Nhiều người TP.HCM tưởng đi chơi miền Tây miễn phí, ai ngờ đi nghe 'bán sâm, bán sữa'

28/10/2022 12:17 GMT+7

Thời gian gần đây, nhiều người ở TP.HCM những tưởng sẽ có những chuyến đi chơi vui vẻ, thăm thú miền Tây khi được quảng cáo không tốn đồng nào, thế nhưng đi rồi ai cũng ngán ngẩm. Dân trong nghề gọi các tour này là “tour sâm”, “tour sữa” hay nôm na là “tour bán hàng đa cấp”.

Bán hàng đội lốt tour du lịch “0 đồng”, “thiện nguyện”

Theo Công an tỉnh Vĩnh Long, trong tháng 6.2022, Phòng Cảnh sát kinh tế đã phối hợp với Thanh tra 2 Sở Công thương và VH-TT-DL bắt quả tang một doanh nghiệp tổ chức tour du lịch '0 đồng" mang danh tri ân khách hàng với hơn 150 người, nhưng thực chất là liên kết với công ty khác để “ép” bán thực phẩm chức năng “lậu” cho khách hàng.

Cụ thể, tại thời điểm kiểm tra đã ghi nhận trong các hoạt động của chuyến đi, công ty dành gần như trọn thời gian tại một điểm du lịch ở xã Hòa Thạnh, H.Tam Bình. Tại đây, người của công ty giới thiệu chào bán sữa. Hình thức tặng 1 hộp sữa trước, mua 3 hộp tặng thêm 1 hộp với số tiền 1,6 triệu đồng trả liền và sau 10 ngày thì trả thêm 50.000 đồng. Tổng số tiền bán sữa thu về được hơn 100 triệu đồng. Tuy nhiên, đại diện công ty không xuất trình được giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành hoặc hợp đồng du lịch với công ty lữ hành... Đồng thời, qua kiểm tra hàng hóa thực tế và bản tự công bố sản phẩm có một số thông tin chưa trùng khớp, chưa xuất trình hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ nguồn gốc sản phẩm… nên đã lập biên bản xử lý theo các quy định pháp luật.

Theo ghi nhận của PV Báo Thanh Niên và trả lời của Phó giám đốc Sở VH-TT-DL Tiền Giang, thì thời gian qua, tỉnh Tiền Giang bị ảnh hưởng khá nhiều bởi các tour du lịch “0 đồng”, “thiện nguyện vì người nghèo”, “tri ân khách hàng” nở rộ. Có thời điểm, Bến tàu du lịch Tiền Giang (Bến tàu 30.4, TP.Mỹ Tho) có đến hơn 20 chục xe (loại 50 chỗ ngồi) được các doanh nghiệp tổ chức đưa khách về đây.

Đồng ý tham gia tour miễn phí, hoặc giá rẻ thì du khách phải chấp nhận nghe quảng cáo về các sản phẩm

BẮC BÌNH

Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, từ sau sự cố “tour sữa lậu” đội lốt du lịch tri ân khách hàng bị ngành chức năng tỉnh Vĩnh Long xử lý thì cách tổ chức các tour “0 đồng”, “thiện nguyện”, “tri ân khách hàng” về tỉnh Tiền Giang đã biến tướng tinh vi hơn và khách tham gia không còn miễn phí nữa mà sẽ đóng khoảng 100.000 - 150.000 đồng/người/chuyến. Các hàng hóa như sữa, sâm được giới thiệu bán cho khách tại các tour đến cồn Thới Sơn (TP.Mỹ Tho, Tiền Giang) nhưng công ty ghi nhận lại, đến thời điểm trả khách tại TP.HCM thì mới giao hàng. Việc này khiến cho ngành chức năng địa phương không có cơ sở để kiểm tra, xử lý.

