm giữ cổ phần trong các tập đoàn lớn nhưng không khai báo, có nguy cơ gây xung đột lợi ích.

Cuộc điều tra cho thấy hơn 50 nghị sĩ Anh nắm cổ phần trong các công ty đại chúng đang niêm yết trên sàn chứng khoán, gồm các tập đoàn lớn về ngân hàng, năng lượng, bán lẻ, truyền thông, quốc phòng như Barclays, HSBC, BP, Sainsbury's, BT, theo The Guardian ngày 9.7.

Những người liên quan có những cái tên đáng chú ý như cựu Thủ tướng Theresa May, cựu Bộ trưởng Giáo dục Gavin Williamson, Chủ tịch Ủy ban Môi trường Robert Goodwill.

Nhiều nghị sĩ Anh bí mật nắm giữ cổ phần trong các tập đoàn lớn - Ảnh 1.

Bà Theresa May được cho là bí mật nắm giữ cổ phần tại công ty đại chúng

ẢNH CHỤP MÀN HÌNH THE GUARDIAN

Theo quy định của quốc hội từ năm 2015, nghị sĩ chỉ cần khai báo nếu số cổ phần mà họ nắm giữ trong một công ty nhiều hơn 15% hoặc có giá trị trên 70.000 bảng Anh (2,1 tỉ đồng).

Hầu như toàn bộ số cổ phần mà các nghị sĩ được phát hiện nắm giữ tại các công ty đều dưới ngưỡng phải khai báo. Tuy nhiên, The Guardian cho biết đã phát hiện sự xung đột lợi ích, như trường hợp bà May đã có các cuộc họp với hãng truyền thông BT khi còn là Bộ trưởng Nội vụ trong khi chồng bà nắm cổ phần trong công ty này và không công khai.

Bà May còn nắm cổ phần của hãng năng lượng BP trong khi chồng bà là cổ đông của BP, Barclays, BT và Centrica. Bốn tháng sau khi bà trở thành thủ tướng, những cổ phần này có vẻ được đưa vào quỹ ủy thác ẩn danh, nghĩa là người gửi cổ phần vào đó hoàn toàn không có quyền kiểm soát hay biết về tình trạng của tài sản được ủy thác.

Thủ tướng Rishi Sunak cũng từng có cổ phần trong công ty điện - khí đốt National Grid. Tuy nhiên, ông nói đã chuyển khoản đầu tư này vào một quỹ tương tự như bà May vào tháng 7.2019. Đây được cho là cách làm của nhiều nghị sĩ nhằm tách bạch khỏi các lợi ích tài chính.

Một phát ngôn viên của cựu thủ tướng nói rằng bà May hoàn toàn bác bỏ những gợi ý cho rằng bà vi phạm quy tắc quốc hội, liên quan lợi ích tài chính mà chồng bà nắm giữ tại BT. Người phát ngôn cũng nhấn mạnh rằng bà May từng đưa ra luật trái với lợi ích của BT và bà luôn công bố thông tin cho các quan chức liên quan.

Xung đột lợi ích

Mặc dù số cổ phần mà các nghị sĩ và gia đình họ nắm giữ nằm dưới mức phải khai báo theo quy định, nhưng chúng cũng có thể gây ảnh hưởng đến quyết định, hành động của họ trong quá trình lập pháp.

Cuộc điều tra cho thấy các bộ trưởng đã gặp những nhà vận động hành lang cho các công ty mà họ hoặc người thân có cổ phần trong đó nhưng không khai báo. Một số nghị sĩ cũng bỏ phiếu phản đối các sửa đổi luật tăng thuế lên các công ty dầu khí mà họ nắm cổ phần nhưng không công khai.

Những nhà vận động minh bạch cho rằng phát hiện của The Guardian đặt ra nhiều câu hỏi nghiêm túc về quyền của các nghị sĩ và cần xem xét lại những quy định.

Ông Steve Goodrich, trưởng nhóm nghiên cứu và điều tra tại tổ chức Minh bạch Quốc tế Vương quốc Anh, nhận xét: "Nếu một nghị sĩ có cổ phần trong một công ty bị ảnh hưởng bởi việc làm luật thông qua quốc hội, sẽ luôn có một sự căng thẳng giữa việc bảo vệ vấn đề tài chính của họ và thúc đẩy lợi ích công chúng. Việc minh bạch những chi tiết này là điều then chốt để chống lại tình trạng lạm dụng chức vụ công".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.