Theo nội dung tố cáo của một số nhà đầu tư (NĐT), họ bị “sập bẫy” Công ty CP Modern Tech (Q.1, TP.HCM) kinh doanh “tiền ảo”. Theo đó, có 7 người đứng ra thành lập công ty này, do ông Hồ Xuân Văn điều hành. Trong số này, nổi lên hai nhân vật đóng vai trò chủ chốt là D.K.C và V.H.L, khá nổi tiếng trong giới kinh doanh nên nhiều NĐT tin tưởng đổ tiền vào đầu tư tiền ảo iFan, Pincoin.
Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, NĐT muốn mua iFan coin sẽ phải dùng đồng tiền kỹ thuật số ETH để thực hiện, tổng số iFan coin được phát hành là 210 triệu coin, và giai đoạn huy động vốn ban đầu (ICO) là 21 triệu coin. iFan chia ra làm 4 giai đoạn phát hành để huy động vốn với mức giá tương ứng từ 0,8 - 12,8 USD/iFan. Đánh vào lòng tham của người tham gia, nhóm tạo lập iFan áp dụng hình thức ủy thác đầu tư (khi NĐT mua iFan xong ủy thác lại cho nhóm này số coin đã mua) để hưởng lãi suất 48%/tháng. Để phát triển mạng lưới, nhóm sáng lập iFan chi trả hoa hồng môi giới theo hình kim tự tháp với 8 cấp khác nhau với mức hoa hồng từ 0,1 - 8% trên số tiền NĐT mới tham gia. Ngoài ra, nhóm này còn kêu gọi người tham gia vào với lời hứa giá iFan “tăng gấp 10 - 50 lần trong vòng 2 tháng tiếp theo”, hay đồng iFan sẽ lên sàn giao dịch Nasdaq, Mỹ. Bên cạnh đó là “viễn cảnh như mơ” như lên giao dịch trên 3 sàn tiền kỹ thuật số CoinExchange, EtherDelta, Excoinpro; ký kết hợp tác với top 10 sao hạng A tại Singapore, Thái Lan, VN, Malaysia; liên kết với 5 ngân hàng hàng đầu các quốc gia Singapore, Thái Lan, VN, Malaysia, Hàn Quốc tích hợp hệ thống blockchain iFan vào thanh toán. Đặc biệt, nhóm này tạo “ảo tưởng” cho NĐT tham gia là tháng 1.2019 tiến hành cấp quốc tịch thuộc Liên minh Châu Âu cho các thành viên lãnh đạo (leaders) đủ tiêu chuẩn…
|
Bỏ hàng chục tỉ mua “vịt trời”
Chiều 9.4, bà V. (ngụ Q.1) cho biết ngày 29.9.2017, bà cùng bạn trai tên S. (ngụ Q.2) được ông H.P.Y (một thành viên trong ban lãnh đạo của Công ty Modern Tech) mời đến tham gia bốc thăm mua “tiền ảo” iFan do công ty tổ chức tại một trung tâm tiệc cưới sang trọng ở Q.10. Tại đây, bà V. bốc thăm mua được gói 200.000 iFan giá 0,1 USD/iFan. Sau đó, bà đã chuyển 460 triệu đồng vào tài khoản của một người tên B. (tự xưng nhân viên của ông D.K.C). Ngay sau đó, số tiền ảo iFan này đổ vào tài khoản của bà V. do Công ty Modern Tech thiết lập với tên miền ifan.IO (hiện đã bị sập).
Đến ngày 4.10.2017, Công ty Modern Tech tiếp tục mời bà V. và ông S. đến một khách sạn ở TP.Vũng Tàu (Bà Rịa-Vũng Tàu) bốc thăm mua iFan, nhưng đợt này giá đã lên 1 - 1,41 USD/iFan. Ông S. bốc thăm được mua 340.000 iFan với giá 1,41 USD/iFan và 30.000 iFan với giá từ 1 - 1,4 USD/iFan. “Trong hai lần giao dịch này, chúng tôi chuyển tổng cộng hơn 15,5 tỉ đồng vào tài khoản của một số nhân viên của Công ty Modern Tech theo yêu cầu của D.K.C. Tuy nhiên, sau đó công ty không thực hiện đúng những gì cam kết và có dấu hiệu bỏ trốn nên nhờ cơ quan pháp luật can thiệp yêu cầu trả tiền lại cho chúng tôi”, bà V. nói.
Tương tự, ông N.Q.H cho hay cuối năm 2017 được nhân viên Công ty Modern Tech tư vấn tham gia mua “tiền ảo” iFan và Pincoin với lãi suất cao, trong đó iFan là 40 - 48%/tháng, còn Pincoin là 25 - 35%/tháng. Thấy lợi nhuận quá hời, ông H. vay mượn bạn bè hơn 16,8 tỉ đồng để mua “tiền ảo”. Đến thời hạn rút tiền thì hai hệ thống “giao dịch” này bị sập, mất sạch 16,8 tỉ đồng mà chưa thu được một đồng nào.
