Nhiều người Việt Nam 'đầu hàng' đọc sách

16/04/2021 06:34 GMT+7

Các hoạt động mua sách, đọc sách vẫn chủ yếu tập trung ở thành phố lớn. Ở những vùng khác, người dân ít có khả năng mua, đồng thời việc vận chuyển sách tới cũng khó khăn, góp phần dẫn đến việc Việt Nam còn hạn chế trong văn hóa đọc .

 

Ngày sách tài trợ sách

Chương trình tài trợ sách là vấn đề nhận được nhiều câu hỏi nhất trong cuộc họp báo về Ngày sách Việt Nam 2021 (21.4) diễn ra sáng 15.4. Cục Xuất bản, in và phát hành (Bộ TT-TT) cho biết nhằm kết nối nguồn lực xã hội, giảm thiểu chi phí cho bạn đọc vùng sâu vùng xa, ban tổ chức Ngày sách Việt Nam 2021 đã đưa hoạt động tài trợ vào để khuyến đọc. Theo đó, sẽ có tài trợ đến 80% giá sách của Vivi Edu tại sàn sách book365.Việt Nam và miễn phí hoàn toàn 20.000 - 30.000 đơn vận chuyển từ Tổng công ty Bưu điện Việt Nam cho độc giả ở xa.

Hội sách trực tuyến quốc gia 2021 có sàn giao dịch bản quyền

Ông Nguyễn Nguyên cho biết hoạt động mua bán bản quyền sách năm 2019 - 2020 chịu tác động tiêu cực của dịch Covid-19. Vì thế, tại Hội sách trực tuyến quốc gia 2021 (17.4 - 15.5 tại sàn book365.Việt Nam) có thêm sàn giao dịch bản quyền. “Hiện nay, đã có khoảng 30 NXB đến từ nhiều quốc gia khác nhau đăng ký như một số quốc gia ở Đông Nam Á, đơn vị xuất bản ở châu Âu”, ông Nguyên nói.
Ông Trần Chí Đạt, Giám đốc, Tổng biên tập NXB Thông tin và Truyền thông (đơn vị sở hữu sàn book365.Việt Nam), cho biết các đơn vị trong nước có thể giới thiệu sách của mình tại đây. NXB hỗ trợ tóm tắt nội dung từng cuốn sách để đưa lên sàn. Các thông tin của NXB nước ngoài tham gia hội sách cũng được cập nhật.
Bên cạnh đó, hội sách còn có sàn thông tin chung, sàn sách in, sàn sách điện tử và sàn sự kiện.
Ông Phan Anh Linh, đại diện Vivi Edu, cho biết nếu để mức chiết khấu mua sách cao từ 20 - 25% các đơn vị xuất bản sẽ không nhiệt tình tham gia. Điều đó dẫn tới bài toán để làm sao sách có thể đi xa nếu không có chiết khấu cao. Ông Linh cho biết đã huy động được bạn bè gần 2 tỉ đồng cho việc khuyến mãi lần này. Các nhà xuất bản (NXB) giảm giá bao nhiêu, chương trình sẽ giảm thêm bấy nhiêu hỗ trợ độc giả.
“Các NXB đã đưa vào chương trình hỗ trợ này những đầu sách hay nhất của họ, hiện tại là khoảng 200 đầu sách. Ngoài Hà Nội và TP.HCM, nhiều tỉnh thành khác tuy có nhu cầu sách lớn nhưng khả năng mua không cao. Bình thường mua sách đã khó lại thêm phí vận chuyển thì người dân không thể”, ông Linh cho biết.
Về vận hành việc tài trợ giảm giá sách, ông Linh nói: “Mỗi bạn đọc sẽ có một tài khoản để mua sách trên sàn book365.Việt Nam. Trên từng cuốn sách sẽ có thông tin nhà tài trợ. Khi độc giả mua, tùy từng cuốn, sẽ cần khai địa chỉ hay chứng minh nhân dân. Nhà tài trợ muốn lan tỏa tiền của mình đúng đối tượng, chẳng hạn có đúng là ở Tuyên Quang hay không. Chúng tôi dùng công nghệ của ngân hàng để quản lý nên bảo mật ngân hàng thế nào, bảo mật thông tin khi mua sách cũng vậy”.
Hiện tại, dù dịch Covid-19 đã lắng xuống, ban tổ chức Ngày sách Việt Nam 2021 vẫn quyết định sẽ tổ chức Hội sách trực tuyến quốc gia bên cạnh một số hoạt động giao lưu thực địa.
Ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, in và phát hành, nói: “Chênh lệch văn hóa đọc vùng miền rất rõ. Hầu hết nhà sách tập trung ở Hà Nội, TP.HCM. Hội sách trực tuyến là để xóa đi khoảng cách, cải tiến kỹ thuật để các sự kiện thuận lợi hơn. Thêm vào đó chúng tôi ứng dụng giao lưu để tạo sự gần gũi”.

