Đáng lưu ý, xuất siêu của ngành nông nghiệp tăng gần 49%, đạt 2,9 tỉ USD. Chẳng hạn, gạo xuất khẩu đạt 1,7 triệu tấn (tăng gần 20%), giá trị đạt 774 triệu USD (tăng 27,8%); gỗ và sản phẩm gỗ đạt 2,62 tỉ USD (tăng 15,9%)...
Chuyên gia về nông nghiệp, GS-TS Võ Tòng Xuân phân tích, các sản phẩm lương thực, thực phẩm là nhu yếu phẩm hằng ngày luôn luôn quan trọng, cần thiết với bất kỳ quốc gia nào. “May mắn Việt Nam là một nước nông nghiệp, luôn đảm bảo không thiếu lương thực thực phẩm. Vì vậy đây cũng sẽ là cơ hội để cho sản phẩm của ngành nông nghiệp vẫn tiếp tục được tỏa đi khắp nơi”, GS Võ Tòng Xuân nhấn mạnh.
Chẳng hạn về gạo, Việt Nam ở sát thị trường lớn là Trung Quốc nên có thể vẫn xuất khẩu ổn định. Tương tự, nhu cầu về gạo tại Philippines, Indonesia hay Malaysia... đều rất lớn nên thị trường hầu như không thiếu nếu doanh nghiệp làm đúng bài bản trong sản xuất và xuất khẩu. Bên cạnh đó, các loại trái cây của Việt Nam như khóm, xoài, sầu riêng... đều có thể bán được quả tươi hoặc nước ép cô đặc và nhiều thị trường đều có nhu cầu tiêu thụ. Hay như các loại thủy hải sản thì nhiều nước trên thế giới từ trước đến nay đã mua của Việt Nam nên cũng sẽ tiếp tục. “Tiềm năng của ngành nông nghiệp Việt Nam rất to lớn, đặc biệt trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 dù có gặp khó khăn nhất định vì gián đoạn trong lưu thông nhưng sau đó sẽ ổn định trở lại. Việt Nam có lượng đất đai màu mỡ dành cho nông nghiệp và người dân cần cù thì không cần phải lo thiếu nguồn cung. Nếu chúng ta có chiến lược dài hạn, đầu tư bài bản để phát triển mạnh cho ngành nông nghiệp, bao gồm cả chăn nuôi và thủy sản thì thậm chí có thể tăng tốc mạnh hơn cả Thái Lan đang được xem là nước xuất khẩu nhiều sản phẩm nông nghiệp hiện nay”, GS-TS Võ Tòng Xuân nói.
Nhận định tiềm năng của ngành nông nghiệp Việt Nam rất lớn nhưng vẫn chưa khai thác hết, GS Xuân cho rằng, cả nước đang thiếu chiến lược lâu dài cho từng ngành hàng. Ngoại trừ chiến lược đầu tư cho cây lúa thì hơn 40 năm qua, Việt Nam chưa có kế hoạch đầu tư bài bản cho con tôm, cây xoài, cây sầu riêng... từ chính sách phát triển giống đến sản xuất, sau thu hoạch. Người nông dân tự phát sản xuất, thu hoạch và phân phối thì phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái.
Nhìn sang các nước có ngành nông nghiệp phát triển như Thái Lan, Ấn Độ đều có nhiều chính sách riêng cho từng ngành. Ví dụ Ấn Độ đưa ra chính sách sau thu hoạch cho trái xoài như quy cách trái cây, kho chứa, chế biến... trong khi các thương lái Việt Nam mạnh ai nấy làm và không có thiết bị phương tiện để phân loại trái cây theo kích cỡ. Từ đó khó cạnh tranh trong xuất khẩu. Bên cạnh đó sản xuất thì không theo quy trình, sử dụng tràn lan phân, thuốc trừ sâu nên người tiêu dùng không tin tưởng, thà mua hàng nhập khẩu...
“Nông dân sản xuất tự phát và phần lớn doanh nghiệp lĩnh vực nông nghiệp trong nước cũng chỉ chạy theo thương lái, mạnh ai nấy làm nên manh mún. Chất lượng, an toàn vệ sinh sản phẩm không đảm bảo. Cần phải đẩy mạnh đầu tư cho các lĩnh vực như các loại cây ăn trái, chăn nuôi, thủy sản. Bên cạnh đó cần đầu tư về con người, ứng dụng khoa học công nghệ để sau dịch bệnh, ngành nông nghiệp sẽ phát triển mạnh hơn, xứng đáng là một ngành kinh tế mũi nhọn đầy tiềm năng của đất nước”, GS Võ Tòng Xuân nhấn mạnh.
Bình luận (0)