Tốc độ thoái vốn, cổ phần hóa (CPH), sắp xếp lại DN trong năm 2015 không đạt kế hoạch đề ra; nhiều bộ, ngành, địa phương quanh co không nhận khuyết điểm khiến Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh phải lưu ý tại hội nghị.
Hội nghị đẩy mạnh tái cơ cấu DNNN diễn ra chiều qua (13.11).
Theo Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển DNNN, 10 tháng năm 2015, cả nước có 175 DN được sắp xếp. Trong năm 2015 dự kiến sẽ CPH khoảng 210 DN (đạt khoảng 90% kế hoạch được giao). Nếu tính cả giai đoạn 2011 - 2015, đã sắp xếp được 471 DN.
Về thoái vốn nhà nước, 10 tháng, cả nước thoái được hơn 9.152 tỉ đồng, thu về 13.676 tỉ đồng (bằng 1,5 lần giá trị sổ sách). Lũy kế từ năm 2012 đến 2015, cả nước thoái được 16.450 tỉ đồng, thu về 22.870 tỉ đồng. Ban chỉ đạo đánh giá, tiến độ thực hiện tái cơ cấu DNNN đã được đẩy nhanh nhưng số lượng DN phải hoàn thành CPH trong 2 tháng cuối năm vẫn còn khoảng 20% kế hoạch của giai đoạn 2011 - 2015. Số vốn các tập đoàn, tổng công ty phải thoái khỏi các lĩnh vực: bất động sản, chứng khoán, tài chính ngân hàng từ nay đến cuối năm vẫn còn khoảng 60% tổng số vốn phải cần thoái.
Nam Định - một trong những địa phương không CPH được đơn vị nào (giao năm 2015 thực hiện 5 DN), thoái thác trách nhiệm. “Các công ty tại Nam Định bị chậm đều liên quan đến định giá tài sản, hy vọng tháng 11 này hoàn thành xong để trình phương án CPH”, đại diện lãnh đạo tỉnh này nói. Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh phê bình ngay: “Lý do các đồng chí đưa ra chẳng có vướng mắc gì cả, trên này xử lý rất nhiều và rất sớm, kể cả hướng dẫn cũng có rồi. Chắc là do các đồng chí không tích cực. Hoặc nếu DN không tích cực thì báo cáo Ủy ban tỉnh để kiểm điểm đi”.
Lãnh đạo TP.HCM thì thẳng thắn nhận lỗi, nguyên nhân được chỉ ra là do sự phối hợp giữa các sở, ngành chưa thực sự tốt và nhiều quy định mới trong luật Đất đai sửa đổi khiến thành phố gặp nhiều khó khăn trong sắp xếp lại.
Là tập đoàn duy nhất phát biểu tại hội nghị, Tổng giám đốc EVN - ông Đặng Hoàng An cho biết, trong năm 2015 đã thoái được 1.524 tỉ đồng trên tổng số 2.000 tỉ đồng cần thoái. Từ nay đến cuối năm, EVN sẽ thoái nốt 8,6% vốn tại Ngân hàng An Bình và 80 tỉ đồng tại Bảo hiểm toàn cầu. Ông An cũng thừa nhận tốc độ thoái vốn chậm, nhưng cho rằng nguyên nhân chủ yếu do các bộ ngành xử lý không nhanh.
Chia sẻ với các bộ, ngành và địa phương, tuy nhiên Phó thủ tướng yêu cầu phải quyết liệt hơn trong chỉ đạo và sắp xếp CPH. Đặc biệt, các địa phương bị chậm, khó hoàn thành mục tiêu phải xác định nguyên nhân và trách nhiệm cá nhân, tập thể không hoàn thành kế hoạch; đồng thời đề xuất giải pháp tháo gỡ.
Bình luận (0)