Nhiều người vô tư 'chế' văn, thơ của các nhà thơ, nhà văn nổi tiếng?

01/08/2024 10:22 GMT+7

Có những câu văn, đoạn thơ được dân mạng chia sẻ và được cho là của các nhà văn, nhà thơ nổi tiếng. Nhưng nhiều nhà văn, nhà thơ cho rằng thực tế không phải như vậy.

"Chế" văn, "chế" thơ

Thời gian qua, trên các fanpage, hội, nhóm, nhiều đoạn văn, câu thơ tình tứ được dân mạng chia sẻ rất nhiều. Chẳng hạn các câu: "Đời này ta nợ em một lần lên xe hoa và một đêm tân hôn", "Chỉ cần gặp một lần thì lịch sử đã chép chung hai cuộc đời một rồi", "Đi khắp thế gian ta mới nhận ra chỉ có hai thứ dù đứng bất cứ đâu ta cũng thể thấy. Ánh trăng và khuôn mặt em – người ta yêu"… Điều đáng nói, admin (người quản trị) các fanpage, hội, nhóm đã chú thích những câu này là của các nhà thơ, nhà văn nổi tiếng trong làng văn học Việt Nam như: Huy Cận, Nguyễn Bính, Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Hàn Mặc Tử, Nam Cao…

Như câu "Nàng cả đời này sẽ mãi là người của ta vì ta đã chôn nàng vào tim mình rồi" được một bộ phận dân mạng mặc định tác giả là nhà thơ Xuân Diệu. Hay câu "Ta nhớ nàng như đông về nhớ rét", nhiều người làm status (trạng thái) đăng lên trang cá nhân Facebook và chú thích tác giả là nhà thơ Chế Lan Viên…

Tuy nhiên, cô Nguyễn Thị Bảo Minh, giáo viên ngữ văn, Trường THPT Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi, cho biết sau khi lục tìm nhiều tài liệu, có thể khẳng định các nhà văn, nhà thơ nổi tiếng không phải là tác giả của các câu văn, câu thơ mà dân mạng đăng tải, chia sẻ thời gian qua. "Bản gốc của những câu thơ, câu văn ấy hoàn toàn khác", cô Minh nói.

Cô Minh dẫn chứng: "Nhà thơ Chế Lan Viên có viết "Anh bỗng nhớ em như đông về nhớ rét" trong một tác phẩm. Nhưng người nào đó đã "chế" lại thành "Ta nhớ nàng như đông về nhớ rét". Tương tự, nhà thơ Xuân Diệu từng viết: "Anh đã giết em, anh chôn em vào trái tim anh/ Từ đây anh không được yêu em ở trong sự thật", chứ không hề viết "Nàng cả đời này sẽ mãi là người của ta vì ta đã chôn nàng vào tim mình rồi"…

Nhiều người vô tư 'chế' văn, thơ của các nhà thơ, nhà văn nổi tiếng?- Ảnh 1.

Nhiều người vô tư "chế" những câu văn, câu thơ của các bậc tiền bối văn chương Việt Nam

CHỤP MÀN HÌNH

Cần dẹp trào lưu phản cảm

Nhà văn Hoài Hương, Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, cho biết có thấy hiện tượng này (tức chế lại những câu văn, câu thơ của các bậc tiền bối văn chương Việt Nam) trên mạng xã hội, đặc biệt là Facebook, TikTok. "Có thể gọi đây là một trào lưu. Trào lưu này theo tôi thấy phần đông thuộc về người trẻ trong giới TikToker, YouTuber, các tài khoản Facebook có tick xanh... Chủ yếu họ muốn tạo thành những câu "viral" (tạm dịch: lan truyền nhanh chóng trên mạng xã hội) để câu view, câu like. Hiện tượng này giống như ngày trước người trẻ hay chế lại các ca từ của những ca khúc nổi tiếng. Ngày trước tôi đã từng rất không thích và khó chịu khi một số sản phẩm quảng cáo đã thay lời của các ca khúc thành danh dùng làm lời quảng cáo, nên với trào lưu này tôi thấy không vui chút nào, mà còn thấy rất phản cảm", nhà văn Hoài Hương nói.

Theo nhà văn Hoài Hương: "Phản cảm ở chỗ, về văn hóa ứng xử là thiếu tôn trọng, bất kính các bậc tiền bối văn chương Việt Nam. Bên cạnh đó, hiện tượng này chứng tỏ sự nghèo nàn ý tưởng, thiếu kiến thức nền nên phải "mượn" ý, "mượn" chữ các nhà văn tiền bối, rồi làm sai lạc cả ý cả chữ của họ. Tôi chỉ là một nhà văn nhỏ, bình thường, nhưng tôi không hề thích ai cố tình làm sai lạc hay "dựng" câu văn của tôi khác đi và cho là của tôi, dù có thể là hay hơn "bản gốc" đi chăng nữa".