“Lúc trước, theo tôi biết thì khách hàng tham gia các tour “0 đồng”, “thiện nguyện”, “tri ân khách hàng” về Bến tàu du lịch Tiền Giang không tốn tiền, vì chi phí xe cộ, ăn uống… do bên đơn vị bán sâm, bán sữa chi trả cho công ty tổ chức. Nhưng, khoảng 2 tháng qua, mỗi khách hàng tham gia bị thu từ 100.000 - 150.000 đồng/người/chuyến, cả đi và về trong ngày. Thời gian của chuyến đi chủ yếu tại điểm mở bán, giới thiệu sâm, sữa. Nếu khách mua nhiều thì được đưa đi thêm 1 điểm du lịch nữa, còn không thì ăn cơm tại đó xong rồi quay về. Họ tổ chức các tour du lịch như vậy khiến những người kinh doanh du lịch lâu năm như chúng tôi không khỏi xót xa”, ông M., chủ một doanh nghiệp du lịch ở Tiền Giang, bức xúc.

Du khách rất thất vọng

Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, đa phần những người tham gia các tour du lịch kể trên là dân lao động tự do, công nhân hoặc tập hợp một số người lớn tuổi tại TP.HCM và các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và một ít tour có xuất phát tại miền Tây.

Theo những du khách mà PV Thanh Niên có dịp tiếp xúc, sở dĩ họ tin tưởng, đồng ý tham gia các tour như vậy là vì các doanh nghiệp du lịch đã liên hệ và thông qua lời giới thiệu của chủ doanh nghiệp có sử dụng lao động.

“Làm quần quật quanh năm, nghe giới thiệu đi du lịch sông nước miền Tây tốn 150.000 đồng thì ai mà không thích. Nhưng tham gia tour rồi mới biết mình chỉ là "con ‘mồi" chứ không phải ‘thượng đế’ để phục vụ đâu. Bởi, từ TP.HCM ngồi xe xuống tới Tiền Giang, lưu lại Tiền Giang khoảng 3 giờ và hầu hết thời gian này chỉ ở tại một điểm du lịch. Sản phẩm du lịch duy nhất ở đây là tiếng chào bán thực phẩm chức năng sâm H.Q, cây thiên ma, bột mì…. Không mua thì người của công ty xem mình như ‘con ghẻ’. Gần 12 giờ trưa được cho ăn bữa cơm rồi quay về TP.HCM. Đúng là một tour du lịch kinh khủng”, anh Nguyễn Vũ Linh, một công nhân ngụ Q.Bình Tân, TP.HCM bức xúc.

Theo một số chủ điểm kinh doanh du lịch ở cồn Thới Sơn, từ khi các tour tuyến núp bóng du lịch để kinh doanh thực phẩm chức năng thì lượng khách đến đây cũng giảm hẳn

BẮC BÌNH

Trong khi đó, chị Nguyễn Thị Trang (ngụ Q.6, TP.HCM) khẳng định sẽ không bao giờ tin lời để tham gia các tour du lịch mang danh “tri ân khách hàng”, “thiện nguyện” nữa.

“Chuyến đi chủ yếu ngồi trên xe đò rồi lại ngồi nghe họ chào bán thực phẩm chức năng chứ du lịch cái gì. Họ ra rả, thao thao bất tuyệt để chào hàng, không mua thì thứ nhất họ sẽ chào bán hoài riết cũng mệt mỏi và hơn nữa giờ cơm cũng giãn ra thêm. Nhưng, mua thực phẩm chức năng kiểu này về chưa chắc dám sử dụng. Tôi thấy có người tin tưởng lời giới thiệu và hậu mãi cao nên mua nhiều lắm, còn như tôi thì tôi mua cho có để hy vọng họ cho tham quan điểm du lịch khác. Nhưng, rốt cuộc chỉ ở chỗ bán thực phẩm chức năng rồi về luôn. Tính ra chi phí tham gia tour như vậy là cao lắm vì tiền mua trung bình cho mỗi người không dưới 1 triệu đồng lại chẳng được tham quan, trải nghiệm gì cả. Tôi chắc chắn không bao giờ tham gia nữa”, chị Trang nói.