Nhóm sáng lập đang tạo tiền ảo mới ?
Trong khi đó, một NĐT tên Minh (đang sống tại tỉnh Quảng Ninh) cho biết nhóm đầu tư của ông có 100 người do Nguyễn Thu Thủy (một trong những thủ lĩnh phát triển iFan ở khu vực phía bắc) quản lý. Theo danh sách NĐT tham gia nhóm có cả doanh nghiệp, nhưng đa số là các sinh viên. Số tiền đầu tư của nhóm này vào khoảng 300.000 - 500.000 USD, đặc biệt có 1 NĐT tham gia nhiều tỉ đồng. “Số tiền thiệt hại 15.000 tỉ đồng có thể do tính tổng thiệt hại của nhiều đồng tiền ảo (coin) mà nhóm sáng lập iFan tạo ra”, ông Minh nhận định và cho biết thêm: “Cuối năm 2017, khi nhiều người tham gia không lấy được tiền đã đòi gắt thì nhóm này trả cho một ít, ví dụ đầu tư 5.000 USD thì trả lại 1.000 USD, còn lại đa số NĐT không đòi được tiền. Khi NĐT lên các trang mạng xã hội của nhóm iFan cảnh báo lừa đảo huy động vốn thì ngay tức thì nhóm này chặn lại không cho vào. Chính vì vậy mà nhiều người không hề biết bẫy của nhóm sáng lập, nên số người tham gia iFan cũng lên đến mấy chục ngàn người và nhóm sáng lập iFan cũng đang tạo ra một đồng tiền ảo khác với tên Asama. Các NĐT iFan tại TP.HCM hiện đang làm quyết liệt vụ này nên chúng tôi đang tập hợp danh sách những nạn nhân của iFan ở phía bắc cũng như những chứng cứ để chuyển vào TP.HCM”.
Đáng lưu ý, qua tiếp xúc với các nạn nhân, PV Thanh Niên ghi nhận hầu hết NĐT không có hợp đồng mua bán với Công ty Modern Tech, thậm chí cũng không chuyển vào tài khoản của công ty dù số tiền giao dịch từ hàng trăm ngàn đến hàng chục tỉ đồng. Chiều 9.4, PV Thanh Niên đã đến địa chỉ trụ sở của Công ty Modern Tech do ông Hồ Xuân Văn điều hành, ở tòa nhà Vietcomreal (P.Bến Nghé, Q.1, TP.HCM). Tuy nhiên, Công ty CP Replus (bên cho thuê) đã đơn phương chấm dứt hợp đồng cho thuê văn phòng với Công ty Modern Tech vì ngày 8.4 nhiều người đến liên hệ tố cáo Công ty Modern Tech lừa đảo chiếm đoạt tài sản gây ồn ào, mất trật tự làm ảnh hưởng đến hình ảnh cho cộng đồng doanh nghiệp tại tòa nhà. Được biết, Công ty Modern Tech đã chuyển văn phòng về đường Phan Huy Ích, P.15, Q.Tân Bình.
Nạn nhân cần đến công an tố cáo
Liên quan đến vụ việc hàng chục người giăng băng rôn tố đường dây “tiền ảo” lừa đảo chiếm đoạt 15.000 tỉ đồng, trả lời PV Thanh Niên, lãnh đạo Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về công nghệ cao (C50), Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng (C46) và Cục Cảnh sát hình sự (C45) đều cho biết chưa nhận được đơn tố cáo của các nạn nhân về vụ việc này, chỉ được biết thông qua báo đài. Theo lãnh đạo các đơn vị này, nếu nhận được đơn thư tố cáo, chắc chắn cơ quan chức năng sẽ vào cuộc điều tra.
|
Trả lời Thanh Niên hôm qua, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TP.HCM, cho biết NHNN đã cảnh báo về hình thức huy động vốn đa cấp tiền ảo nhiều lần trong mấy năm qua. Một lần nữa NHNN khẳng định những đồng tiền ảo như Bitcoin hay iFan mà nhiều người tham gia không phải là đồng tiền thanh toán hợp pháp tại VN. Hành vi phát hành những loại tiền ảo này cấm thực hiện tại VN. Chính vì vậy mà người dân tham gia vào những hình thức này không được pháp luật bảo vệ và chịu nhiều rủi ro. Cũng theo ông Nguyễn Hoàng Minh, về chế tài xử lý vi phạm, theo quy định tại khoản 6 điều 27 Nghị định 96/2014/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng, hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp, bao gồm cả Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính ở mức phạt tiền từ 150 - 200 triệu đồng. Đồng thời, từ ngày 1.1.2018, hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp, bao gồm cả Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại điểm h khoản 1 điều 206 bộ luật Hình sự 2015 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2017).
|
Bình luận (0)