Tạo dòng chảy sách, mạch ngầm đọc

Ông Nguyễn Nguyên cho biết, số liệu hoạt động sản xuất kinh doanh của các đơn vị xuất bản, phát hành cho thấy tốc độ tăng trưởng tốt. Từ năm 2015 - 2019 từ 330 triệu bản lên 410 triệu bản. “Sức mua có phát triển khá mạnh. Nếu trừ đi lượng sách giáo khoa, chúng ta vẫn còn gần 200 triệu bản sách. Như vậy là trung bình 2 bản sách/đầu người. Ngay tại Pháp, năng lực sản xuất sách cũng chỉ 4 cuốn/đầu người bao gồm cả sách giáo khoa. Chúng ta hiện nay cũng đạt năng lực trên dưới 4 bản. Tuy nhiên, quan trọng là các kênh để đưa sách đến bạn đọc, trong đó có thư viện”, ông Nguyên nói.

Sân trường rộn rã Ngày sách Việt Nam

Nhiều người Việt Nam “đầu hàng” đọc sách
Sáng 15.4, tại sân Trường THPT Vĩnh Vinh (TT.Hồ Xá, H.Vĩnh Linh, Quảng Trị), UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức lễ khai mạc Ngày sách Việt Nam (21.4). Đây là năm thứ 6 Quảng Trị tổ chức ngày hội sách và kéo dài đến hết ngày 16.4. Ban tổ chức đã triển khai khá nhiều hoạt động thú vị: trò chơi, giao lưu về sách và truyền cảm hứng đọc sách; tổ chức các trò chơi mô hình xe thư viện lưu động; tọa đàm: “Cần làm gì để tạo thói quen đọc sách trong cộng đồng?”, “Đọc để tự học hiệu quả trong kỷ nguyên số”, “Hướng dẫn kỹ thuật đọc sách nhanh”; tặng sách cho một số trường học trên địa bàn tỉnh và khen thưởng các tổ chức, cá nhân có thành tích tốt trong thực hiện Ngày sách Việt Nam.
Đặc biệt, khuôn viên trưng bày sách và tổ chức tọa đàm không đặt trong khuôn khổ của những căn phòng, hội trường chật hẹp mà ở giữa sân trường đã tạo nên không khí đặc biệt cho “Ngày hội sách”.
Tin, ảnh: Đoàn Phương Linh
Trong khi đó, tổng kết đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020 định hướng đến 2030, Vụ Thư viện (Bộ VH-TT-DL) cho rằng nhận thức của một số địa phương, cơ quan, bộ, ngành cũng như một bộ phận người dân về vai trò của văn hóa đọc vẫn còn hạn chế, dẫn đến việc thiếu đầu tư cho phát triển văn hóa đọc. Kinh phí thực hiện phát triển văn hóa đọc chưa được bố trí đồng đều giữa các địa phương, bộ, ngành. Một số thư viện cấp tỉnh chưa có trụ sở riêng biệt như Hà Nam, Bình Phước, Đắk Nông, Lào Cai. Hơn 30% thư viện cấp huyện không được cấp kinh phí để bổ sung vốn tài liệu.
Mặc dù vậy, vẫn có những nhóm hoạt động để thúc đẩy văn hóa đọc. Có thể kể đến những người hay đi thuyết trình về khuyến đọc, lập thư viện như Nguyễn Quang Thạch, Nguyễn Quốc Vương, TS giáo dục Nguyễn Thụy Anh. Các NXB cũng có các hoạt động giới thiệu sách rất đa dạng. NXB Kim Đồng có fanpage Sách văn học Kim Đồng, nơi có nhiều bài điểm sách xúc động. CLB Đọc sách cùng con của TS Nguyễn Thụy Anh đã duy trì việc đọc, trại hè đọc sách trong hàng chục năm. NXB Nhã Nam có nhiều chương trình giao lưu sách để người đọc, người làm sách có thể tâm tình. Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp duy trì thư viện Mây trắng với nhiều đầu sách văn học.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Quốc Vương cho rằng có nhiều hoạt động khuyến khích đọc từ các nhóm nhỏ với người lớn dẫn dắt. Tuy nhiên, theo ông: “Nhiều người biết đọc sách là tốt nhưng người ta lại chỉ ý thức là mua sách cho con học thôi, còn bản thân họ thì đầu hàng. Tức là họ xác định là họ không đọc được sách, cũng không luyện được bản thân có thói quen đọc sách. Điều này cũng cần được thay đổi”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.