Nhiều nước chia sẻ quan điểm của Việt Nam về Biển Đông

04/08/2019 07:00 GMT+7

Nhiều thành viên ASEAN và các nước đối tác bày tỏ quan ngại trước những diễn biến phức tạp gần đây tại Biển Đông .

Trưa 3.8, đợt Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 52 (AMM-52) và các hội nghị liên quan tại Bangkok, Thái Lan chính thức kết thúc. Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng SOM ASEAN VN, đã trao đổi với báo chí về kết quả hội nghị, trong đó tình hình Biển Đông được các bên dành nhiều thời gian thảo luận.

Nhấn mạnh luật pháp quốc tế

“Biển Đông vốn luôn là nội dung được trao đổi tại các hội nghị ASEAN. Lần này, do tình hình diễn biến gần đây trên Biển Đông, đặc biệt là vụ việc tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 của Trung Quốc cùng các tàu hộ tống hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của VN, vi phạm chủ quyền và quyền chủ quyền của VN, đã thu hút sự quan tâm của các nước”, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng cho hay. “Nhiều bộ trưởng thể hiện quan ngại sâu sắc về những diễn biến gần đây ở Biển Đông. Tất cả các nước đều phát biểu nhấn mạnh tầm quan trọng của duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không trên Biển Đông, yêu cầu tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước LHQ về luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982), kêu gọi các bên kiềm chế, thực hiện nghiêm túc Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), mong muốn sớm có được Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) chất lượng, hiệu lực, hiệu quả và mang tính bền vững”, ông nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, theo Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng, phát biểu của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh tại hội nghị về vấn đề Biển Đông rất thẳng thắn, chân thành, trên tinh thần xây dựng và hữu nghị, nhận được sự chia sẻ và ủng hộ của nhiều nước. Trong khuôn khổ đợt hội nghị, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh hôm 2.8 dẫn đầu đoàn VN tham dự Diễn đàn Khu vực ASEAN lần thứ 26 (ARF) với sự tham dự của bộ trưởng ngoại giao 27 nước và đại diện các tổ chức tham gia ARF, theo TTXVN. Phát biểu tại cuộc họp, trong khi ghi nhận những tiến triển trong đàm phán COC, Phó thủ tướng chỉ rõ vẫn còn những quan ngại sâu sắc về diễn biến trên thực địa, bao gồm các hành động đơn phương và sự cố nghiêm trọng đang diễn ra ở Biển Đông, đặc biệt là những hành động vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của các quốc gia ven biển. Phó thủ tướng Phạm Bình Minh đề nghị các nước đề cao tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có quyền và lợi ích của các quốc gia ven biển theo UNCLOS 1982, thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC và duy trì môi trường thuận lợi để hỗ trợ cho tiến trình đàm phán nhằm đạt được một bộ quy tắc hiệu lực, thực chất.
Mặt khác, trong Tuyên bố chung của AMM-52, các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN cho biết: “Chúng tôi đã thảo luận về tình hình (ở Biển Đông) và nhiều bộ trưởng bày tỏ quan ngại về các hành vi cải tạo, hoạt động và các sự cố nghiêm trọng trong khu vực đã làm xói mòn lòng tin, gia tăng căng thẳng và có thể ảnh hưởng đến hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực”. Tuyên bố cũng nêu rõ: “Chúng tôi hoan nghênh những biện pháp thiết thực nhằm giảm căng thẳng, nguy cơ xảy ra tai nạn, hiểu lầm và tính toán sai lầm. Chúng tôi nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng lòng tin và tiến hành các biện pháp tăng cường lòng tin giữa các bên. Và chúng tôi nhấn mạnh lại tầm quan trọng của việc tuân thủ luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS 1982”.

Mỹ - Nhật - Úc tuyên bố về Biển Đông

Cũng trong hôm qua, theo tờ The Sydney Morning Herald, các ngoại trưởng 3 nước Mỹ, Nhật Bản và Úc gồm ông Mike Pompeo, ông Taro Kono và bà Marise Payne ra tuyên bố chung bên lề đợt hội nghị với nội dung phản đối mạnh mẽ những hành động chèn ép đơn phương ở Biển Đông.
Các ngoại trưởng nhấn mạnh cam kết tuân thủ luật pháp quốc tế và tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình và ổn định trong lĩnh vực hàng hải. Bên cạnh đó, các ngoại trưởng “bày tỏ lo ngại nghiêm trọng về những diễn tiến tiêu cực tại Biển Đông, trong đó có việc triển khai các hệ thống vũ khí hiện đại trên những thực thể tranh chấp”.
Ngoại trưởng 3 nước “phản đối mạnh mẽ những hành động chèn ép đơn phương có thể làm thay đổi nguyên trạng và làm gia tăng căng thẳng” như bồi đắp, xây dựng căn cứ, quân sự hóa các thực thể tranh chấp và những hành động khác gây thay đổi lâu dài môi trường biển trong những khu vực đang phân định. Các ngoại trưởng còn tỏ ra quan ngại sau những thông tin về hành vi gây rối liên quan đến các dự án dầu khí tại Biển Đông. Mặt khác, ngoại trưởng 3 nước nhấn mạnh tầm quan trọng của phán quyết hồi tháng 7.2016 của Tòa trọng tài thường trực bác bỏ yêu sách “đường lưỡi bò” phi pháp của Trung Quốc.
Công nhận nỗ lực đàm phán giữa ASEAN và Trung Quốc về COC, các ngoại trưởng kêu gọi văn kiện này cần phải phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm luật biển quốc tế được phản ánh trong UNCLOS; không làm giảm đi lợi ích của các bên thứ ba hoặc quyền của mọi quốc gia theo luật quốc tế; củng cố các cấu trúc bao trùm khu vực và tăng cường cam kết của các bên trong việc ngăn chặn các hành động làm phức tạp hoặc leo thang mâu thuẫn, gồm quân sự hóa các thực thể tranh chấp.

Hàn, Nhật tăng cường hợp tác với các nước Mê Kông

Sáng 3.8, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Hợp tác Mê Kông - Hàn Quốc lần thứ 9 diễn ra bên lề AMM-52. Tại hội nghị, Ngoại trưởng Thái Lan Don Pramudwinai cảm ơn cam kết của Hàn Quốc đối với khu vực Mê Kông và việc gia tăng đóng góp cho kế hoạch hợp tác song phương. Trước đó, Hàn Quốc thông báo kế hoạch tăng mức đóng góp tài chính cho Quỹ hợp tác Mê Kông - Hàn Quốc từ 1 triệu USD lên 2 triệu USD trong năm nay và 3 triệu USD trong năm 2020 theo chính sách hướng nam mới của nước này.
Ngay sau đó, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao hợp tác Mê Kông - Nhật Bản lần thứ 12 cũng diễn ra với sự chủ trì của Ngoại trưởng Pramudwinai và Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono. Tại cuộc họp, ông Kono thông báo Nhật Bản quyết định trở thành đối tác phát triển của Chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyawady - Chao Phraya - Mekong (ACMECS) và cam kết sẽ hợp tác để các hoạt động của ACMECS đi sâu tại khu vực. Vấn đề Biển Đông một lần nữa cũng được thảo luận tại cả hai hội nghị.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.