Nhiều nơi cây xăng báo hết hàng để bán

05/09/2022 06:25 GMT+7

Đột xuất kiểm tra ngay trong ngày nghỉ lễ, lực lượng quản lý thị trường ghi nhận có loạt cây xăng treo bảng hết xăng, thậm chí ngay tại thủ đô. Lý do, nhà phân phối không có hàng cung cấp, kiểm tra kho bể chứa cũng hết.

Như vậy, tình trạng khan hàng, không có xăng dầu để bán trước kỳ điều chỉnh giá đã và vẫn đang diễn ra ngay trong tuyên bố không thiếu xăng của Bộ Công thương.

Một cây xăng tại TP.Phúc Yên, Vĩnh Phúc hết xăng để bán, ngày 3.9.2022

Tổng cục QLTT cung cấp

Ngay tại thủ đô cũng… hết xăng

3 đoàn công tác của Bộ Công thương đã tiến hành kiểm tra các cửa hàng xăng dầu tại nhiều địa phương trong mấy ngày nghỉ lễ vừa qua. Chưa có báo cáo cụ thể về số liệu cửa hàng đóng cửa, song ghi nhận của Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) ngày 4.9 cho thấy, tại phía bắc, đoàn giám sát kiểm tra đột xuất 21 cửa hàng xăng dầu đóng trên địa bàn 3 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Vĩnh Phúc và Thái Nguyên, đa số đều đủ nguồn hàng phục vụ nhu cầu tiêu dùng, chỉ một số nơi báo hết hàng, đứt gãy nguồn cung nhưng chỉ cục bộ, nhất thời. Cửa hàng báo hết xăng bán do thương nhân phân phối không có hàng cung cấp, cũng không treo biển báo hết xăng; có cửa hàng tại Vĩnh Phúc xảy ra tình trạng hết xăng 2 ngày liên tiếp. Đáng nói, 3/6 cửa hàng tại TP.Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc (nhượng quyền thương mại của Petrolimex Hà Nội) báo hết xăng RON 95-III.

QLTT tỉnh Vĩnh Phúc cũng cho hay, tình trạng kinh doanh gián đoạn cục bộ, thiếu xăng để bán đã xuất hiện trong vài ngày gần đây. Trước kỳ nghỉ lễ, Công ty TNHH xăng dầu Quyết Tiến ở Vĩnh Phúc đã có báo cáo gửi Cục QLTT nêu rõ: Doanh nghiệp không lấy được hàng, các đầu mối báo hết nguồn, xuất hàng ra quá nhỏ giọt, tại kho các mặt hàng không đầy đủ. Bên cạnh đó, các kho cho chiết khấu bằng 0 đồng/lít gần như là không xuất hàng ra. Để có hàng cấp cho các đại lý, doanh nghiệp phải lấy hàng từ những nguồn hàng không có chiết khấu. Như vậy, về đến cửa hàng phải bù hoàn toàn cước vận chuyển, phần cộng thêm, chi phí bán hàng. Tương tự, kiểm tra một số cửa hàng tại Thái Nguyên, đoàn kiểm tra cũng phát hiện một số cửa hàng báo hết xăng để bán. Thậm chí, ngay trong dịp lễ này, QLTT Thái Nguyên đã nhận được công văn của một số doanh nghiệp xin tạm dừng bán xăng RON 95-III vì không có hàng, gọi điện xin công ty đầu mối cung cấp thì công ty trả lời hết nguồn.

Tại khu vực phía nam, cũng theo số liệu của QLTT cung cấp, ngay ngày lễ 2.9, QLTT tỉnh An Giang giám sát các cửa hàng xăng dầu tại địa phương, ghi nhận có 7 cửa hàng hết xăng, 25 cửa hàng hết dầu, 22 cửa hàng hết cả xăng lẫn dầu để bán, 12 cửa hàng tạm ngưng hoạt động… Tương tự, ngày 3.9 tại Tiền Giang, một số cửa hàng xăng dầu ở H.Tân Phước cho biết hết xăng dầu để bán, chờ nhập hàng, phía nhà cung ứng cũng cho hay chưa biết khi nào có hàng. Song song với việc khảo sát, các đội QLTT của tỉnh này cũng cho 37 cửa hàng ký cam kết bảo đảm điều kiện kinh doanh, bán xăng dầu đủ, bảo đảm chất lượng và “không ngưng nghỉ bán khi chưa được sự chấp thuận của Sở Công thương tỉnh Tiền Giang”. Đáng lưu ý, theo Tổng cục QLTT, qua các buổi làm việc của các địa phương với các doanh nghiệp xăng dầu, tình hình hết xăng đã giảm đi đáng kể.

