Nhiều người trẻ rơi vào tình cảnh tréo ngoe khi phải đối mặt với nắng nóng ngoài đường nhưng "chết rét" tại nơi làm việc. Thậm chí, có trường hợp mang bệnh vào người vì ngồi làm việc dưới máy lạnh liên tục.
"Bấm bụng" chịu lạnh
Điển hình như N.T.H. (26 tuổi), làm nhân viên văn phòng tại Q.Phú Nhuận, TP.HCM phải lắc đầu ngao ngán và "bất lực" với máy lạnh tại nơi mình làm việc trong những ngày nắng nóng này.
"Trong phòng làm việc của mình diện tích 50 m2, được lắp đặt 2 máy lạnh. Những ngày nắng nóng nên mọi người lúc nào cũng để công suất máy lạnh 22 độ C hoặc thấp hơn", H. kể.
Rồi H. tâm sự thêm: "Do sức mình không chịu được lạnh nên mỗi khi bước vào văn phòng gần như bị "chết rét". Có những ngày mình đề xuất bật nhiệt độ máy lạnh cao lên thì một số người trong phòng lại khó chịu. Vì tình cảnh làm việc chung nên mình bấm bụng chịu lạnh, thấy cơ thể lạnh run thì mình mặc thêm áo khoác vào".
Không chỉ sợ lạnh, anh chàng N.N.G. (24 tuổi), sống tại hẻm 173 Thành Thái, P.14, Q.10, TP.HCM còn mang bệnh viêm xoang. G. luôn có cảm giác như "bệnh chồng thêm bệnh" vì theo G khi bước vào căn phòng làm việc ở công ty những ngày nắng nóng thì mọi người luôn bật máy lạnh 22 độ C.
G. thú nhận: "Mỗi khi ngồi hơn 30 phút ở công ty là mình không chịu nổi vì lạnh, phải "quấn mền trùm khăn" hoặc đi ra ngoài quán cà phê làm việc, nếu không mình sẽ bị đau vùng xoang, nhức đầu. Có những ngày mình xin phép sếp giảm độ lạnh nhưng không được vì sẽ ảnh hưởng đến nhiều người làm cùng".
Chuẩn bị thêm áo khoác, mền để chống chọi với cái lạnh ở công ty
Tại văn phòng làm việc ở 364 Cộng Hòa, Q.Tân Bình, TP.HCM của mình, mỗi khi đến giờ ngủ trưa, chị Nguyễn Thị Ngọc Nhớ (31 tuổi), phải chuẩn bị thêm áo khoác, mền để chống chọi với cái lạnh ở công ty trong những giờ nghỉ trưa.
"Ngày nào mình quên đắp mền là cơ thể lạnh run, hắt xì liên tục. Có lúc, mọi người mở máy lạnh thấp đến mức khi mình bước ra ngoài như hai thế giới khác nhau", chị Nhớ nói.
Còn Lê Thành Nhân (22 tuổi), làm việc tại 130 – 132 Hồng Hà, Q.Phú Nhuận, TP.HCM chia sẻ: "Nơi làm việc của mình có hơn 10 người, nhiệt độ máy lạnh được các đồng nghiệp "chốt" là 23 độ C trong những ngày nắng nóng. Dù có mặc thêm áo khoác nhưng tay chân của mình lạnh run".
Chị Nguyễn Thị Ngọc Thu (32 tuổi), sống tại chung cư Chương Dương, TP.Thủ Đức, TP.HCM chia sẻ mình đang nghỉ phép 4 ngày để điều trị bệnh cảm lạnh. "Trước khi phát bệnh, mình đã ngồi làm việc trong môi trường có máy lạnh 22 độ C nhiều ngày. Và mình cảm thấy cơ thể dần dần bị yếu đi", chị Thu kể lại.
Ngồi làm việc dưới máy lạnh ảnh hưởng đến sức khỏe ra sao?
Theo bác sĩ đa khoa Huỳnh Tuấn Kiệt, công tác tại Trung tâm y tế huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An, khuyến cáo một số người trẻ ngồi làm việc dưới máy lạnh trong thời gian dài có thể làm giảm khả năng thích ứng của cơ thể với sự biến đổi nhiệt độ của môi trường bên ngoài, dẫn đến làm tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh lý khác nhau như: nhức đầu, viêm xoang, nhiễm virus, khô mắt, viêm họng cấp tính...
