Sáng 3.11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án luật Đất đai sửa đổi. Trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, nhiều chính sách quan trọng chưa thiết kế được phương án tối ưu.
Trong số này, vấn đề thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc sử dụng quyền sử dụng đất đang có để thực hiện dự án nhà ở thương mại đang có 2 phương án đưa ra lấy ý kiến.
Phương án 1 là chỉ được thực hiện dự án nhà ở thương mại đối với trường hợp đang có quyền sử dụng đất nếu đó là đất ở hoặc đất ở và đất khác (đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp); chỉ được thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất đối với đất ở.
Phương án 2 là đề nghị mở rộng về các loại đất được làm dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất điều kiện được nhận chuyển nhượng không giới hạn về các loại đất.
"Vẽ dự án sao cho dính 1 m2 đất ở"
Cho ý kiến thảo luận, đại biểu Hà Sỹ Đồng (đoàn Quảng Trị) ủng hộ phương án 2. Ông cho rằng việc này sẽ thúc đẩy tiến trình đô thị hóa đất nước, hạn chế phát sinh thủ tục hành chính và nhiều lợi ích khác.
Với quy định như phương án 1 (hiện nay đang áp dụng), dự án có 1 m2 đất ở thì được làm, được chuyển mục đích toàn bộ diện tích còn lại sang đất ở cho dự án. Ngược lại, nếu dự án không có m2 nào thì không được làm.
Tuy nhiên, theo ông Đồng, việc có 1 m2 đất ở hay không có m2 nào không mang lại mục tiêu quản lý nào rõ ràng, mà chỉ làm phức tạp về điều kiện, thủ tục.
"Thực tế, rất nhiều nhà đầu tư phải cố gắng vẽ dự án sao cho dính 1 m2 đất ở gần đó thì mới được làm", ông Đồng dẫn chứng.
Vị đại biểu tỉnh Quảng Trị nhận định, quy định như trên nhằm hạn chế những dự án mọc lên giữa khu vực không có dân cư sinh sống trước đó. Tuy vậy, điều này cũng không cần thiết, bởi có 2 lý do.
Thứ nhất, việc dự án mọc lên không có tác động tiêu cực rõ ràng nào. Một khu vực mới hoàn toàn vẫn có thể phát triển một khu dân cư mới. Thứ hai, pháp luật hiện nay có đầy đủ công cụ về quy hoạch cấp phép, môi trường... để bảo đảm sử dụng đất để làm dự án nhà ở phải phù hợp với hạ tầng hay không ảnh hưởng đến lợi ích xung quanh.
Vì thế, theo ông Đồng, dù phương án 1 nghiêng về sự ổn định nhưng cũng không nhất thiết vì sự ổn định đó mà không thay đổi khi thấy có những bất cập cần phải thay đổi.
Giá nhà của Việt Nam quá cao so với thu nhập
Tiếp tục phân tích cho quan điểm của mình, đại biểu Hà Sỹ Đồng cho rằng phương án 2 sẽ góp phần đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa và cung cấp nhà ở cho người dân. Đây thực sự là điều rất cần thiết.
Theo ông Đồng, Việt Nam đang trong quá trình đô thị hóa nhanh, dân cư dồn về đô thị. Nếu không mở rộng nguồn cung nhà ở thì cung thấp hơn cầu, giá nhà sẽ cao. Và thực tế đang cho thấy, giá nhà ở của Việt Nam quá cao so với thu nhập trung bình của xã hội.
"Giá nhà cao như vậy dẫn đến hệ quả người ta buộc phải ở trong các căn hộ dưới chuẩn an toàn. Cũng không ít trường hợp vì không chịu được chi phí mua nhà nên chấp nhận xây nhà trên đất nông nghiệp", ông nói.
Liên tưởng đến vụ cháy chung cư mini ở Q.Thanh Xuân (Hà Nội) khiến 56 người tử vong vừa qua, vị đại biểu tỉnh Quảng Trị cho rằng một phần nguyên nhân do có quá nhiều rào cản không cần thiết trong vấn đề cung cấp nhà ở.
Vì vậy, việc gỡ bỏ rào cản về cung cấp nhà ở, chỉ giữ lại những yêu cầu thật cần thiết về an toàn, chính là cách để hạn chế những vụ việc thương tâm như trên.
"Tất nhiên, điều này còn phụ thuộc vào nhiều quy định khác, trong đó có luật Nhà ở sửa đổi, luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi mà Quốc hội sắp thông qua", ông Đồng nhấn mạnh, và khẳng định những thay đổi mạnh mẽ từ luật Đất đai sẽ mở đường cho các thay đổi có liên quan.
Đa số ý kiến chọn phương án 1
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, đa số ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với phương án 1, tức giữ như quy định hiện hành, không mở rộng các loại đất được làm dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất.
Do đây là vấn đề còn ý kiến khác nhau, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin ý kiến đại biểu Quốc hội về vấn đề này.
Bình luận (0)