Như vậy, tình trạng khan hàng, đứt gãy nguồn cung xăng dầu trước ngày điều chỉnh giá mới xảy ra tại nhiều địa phương, cho dù theo báo cáo của QLTT là chỉ “thiếu cục bộ”. Thậm chí, ngay tại thủ đô Hà Nội, cũng có 16 cây xăng phải ngưng bán xăng RON 95-III, E5 RON 92 hoặc thiếu dầu diesel chỉ với lý do chung là hết hàng, nhà phân phối chưa có hàng để cấp. Kiểm tra, giám sát của lực lượng QLTT tại Hà Nội cũng đã đến tận kho, bể chứa của thương nhân phân phối để kiểm tra, ghi nhận hết hàng. Cơ quan quản lý không tìm thấy dấu hiệu găm hàng, không phát hiện cửa hàng tạm dừng bán mà không báo về sở Công thương, không có hiện tượng hạn chế số lượng bán ra…

Kiểm tra rầm rộ không hiệu quả

Trước đó, dựa trên số liệu báo cáo từ nguồn nhập khẩu, từ 2 nhà máy lọc hóa dầu trong nước..., Bộ trưởng Bộ Công thương khẳng định việc thiếu cung, đứt gãy nguồn cung, khan hàng là phi lý. Đến chiều tối qua 4.9, một chủ cửa hàng xăng dầu tại tỉnh An Giang cho hay, đầu mối vừa thông báo ngày 7.9 mới có dầu để bán.

Chuyên gia thương mại Vũ Vinh Phú cho rằng việc tổ chức kiểm tra rầm rộ, được “trống gióng kèn đưa” sớm sẽ rất khó có hiệu quả, thậm chí dễ xảy ra tiêu cực. Thực tế, ngay trong ngày 30.8, một cửa hàng lớn tại TP.Hà Nội bị phóng viên ghi âm rõ tình trạng hết hàng, găm hàng không bán, nhưng QLTT ra kiểm tra qua loa, về bảo không vi phạm là vô lý. “Tôi vẫn bảo lưu quan điểm không loại trừ đầu mối lớn găm hàng. Phải kiểm tra từ mấy “ông lớn”, chứ chỉ kiểm tra mấy cây xăng bán lẻ là qua loa và không đúng thực tế. Cây xăng nói rõ họ không lấy được hàng, nhà phân phối cũng báo đứt hàng, vậy kéo quân đến mấy cây xăng để “hành tỏi” họ làm gì?”, ông Phú nói thẳng.

Cũng theo ông Phú, tình trạng này cho thấy chúng ta đang quản lý chuỗi cung ứng rất lủng củng. Bây giờ mà còn quản lý kiểu đưa thước xuống đo kho xăng còn hay hết là quá thủ công. Thay vì vậy, chỉ cần tính toán, trừ lùi trên số liệu máy tính là ra ngay. Hơn nữa, chỉ kiểm tra khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm thực sự, chứ không nên kéo quân rầm rộ như vậy, đó là chưa nói khi nghe kiểm tra, các đầu mối rút hết hàng đi thì sao? Bên cạnh đó, việc chiết khấu nội bộ có vấn đề, lúc tăng lúc giảm mạnh. Kinh doanh tăng giảm là bình thường, nhưng sẽ không bình thường khi một bên ung dung có lãi, một bên than lỗ không ai nghe.

“Trong tháng 2, chúng ta đã gặp sự cố này do nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài, giá thế giới biến động, trong nước không điều chỉnh kịp, dẫn đến xảy ra tình trạng đầu mối găm hàng, bán nhỏ giọt. Tại thời điểm đó, chúng ta còn có Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn để “đổ lỗi” do họ ngưng sản xuất. Tuy nhiên, lần này như khẳng định của Bộ trưởng là nguồn cung dồi dào, tại sao ta vẫn thiếu hàng? Câu hỏi này ngành công thương cần thẳng thắn đặt ra để công tác tham mưu và quản lý đi vào thực tế hơn”, chuyên gia Vũ Vinh Phú nói.

Điểm khó chịu nhất trong quản lý xăng dầu là cứ nghe khan hàng, đứt gãy cục bộ lại kéo quân đi kiểm tra rầm rộ, rất tốn kém mà hiệu quả thu về khó phản ánh đúng thực tế. Do điều hành lỗi nhịp, khi giá biến động, nhưng nhà quản lý không điều chỉnh kịp thời, làm gián đoạn nguồn cung cục bộ, chứ không phải câu chuyện cộng các số liệu nguồn cung lại để khẳng định nguồn cung đủ là xong.

Ông Vũ Vinh Phú, chuyên gia thương mại

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.