"Khi sử dụng máy lạnh thường xuyên, kéo dài và nhiệt độ càng lạnh, độ ẩm càng giảm khiến da và niêm mạc đường hô hấp trở nên khô, giảm sức đề kháng với mầm bệnh và dễ bị kích ứng. Từ đó, dễ lâm vào trạng thái mệt mỏi suy nhược thần kinh, suy nhược cơ thể. Ngoài ra, khi ngồi làm việc ở vị trí luồng không khí lạnh từ máy lạnh phả trực tiếp vào các vùng nhạy cảm của cơ thể như đầu, mặt, cổ, gáy dẫn đến tình trạng đau mỏi cơ khớp, đau cổ gáy, đau lưng", bác sĩ Kiệt nói thêm.
Để tránh bị sốc nhiệt thì sao?
Theo tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Ngọc Minh, giảng viên chuyên ngành tai – mũi – họng, Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, chia sẻ những bạn trẻ làm việc văn phòng, ngồi dưới máy lạnh lâu khi ra ngoài khiến cơ thể khó thích nghi ngay với sự thay đổi đột ngột với môi trường, có thể gây choáng. Với sự thay đổi đột ngột này, nếu bị nhẹ thì cơ thể có biểu hiện mệt mỏi, lờ đờ, đau đầu, chóng mặt. Còn nặng thì dẫn đến khó thở, thậm chí dẫn đến trạng thái hôn mê, tử vong…
Để khắc phục tình trạng trên, bác sĩ Minh cho hay khi bước vào làm việc, mọi người hãy đợi cơ thể ráo mồ hôi, đứng giữa cửa, hoặc bật điều hòa ở nhiệt độ cao rồi hạ nhiệt độ dần dần để cơ thể thích nghi với sự thay đổi nhiệt độ môi trường.
Để tránh bị sốc nhiệt, bác sĩ Minh cho rằng khi ra đường mọi người nên mặc áo chống nắng, lựa chọn những quần áo màu sáng, mỏng, dễ thoát hơi, mang kính bảo hộ. Mọi người cũng có thể bố trí thời gian làm việc ngoài trời và nghỉ ngơi hợp lý.
Bác sĩ Minh cũng khuyên người trẻ đang trong tình trạng làm việc dưới máy lạnh thường xuyên nên uống nước liên tục (2 lít/mỗi ngày), tránh mất nước và muối, nhằm tăng cường sức khỏe, cũng như khả năng thích nghi với thời tiết khắc nghiệt.
Theo bác sĩ Minh, ở nhà hay nơi làm việc, mọi người chỉ để máy lạnh ở mức từ 27 đến 28 độ C là phù hợp. Tránh luồng không khí lạnh từ máy lạnh thổi trực tiếp vào người, đặc biệt là vùng đầu và gáy. Cần chú ý mặc ấm, giữ vùng cổ và hai bàn chân khỏi bị lạnh.
Bên cạnh đó, bác sĩ Nguyễn Ngọc Minh chia sẻ nên lựa chọn những loại máy lạnh hiện đại có nhiều chức năng như: làm ẩm, hút bụi, tạo ion, khử trùng, khử nấm… để đảm bảo an toàn sức khỏe hơn trong những ngày nắng nóng.
"Nếu ai ngồi làm việc thường xuyên dưới máy lạnh chú ý uống nhiều nước ấm. Bổ sung các khoáng chất để tránh mất nước, khô da. Dùng kem dưỡng da và giữ ẩm để phòng tránh các bệnh da liễu. Ngoài nghỉ trưa, mọi người cần dành khoảng 10 - 15 phút giữa buổi làm việc sáng hoặc chiều để khởi động nhẹ, khi ấy tay chân sẽ được vận động, lưu thông máu huyết hoặc hít thở thật sâu trong tư thế toàn thân thư giãn", bác sĩ Nguyễn Ngọc Minh lưu ý.
Bình luận (0)