Tại buổi giao ban công tác y tế dự phòng ngày 6.3, bác sĩ Lê Hồng Nga, Trưởng Khoa kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Trung tâm y tế dự phòng (TTYTDP) TP.HCM, cho biết: Năm 2018 TP có 1.693 ca mắc sởi. Tuy nhiên mới từ đầu năm 2019 đến nay TP đã có 2.586 ca sởi (ca lâm sàng và xét nghiệm), nhiều nhất là Bình Tân (467 ca).
tin liên quan
Dịch tả lợn châu Phi không gây bệnh trên ngườiTrong số ca mắc, trẻ em dưới 9 tháng tuổi chiếm 14%, 37% không rõ tiền sử tiêm chủng, 47% không tiêm chủng, 13% trẻ có tiêm chủng 1 mũi. Nhóm trẻ từ 6 đến 10 tuổi và trên 16 tuổi có dấu hiệu tăng.
Chiến dịch tiêm sởi - rubella cho trẻ từ 1- 5 tuổi vừa qua mục tiêu phải đạt 1 mũi 95%, nhưng chỉ 53% trẻ được tiêm trong chiến dịch, cộng với số trẻ tiêm trước đó thì tỉ lệ bao phủ vắc xin sởi tại TP là 85,8%.
Theo bác sĩ Nga, có những vấn đề ảnh hưởng đến kết quả kiêm chủng là do cha mẹ không đồng thuận, không cung cấp tiền sử tiêm chủng con em mình. 90 trường trên 10 quận huyện không đồng thuận tổ chức tiêm chủng, không phối hợp thu thập tiền sử tiêm chủng; 30% tổ dân phố, khu phố - ấp không tích cực tham gia tìm kiếm và mời trẻ đi tiêm chủng, cao nhất là ở Q.7, 12, Thủ Đức, Gò Vấp.
“Quận huyện không phối hợp, đặc biệt là các quận huyện có dân nhập cư cao thì nguy cơ sởi bùng phát là rất cao”, bác sĩ Nga nói.
tin liên quan
3 loại bệnh gia tăng cùng lúc tại TP.HCMLãnh đạo TTYTDP TP cũng cho rằng việc kêu gọi người dân đưa con em ra tiêm vắc xin ngừa sởi là cực kỳ khó. Đợt tiêm vét sắp tới cần phối hợp giữa giáo dục và y tế để tiêm cho 10% trẻ (chưa biết có tiêm hay chưa) và 5% trẻ hoãn tiêm trong chiến dịch tiêm bổ sung đợt trước.
“Bệnh sốt xuất huyết và sởi là hai mối đe dọa trong 10 đe dọa sức khỏe toàn cầu”, bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM nhận định. Theo ông, riêng sởi là vấn đề đáng lo không chỉ TP, cả Việt Nam mà cả các nước phát triển.
“Vấn đề máu chốt trong phòng ngừa sởi mà chung quy là tiêm ngừa. Nhưng vì sao tiêm ngừa không tốt? Quan trọng nhất là quản lý đối tượng nhưng đây là vấn đề khó do di biến động dân cư nên cần có cách làm cho hiệu quả”, bác sĩ Hưng nói.
Bác sĩ Hưng chỉ đạo đơn vị, cá nhân nào không phối hợp, hỗ trợ trong công tác phòng ngừa sởi thì cần báo cáo để báo cáo lãnh đạo các cấp để xử lý.
“Giao TTYTDP TP đề xuất thành lập tổ “đặc nhiệm” đi kiểm tra sốt xuất huyết và sởi. Với sởi, kiểm tra xem có bỏ sót đối tượng tiêm chủng hay không để đánh giá các quận huyện có làm tốt hay không, sau đó báo cáo Sở Y tế và lãnh đạo UBND quận huyện xử lý trách nhiệm cụ thể cá nhân, tập thể”, bác sĩ Hưng quyết liệt.
Với các bệnh viện Nhi đồng 1, Nhi đồng 2, Nhi đồng TP và Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, Sở Y tế đã triển khai tiêm ngừa cho các trẻ nằm viện xuất viện khi không có chống chỉ định. Nhưng hiện các bệnh viện triển khai chưa đầy đủ, trong 1 tuần nữa các bệnh viện phải báo cáo sở việc chuẩn bị và triển khai ra sao, bác sĩ Hưng chỉ đạo tại buổi giao ban.
Bình luận (0)