Nhiều người ho, sốt có phải do Covid-19 tăng?

21/11/2022 04:00 GMT+7

Những ngày gần đây, nhiều gia đình bỗng dưng cả nhà đều bị ho, sốt; nhiều người trong một công ty hay chỗ làm cũng bị tình trạng tương tự cùng lúc.

Anh Thanh Tuấn (ở Q.Tân Bình, TP.HCM) cho biết mấy ngày trước bỗng dưng anh bị ho, sốt, mệt mỏi cả đêm, hôm sau anh vẫn đi làm bình thường dù còn ho nhẹ. Bác sĩ một phòng mạch cho biết nhiều trẻ sốt, đau họng uống thuốc thường 1 - 2 ngày thì khỏi, nhưng nay có những trường hợp 1 tuần sau vẫn ho, sốt, đờm xanh nên phải tăng liều kháng sinh.

Cần bảo vệ nhóm người nguy cơ với dịch bệnh Covid-19

Duy Tính

“Nợ” miễn dịch?

TS Lê Thị Thu Hương, Trưởng khoa Nội hô hấp, Bệnh viện (BV) Nhân dân Gia Định (TP.HCM), cho biết đây là mùa cuối năm, trời vẫn mưa nên nhiều người dân bị cảm cúm, nhiễm siêu vi, nhiễm trùng đường hô hấp. Bệnh nhân đến BV có nhiều người bị nặng như viêm phổi nặng, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD). Tuy nhiên, việc phân biệt nhiễm siêu vi, cảm cúm và Covid-19 cũng khó, vì các bệnh này đều có thể mắc triệu chứng giống nhau ở đường hô hấp trên (hắt hơi, sổ mũi, đau họng) và sốt. Theo TS Thu Hương, Covid-19 vẫn đang lưu hành, nhưng TP.HCM đã có miễn dịch cộng đồng nên số ca nặng không nhiều như trước khi được tiêm vắc xin.

Trả lời câu hỏi vì sao thời điểm này nhiều trẻ bệnh cảm cúm, sốt, bác sĩ (BS) Trương Hữu Khanh cho biết: “Vì khi giãn cách thì ít bệnh cảm, hết giãn cách thì cảm bù. Đây là nợ miễn dịch, hết nợ hết bệnh”. Bên cạnh đó, các bệnh Adeno, RSV (vi rút hợp bào hô hấp) là những bệnh chưa có vắc xin phòng ngừa, kèm bệnh theo mùa nên nhiều trẻ bị.

Xét nghiệm mới biết có mắc Covid-19 hay không

Về thắc mắc nhiều người rằng ho, sốt có phải do Covid-19 tăng, Th.S-BS Lê Hồng Nga, Phó giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), cho rằng muốn biết nguyên nhân thì phải xét nghiệm.

BS Nga cho biết có 2 nguồn phát hiện ca bệnh, đó là người dân tự test và tự khai báo trên nền tảng khai báo F0, hoặc làm xét nghiệm PCR (khẳng định). Từ tình hình khai báo, cơ quan y tế có hướng dẫn cụ thể cho từng ca bệnh. Nếu ca nhẹ thì ở nhà theo dõi sức khỏe. Người mắc Covid-19 thuộc nhóm nguy cơ thì được phát thuốc, có kê toa.

“Đây là mùa bệnh lý đường hô hấp nên người dân cần dùng các biện pháp dự phòng không dùng thuốc, như vệ sinh tay, ho - hắt hơi phải che, người có triệu chứng đường hô hấp thì hạn chế đến nơi đông người, nếu đi thì mang khẩu trang. Xét nghiệm để biết mắc Covid-19, nhất là người thuộc nhóm nguy cơ (phụ nữ có thai, người già, suy giảm miễn dịch) để có biện pháp bảo vệ”, BS Nga khuyến cáo.

Ngoài ra, cụm dân cư, trường học, công sở phát hiện nhiều người có bệnh đường hô hấp thì phải khai báo cho cơ quan y tế để đến tìm hiểu nguyên nhân; nếu cần thiết thì xét nghiệm. Hiện nay đa số người mắc bệnh Covid-19 (nếu có) thì bệnh cảnh cũng nhẹ, như ho, sốt, nhức mỏi.

Theo BS Nga, từ tháng 10.2022 đến nay, hằng ngày số ca mắc mới Covid-19 và nhập viện khoảng dưới 50 - 70 ca xác định/ngày, 20 - 30 ca nghi ngờ. Cấp độ dịch phường, xã của TP.HCM từ tháng 3 đến nay là cấp độ 1. Về vi rút lưu hành, từ tháng 8 đến nay chỉ ghi nhận biến thể BA.5 của biến chủng Omicron.

BS Nga thông tin thêm: Mặc dù Covid-19 đang ổn định nhưng vẫn tiếp tục giám sát và quản lý F0 tại cộng đồng để kiểm soát lây nhiễm. TP.HCM vẫn tiếp tục chăm sóc và bảo vệ nhóm người nguy cơ mắc Covid-19 mặc dù không xét nghiệm và cách ly hàng loạt.

TS-BS Lê Thị Thu Hương tư vấn: Người dân phải ăn uống đầy đủ, tăng cường vitamin bằng cách ăn rau củ, trái cây; ăn đủ đạm (thịt, cá, trứng, sữa) và tập luyện thể dục, nghỉ ngơi đầy đủ, tránh stress. Ngoài ra, cần tiêm ngừa vắc xin Covid-19 đầy đủ, tiêm cúm, phế cầu, ho gà cho những đối tượng nguy cơ (người lớn tuổi, có bệnh nền, phụ nữ có thai). Nếu có triệu chứng ho, sốt thì phải đeo khẩu trang, đi khám.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.