Nhiều người vô tư 'chế' văn, thơ của các nhà thơ, nhà văn nổi tiếng?- Ảnh 2.

Nhà văn Hoài Hương

THANH NAM

Nhà văn Tống Phước Bảo, Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, cho rằng không thể phủ nhận hiện nay có một bộ phận dân mạng "chế" những câu ngôn tình và cho đó là của các tác giả nổi tiếng. "Điều này khiến rất nhiều người trẻ tưởng đó là phát ngôn thật của các nhà văn, nhà thơ lão làng. Nhưng hóa ra lại là sản phẩm chế từ cộng đồng mạng để câu like, câu view và làm trò vui bàn tán cho xôm tụ trên mạng xã hội. Trào lưu "nhét lời" này đã sa vào sự kém duyên và thiếu tôn trọng các nhà văn tên tuổi, có nhiều cống hiến cho văn học Việt Nam. Không riêng gì tôi, mà tôi nghĩ chúng ta nếu bị ai đó chế lời của mình thành khác đi, gây ra sự hiểu lầm, kèm theo đó sẽ là những hậu quả, hệ lụy tiếp nối, thì chúng ta sẽ rất khó chịu", nhà văn Tống Phước Bảo nói.

Nhà văn Tống Phước Bảo nói thêm: "Tôi cho rằng sự thật luôn cần được hiểu đúng và tôn trọng tuyệt đối. Không nên có hành vi chế lại, "nhét lời". Bởi đơn giản nhất chúng ta không nói ra, nhưng lại mang tiếng là có. Sự mang tiếng này đôi khi không giải quyết sẽ đi theo suốt một đời người. Thậm chí nếu sự chế lại hoặc "nhét lời" rơi vào đúng những tình huống gây tranh luận trên bình diện rộng, hoặc sai quan điểm, hay ảnh hưởng đến xã hội thì đó đã là vi phạm pháp luật".

Nhà văn Tống Phước Bảo nói thêm: "Chúng ta đã có luật An ninh mạng, nên không phải muốn cắt ghép, tự chế, tự "nhét lời" bất cứ điều gì cho người khác rồi tự đưa lên không gian mạng cũng là tự do, không vi phạm. Nếu muốn tạo "trend" hay tạo bất cứ trào lưu vui nào đó thì cũng nên thượng tôn pháp luật và kính trọng các bậc tiền nhân. Đừng để không gian mạng biến trò vui thành một điều phạm tội. Khi đó, có khi niềm vui lại hóa nỗi buồn".

Nhà văn Hoài Hương thì nói: "Cần dẹp trào lưu này vì thật sự khá nhảm. Về mặt luật pháp là họ vi phạm bản quyền, vi phạm sở hữu trí tuệ, vi phạm sự toàn vẹn tác phẩm, "đạo", và còn làm sai lạc nguyên gốc. Đứng về mặt hệ lụy, nếu cổ xúy trào lưu này, mặc nhiên cho nó tràn lan, thì tới lúc nào đó sẽ gây ra sự hiểu lầm, sai lệch với mọi người. Đặc biệt các thế hệ trẻ sau này, "sai một li đi một dặm", không thể lường hết tai hại về giá trị văn chương của các tác giả tiền bối".

Nhiều người vô tư 'chế' văn, thơ của các nhà thơ, nhà văn nổi tiếng?- Ảnh 3.

Nhà văn Tống Phước Bảo

THANH NAM

Cô Bảo Minh cho rằng trào lưu này có thể khiến nhiều học sinh vô tình lầm tưởng những câu thơ, câu văn tình tứ là của các tác giả nổi tiếng rồi đưa vào những bài làm văn. Vì thế, cô Minh khuyên người trẻ nói chung, học sinh nói riêng, không nên chia sẻ những nội dung chưa được kiểm chứng trên mạng xã hội. Đặc biệt, cần xác thực thông tin một cách kỹ lưỡng.

Theo luật sư Nguyễn Văn Hải, Đoàn luật sư tỉnh Khánh Hòa, có nhiều căn cứ pháp lý để xử lý hành vi xâm phạm quyền tác giả, "chế" lời các nhà thơ, nhà văn nổi tiếng của văn chương Việt Nam. Cụ thể là nghị định 131/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan, nghị định 105/2006/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của luật Sở hữu trí tuệ về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ, luật Sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi, bổ sung 2009… Tùy mức độ vi phạm sẽ có hình thức xử lý khác nhau.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.