Hài lòng và chưa hài lòng
Ít ngày trước trận đấu đầu tiên tại vòng loại U.23 châu Á 2022, ông Park đã chia đội hình đấu đối kháng để chọn ra nhân sự tốt nhất. Điều khiến ông hài lòng là những cầu thủ ông dự định đưa vào đội hình xuất phát đã thi đấu tương đối ổn với hai bàn thắng của Văn Đô và Văn Xuân. Dĩ nhiên, khi đấu giao hữu, kết quả chỉ là một phần rất nhỏ, quan trọng nhất là lối chơi và cách vận hành chiến thuật đã được thực thi như thế nào. U.23 Việt Nam đã tiến bộ hơn một chút sau mỗi trận giao hữu nhưng chiều sâu đội hình vẫn là bài toán khiến ông Park phải đau đầu. Các học trò của ông chơi ổn là so với chính họ, chứ chưa tạo ra một diện mạo thực sự có bản sắc, có cá tính.
HLV Park vui vẻ dù U.23 Việt Nam không được làm quen sân đấu, vì sao vậy? |
Thực tế, lứa cầu thủ U.23 hiện tại là lứa mà ông Park không tiếp quản từ ai cả, vì thế hiệu quả hay sự thành bại của lứa này cũng sẽ là thước đo năng lực cầm quân của chính ông Park. Nhà cầm quân người Hàn Quốc đang gặp phải muôn vàn khó khăn khi sở hữu trong tay dàn cầu thủ mà kinh nghiệm trận mạc, bản lĩnh thi đấu, trình độ chuyên môn không hay, không tốt bằng hai lứa đi trước.
Lứa U.23 Việt Nam sẽ trưởng thành hơn nếu được đầu tư chuyên sâu |
VFF |
Chuyên gia Đoàn Minh Xương nhận định: “Đúng thế, nếu như thế hệ Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường, Văn Thanh…, trước khi thành danh, đã được bầu Đức cho va đập quốc tế từ sớm; nếu như lứa Quang Hải, Đức Chinh, Tiến Linh, Tấn Tài... trước khi nổi bật, cũng đã được trải nghiệm ở giải U.19 châu Á rồi sau đó là World Cup U.20, thì lứa hiện tại bị thiệt thòi nhiều. Ở sân chơi trong nước, các cầu thủ trẻ hầu như không được các CLB trọng dụng hoặc có nhưng rất ít. Họ cũng không được cọ xát quốc tế nhiều bằng thế hệ đàn anh. Chỉ có thực chiến mới nâng tầm cầu thủ lên được nhưng lứa sinh năm 1999, 2000 hay 2001 va vấp ít quá, trải nghiệm ít quá”.
Nhận xét của ông Xương dường như được minh chứng bằng… thái độ của ông Park trong trận đấu tập của U.23 Việt Nam cách đây một ngày. Một số tình huống, vì ít kinh nghiệm nên lẽ ra khi có bóng, phải tìm cách dâng lên để chiếm lợi thế tấn công thì một số cầu thủ U.23 Việt Nam lại chững lại, đứng yên tại chỗ để đối phương cướp được bóng. Ông Park đứng ngoài, không thể kiềm chế được nên đã hét rất lớn, có ý trách học trò tại sao bỏ lỡ tình huống, không tiếp tục dùng tốc độ khai triển bóng lên trên. Họp rút kinh nghiệm sau trận, ông Park đã phân tích, mổ xẻ những điểm yếu của U.23 Việt Nam và yêu cầu cầu thủ không được tự ti, bình tĩnh thi đấu và quan sát kỹ trước khi chuyền bóng hay phối hợp.
Phải được đầu tư trọng điểm
Ông Đoàn Minh Xương nhận định: “Chúng ta không chủ quan nhưng đội U.23 Đài Loan là đối thủ không quá khó chịu đâu. Theo tìm hiểu của tôi có lẽ họ sẽ không qua được nửa sân, bởi đội bóng này như đội bóng phong trào, thể lực và thể hình đều yếu. U.23 Việt Nam khó thua nhưng bài toán cần giải quyết là chúng ta cần phải thắng đậm. Nếu Việt Nam chơi lừng khừng, thiếu sự quyết đoán, bỏ lỡ cơ hội thì tôi e rằng sẽ khó ăn. Bởi vậy, ông Park mới cho cầu thủ rèn rất kỹ các bài tấn công. Lối đá của U.23 Việt Nam vì ít được cọ xát nên chưa đạt được độ nhuyễn cần thiết, mối liên kết giữa các vị trí còn hơi bị lỏng lẻo.
