Nhiều nơi quá tải trong điều trị

25/12/2021 06:45 GMT+7

Tình hình dịch Covid -19 tại một số địa phương vẫn diễn biến phức tạp, số ca mắc trong cộng đồng và tỷ lệ tử vong tăng, các cơ sở y tế đang bị quá tải…

Miền Tây: Ca mắc và tử vong tăng cao

Ngày 24.12, Sở Y tế Cà Mau cho biết, liên tục trong 7 ngày qua, trung bình mỗi ngày tỉnh ghi nhận 1.239 ca mắc Covid-19, trong đó có 1.128 ca cộng đồng, chiếm 91,04% số ca mắc trong ngày. Đỉnh điểm ngày 21.12 có đến 1.590 ca; và ngày 24.12 có 1.334 ca. Tính từ ngày 27.4 đến nay, Cà Mau có 30.648 ca mắc Covid-19. Số ca nhiễm tăng cao, kéo theo số người tử vong cũng tăng. Đến nay có 123 trường hợp nhiễm Covid-19 tử vong, trong đó ngày 23.12 có 8 ca tử vong.

Điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng tại Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ

Đình Tuyển

Mới đây, UBND tỉnh Cà Mau đã đề nghị Bộ Y tế hỗ trợ khẩn cấp hơn 1,3 triệu liều vắc xin Covid-19 để tiêm liều bổ sung và liều nhắc lại cho người dân trong tỉnh. Ngoài ra, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau chỉ đạo đến ngày 31.12.2021 phải hoàn thành 100% người từ 18 tuổi trở lên được tiêm vắc xin; với người từ 12 - 17 tuổi phải tiêm hoàn thành trước ngày 31.1.2022.

Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh An Giang thông tin, trong ngày 23.12, tỉnh có 18 ca mắc Covid-19 tử vong, nâng tổng số ca tử vong từ đầu tháng 4 đến nay lên 866 ca, chiếm 2,8% tổng số ca mắc. Tính từ 13.12 đến 23.12, An Giang có 219 ca tử vong. Tỉnh đã yêu cầu các địa phương nâng cao năng lực y tế cơ sở, chủ động sẵn sàng về trang thiết bị, nhân lực, thuốc điều trị, ô xy…

Hà Nội: Y tế cơ sở chịu áp lực lớn

Hơn 1 tuần qua, số ca mắc mới của Hà Nội luôn duy trì ở top cao nhất cả nước, trung bình từ 1.500 - 1.800 ca mỗi ngày, gây áp lực nặng nề lên hệ thống y tế tuyến cơ sở. Nhiều F0 điều trị tại nhà rất khó khăn khi liên hệ với nhân viên y tế, hoặc không được cấp thuốc mà phải tự mua thuốc để điều trị.

Hôm qua 24.12, Hà Nội tiếp tục lập đỉnh ca Covid-19 trong ngày với 1.834 ca mắc mới, trong đó có 618 ca cộng đồng, nâng tổng số ca tính từ đầu đợt dịch thứ 4 (từ 27.4 đến nay) lên hơn 35.000 ca. Sở Y tế Hà Nội hôm 23.12 đã có kế hoạch khẩn phân bổ 200.000 liều điều trị Molnupiravir, giao Bệnh viện đa khoa Đống Đa quản lý, cấp phát cho các viện và F0 tại nhà. Dù thuốc điều trị đang được bổ sung, song vấn đề lớn của Hà Nội lúc này là quá tải nhân lực tuyến y tế cơ sở.

Trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng phòng Y tế Q.Nam Từ Liêm, cho biết lực lượng y tế cơ sở đang căng mình làm rất nhiều việc. Hiện mỗi phường có 1 trạm y tế, song có những trạm chỉ có 6 - 7 nhân viên y tế, trong khi phải theo dõi hàng trăm F1 cũng như F0 trên địa bàn. Đáng chú ý, theo lãnh đạo một phòng y tế khác, với đà tăng F0 hiện nay, khoảng nửa tháng tới nếu không huy động hoặc được chi viện nhân lực, hệ thống y tế cơ sở Hà Nội có nguy cơ “vỡ trận”, không thể đáp ứng nổi.

TP.HCM chuẩn bị bệnh viện điều trị người nhiễm Omicron

Theo báo cáo của Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), ngày 23.12, trên Hệ thống quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 787 ca nhiễm mới tại TP.HCM.

Như vậy từ đợt dịch thứ 4 đến nay, TP.HCM đã có tổng cộng 494.532 ca nhiễm Covid-19 được Bộ Y tế công bố. Trong 4 ngày qua, từ ngày 20.12 đến nay, TP.HCM ghi nhận số ca mắc mới chỉ còn 3 con số và không còn là địa phương dẫn đầu về ca mắc mới. Số ca tử vong cũng đã có dấu hiệu giảm dưới 60 ca trong 5 ngày qua.

Theo HCDC, biến chủng Omicron đã xuất hiện nhiều nơi trên thế giới, TP.HCM chuẩn bị Bệnh viện dã chiến số 12 để tiếp nhận cách ly, điều trị người nhiễm biến chủng này (nếu có).

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.