"Không thể nghỉ được!"
Mùng 1 tết, anh Hồ Tường Duy, Trưởng phòng vận hành một hệ thống quán ăn có gần 20 chi nhánh ở TP.HCM vẫn ở cơ quan làm việc. Anh Duy cho biết năm nay, quán bán xuyên tết, trong khi đó, vị trí của anh không thể nào nghỉ tết vào dịp này mà thậm chí khối lượng công việc còn cao hơn do nhu cầu khách ăn uống dịp tết tăng cao.
“Anh có buồn không khi không về đón giao thừa cùng gia đình?”, nghe tôi hỏi, anh Duy cười, nói 6 năm nay, khi đã quyết định gắn bó công việc liên quan tới F&B thì anh đã xác định một điều rằng, lúc người khác nghỉ, anh lại càng phải làm nhiều hơn nên cũng đã quen. Đó cũng là ngần ấy năm anh không về ăn tết, đón giao thừa cùng gia đình.
Anh Duy cho biết nhà mình ở H.Củ Chi, cách trung tâm TP.HCM không quá xa, nên sau những ngày tết, anh có thể tiện về thăm gia đình. Gia đình, đặc biệt là vợ của anh, dù có buồn nhưng cũng hoàn toàn thông cảm vì đây là tính chất công việc của anh Duy.
Giao thừa năm nay, anh Duy cho biết mình ở cơ quan tới 0 giờ 30 phút sáng mùng 1 tết, sau đó mới tất bật về nhà nghỉ ngơi. Những ngày cuối năm và đầu năm, công việc có phần tất bật hơn, mùng 1, mùng 2, mùng 3… anh đều phải ở công ty để làm việc.
“Làm dịp tết, lương được nhân lên nhiều lần, nhưng với tôi đó không phải là điều chính yếu. Quan trọng nhất để tôi làm tết là vì công việc của tôi phải như vậy. Dù có chút tủi thân khi không kề cạnh gia đình, nhưng được hoàn thành tốt công việc của mình cũng là điều khiến bản thân tự hào", anh nói.
Trong khi đó, chị Phạm Phương Thảo (27 tuổi), làm phục vụ quán cũng nói rằng nhiều năm nay chị không về quê An Giang ăn tết, mà thường ở lại “cày" nên riết cũng quen. Hồi trước, chị làm công nhân ở Bình Dương, Long An, cũng ít khi về quê dịp tết mà ở lại làm thêm.
“Làm dịp này có thêm thu nhập cao thì cũng nên ở lại làm, vì gia đình mình không phải giàu có. Thực ra ở lại làm tết không kinh khủng như nhiều người vẫn nghĩ, vì khi tập trung với công việc thì cũng không có thời gian nghĩ tới những chuyện khác", chị nói thêm,
Công nhân mất việc xoay xở đủ nghề trước tết: 'Tiền ăn không có lấy đâu tiền về'
"Trốn tết"
Anh Nhâm (34 tuổi) làm bảo vệ ở một chung cư tại Q.8 thì cho biết năm nay là năm thứ 3 anh trực xuyên tết. Vì điều kiện, anh một mình từ quê miền Tây lên TP.HCM làm, nhưng năm nay không dư dả, ở lại làm, là cách để anh “trốn tết" không phải về quê, cũng như có thêm thu nhập tăng cao. Anh cho biết bản thân không hối hận với quyết định của mình.
Còn chị Trần Thị Hồng Đào (19 tuổi), thu ngân của một hệ thống hủ tiếu ở TP.HCM cho biết đây là năm thứ 2 chị ở lại làm xuyên tết thay vì về quê Đồng Tháp đoàn tụ cùng gia đình. Đó là lý do mà chị cũng không thấy quá chạnh lòng hay bỡ ngỡ, vì đã quen.
Đi làm ngày tết, lương được nhân 3. Nghĩ đến khoản thu nhập kha khá sau khi làm xuyên tết cũng là một động lực để chị có thể hoàn thành tốt công việc của mình. Thêm nữa, vị trí thu ngân ở quán chị làm quan trọng, quán bán xuyên tết nên chị cũng không thể nào nghỉ được.
“Sau tết, có thể là mùng 8 tôi sẽ về quê thăm gia đình ít ngày rồi sau đó lên lại tiếp tục công việc. Không chỉ có tôi mà nhiều người khác cũng không về quê, ở lại làm giống mình nên cũng có người để chia sẻ. Nhiều khi bận quá cũng không có thời gian để buồn hay nghĩ vu vơ", cô gái trẻ bày tỏ.
Thấp thỏm Tết về, công nhân tằn tiện cầm cự chỉ mong 'ăn gì no là được'
Bình luận (0)