Chúng ta hy vọng, ở trận ra quân, U.23 Việt Nam sẽ chơi kết dính hơn mà muốn làm được điều đó, các học trò của ông Park cần phải giữ vững được cự ly đội hình, thi đấu với tâm thế thoải mái. Điều làm tôi lo lắng là dù đội hình tương đối đồng đều nhưng U.23 Việt Nam lại không có nhân tố dẫn dắt lối chơi. Không có được cá nhân tạo ra đột biến. Ở các lứa trước, chúng ta dễ dàng điểm lại những gương mặt xuất sắc, ví dụ như Quang Hải, Văn Hậu (Hậu sinh năm 1999 nhưng đã nổi từ rất sớm). Còn lứa này, đang thiếu một thủ lĩnh thật sự. Ông Park đang uốn nắn Lý Công Hoàng Anh trở thành một người cầm trịch ở giữa sân, nhưng dường như cần thêm thời gian. Tuy nhiên với niềm lạc quan, tôi nghĩ rằng U.23 Việt Nam sẽ hoàn thành chỉ tiêu là vào được vòng chung kết U.23 châu Á vào tháng 6 năm sau, như cái cách mà ông Park đã từng dẫn dắt U.23 Việt Nam thi đấu tưng bừng ở vòng loại U.23 châu Á 2020 trên sân nhà Mỹ Đình”.
Cần phải tạo điều kiện để các cầu thủ trẻ được vấp với những đối thủ đẳng cấp hơn. Có thế, mục tiêu lớn lao của bóng đá Việt Nam mới có cơ hội thành hiện thực
Theo chuyên gia Đoàn Minh Xương, dàn tuyển thủ U.23 hiện nay cần được đầu tư trọng điểm hướng tới cái đích xa hơn là Asiad hay World Cup, chứ không chỉ dừng lại ở U.23 châu Á hay SEA Games. Muốn vậy, từng nhân tố hiện nay trong đội hình phải được tăng độ cọ xát, cho đá quốc tế để trui rèn nhiều hơn. Ông Xương nói: “Tôi muốn nhắc đến trường hợp của trung vệ Thanh Bình. Nhiều người lo anh bị cú sốc tâm lý ở trận thua đội Trung Quốc ở vòng loại thứ 3 World Cup 2022 nhưng đừng lo, những trải nghiệm như vậy sẽ chỉ càng làm cầu thủ thêm vững vàng mà thôi. Từ ví dụ về Thanh Bình, chúng ta có thể mở rộng ra câu chuyện của bóng đá Việt Nam. Thanh Bình và một số tuyển thủ khác như Văn Toản, Văn Xuân, Việt Anh, Hoàng Anh sẽ là trụ cột của U.23 Việt Nam. Nhưng họ cùng các đồng đội cần phải được đầu tư trọng điểm. Phải được đi tập huấn nước ngoài, thi đấu với những đội giỏi hơn, hay hơn. Mới chỉ cọ xát 2 trận giao hữu với hai đối tượng không quá xuất sắc là U.23 Tajikistan và U.23 Kyrgyzstan mà một số điểm yếu của U.23 Việt Nam đã được lộ rõ. Vậy thì cần phải tạo điều kiện để các cầu thủ trẻ được vấp với những đối thủ đẳng cấp hơn. Có thế, mục tiêu lớn lao của bóng đá Việt Nam mới có cơ hội thành hiện thực. Giấc mơ chỉ mãi mãi là giấc mơ nếu chúng ta không hành động một cách quyết liệt”.
Khó đi xa nếu không có đầu tư tốt
Cựu tuyển thủ, HLV Phan Thanh Bình nhận xét: “Xem lứa U.23 Việt Nam sinh 1999 - 2001 hiện nay cho dù có chơi tốt ở vòng loại giải U.23 châu Á sắp tới, tôi vẫn thấy lo cho tương lai bóng đá Việt Nam nhiều hơn vì khoảng cách còn quá xa so với lứa sinh 1997 - 1998 của Hoàng Đức, Tiến Linh, Tấn Tài chứ chưa nói đến những lứa trước đó. Dù chỉ chênh nhau 1 - 2 tuổi nhưng lứa U.23 Việt Nam hiện tại không có nhân tố có thể kỳ vọng đủ sức lên tuyển đứng vững trong thời gian ngắn sắp tới. Cái này trước hết thuộc về công tác đào tạo, bồi dưỡng khi đầu vào chưa được các CLB chăm chút còn kết quả của đầu ra chưa thực sự tạo nên một lứa tài năng đồng đều có sức bật. Nhưng cái chính là các CLB còn sử dụng họ hạn chế quá, nhiều em ở độ tuổi 21 - 22 là cũng vào loại “cứng” rồi, vậy mà cứ mài đũng quần trên băng ghế dự bị, không được cọ xát thi đấu. Thử hỏi có bao nhiêu tuyển thủ U.23 Việt Nam hiện nay được đá chính thường xuyên tại V-League? Tôi thấy chỉ có Hai Long, Văn Xuân, Hoàng Anh, Việt Anh, Văn Toản hay Văn Công là có được ra sân ít nhiều, còn lại hoặc chỉ ngồi dự bị hoặc trôi dạt xuống các đội hạng nhất đa phần tính cạnh tranh chưa cao, vì thế trình độ các em cũng không ổn định, chơi cũng phập phù. Vòng loại bảng gặp Đài Loan hay Myanmar, tôi nghĩ không quá khó để U.23 Việt Nam vượt lên nhưng nếu vào VCK gặp các đội già rơ hơn mà lứa này nếu không có đầu tư tốt hay thay đổi, nâng chất giúp tích lũy kinh nghiệm và nâng cao bản lĩnh thi đấu tốt hơn thì rất khó đi xa…”.
T.K (ghi)
Bình luận (0)