Cuối tháng 9.2022, theo nguồn tin của PV Thanh Niên, Thanh tra Sở VH-TT-DL Tiền Giang đã kiểm tra đột xuất một “tour sâm” tại nhà hàng Mekong Teste ở cồn Thới Sơn. Tuy nhiên, đoàn kiểm tra không thu thập được các sản phẩm sâm H.Q, cây thiên ma, bột mì…, đang được chào bán rầm rộ tại đây. Theo Thanh tra Sở này, một công ty ở Q.Gò Vấp, TP.HCM là đơn vị tổ chức tour và họ có trưng ra được các giấy phép hoạt động của công ty nhưng sản phẩm thực tế thì Thanh tra không thu thập được tại hiện trường.

Khiến uy tín các tour du lịch Tiền Giang bị nhiều tai tiếng

Ông Võ Phạm Tân, Phó giám đốc Sở VH-TT-DL Tiền Giang, cho biết trước đó, Sở VH-TT-DL Tây Ninh có gửi công văn cảnh báo về 2 doanh nghiệp tổ chức tour du lịch “0 đồng” núp bóng hình thức tri ân khách hàng, tổ chức chuyến tham quan, khám phá di tích lịch sử, bảo tàng, mô hình sản xuất nông nghiệp... để giới thiệu và bán các sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, giá cao, không có sự kiểm soát của cơ quan nhà nước.

BẮC BÌNH

“Tôi nói thật là vấn đề kinh doanh du lịch các tour 0 đồng, tri ân khách hàng, thiện nguyện… diễn ra rầm rộ trong thời gian qua khiến chúng tôi rất khó khăn trong xử lý. Bởi, quy định pháp luật thì không cấm bán hàng trong tour. Nhưng phải nhìn nhận là kinh doanh thực phẩm chức năng núp bóng kinh doanh du lịch đã khiến uy tín của các tour du lịch đến Tiền Giang bị nhiều tai tiếng lắm rồi”, ông Tân đánh giá.

Theo ông Tân, thời gian tới, Thanh tra Sở sẽ tăng cường phối hợp với Sở Công thương, Quản lý thị trường và UBND các huyện, thị, thành trên địa bàn tỉnh tăng cường giám sát, kiểm tra các tour du lịch “0 đồng”, “thiện nguyện”… Rút kinh nghiệm từ việc kiểm tra tại cồn Thới Sơn vừa rồi, các đoàn kiểm tra chuyên ngành sắp tới sẽ yêu cầu phía doanh nghiệp bán thực phẩm chức năng phải cung cấp thông tin sản phẩm để kiểm tra kỹ lưỡng.

Trong khi đó, ông Đặng Văn Tuấn, quyền Giám đốc Sở Công thương Tiền Giang, cho biết tuy rằng các quy định pháp luật chỉ bắt buộc các doanh nghiệp kinh doanh đa cấp mới phải đăng ký bán hàng. Nhưng, đối với loại hình kinh doanh thực phẩm chức năng mập mờ xem trong các tour du lịch đã gây ra dư luận không tốt cho ngành công thương, du lịch nói chung tại Tiền Giang. Do đó, thời gian tới, Sở sẽ phối hợp với Phòng Kinh tế - Hạ tầng các huyện, thị, thành trên địa bàn tỉnh yêu cầu chủ các điểm du lịch bán hàng phải có trách nhiệm thông báo trước khi cho mở bán thực phẩm chức năng.

Ông Nguyễn Văn Bàn, Giám đốc Sở VH-TT-DL Bến Tre, cho biết tại hội nghị phát triển du lịch 8 tỉnh miền Tây và Bà Rịa - Vũng Tàu mới đây được tổ chức tại Bến Tre, nhiều doanh nghiệp kinh doanh du lịch chân chính đã kêu than về vấn nạn kinh doanh thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc xuất xứ xen trong các tour du lịch, gây khó, tai tiếng cho ngành du lịch nói chung. Do đó, thời gian tới, Sở VH-TT-DL Bến Tre sẽ giám sát chặt chẽ vấn nạn này.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.