Số ca Covid-19 tại một số nước trong khu vực Đông Nam Á gần đây gia tăng. Trong khi đó tại Mỹ, nhiều tiểu bang báo cáo tỷ lệ người dân mắc bệnh hô hấp ở mức "cao" đến "rất cao".
Dịch bệnh tại Đông Nam Á
Đợt bùng phát Covid-19 mạnh nhất ở Đông Nam Á có lẽ đang xảy ra tại Singapore. Tờ The Straits Times dẫn số liệu chính thức của Bộ Y tế Singapore cho biết trong tuần kết thúc vào ngày 2.12, có 32.035 người được chẩn đoán mắc Covid-19, mức cao nhất trong năm nay, phá vỡ kỷ lục hồi tháng 3. Tỷ lệ nhập viện vào ngày 13.12 là 560 ca, chỉ bằng 1/3 của thời kỳ đỉnh dịch (1.726 ca). Bộ Y tế Singapore cho biết các bệnh viện đã chuẩn bị sẵn sàng biện pháp ứng phó nếu số ca nhiễm tăng lên, đồng thời kêu gọi người dân không nên mua nhiều bộ xét nghiệm nhanh để tích trữ, bởi có đủ nguồn cung. Trong cuộc họp báo hôm 13.12, Bộ trưởng Y tế Singapore Ong Ye Kung cho hay tác động đối với hệ thống y tế là thấp và chưa đến 10 ca phải điều trị trong khoa chăm sóc đặc biệt. "Chúng ta có thể chống chọi điều này. Chúng ta đã trải qua hơn 3 năm đại dịch với đủ loại biện pháp quản lý an toàn", Bộ trưởng Ong nói và cho biết thêm hiện có khoảng 5.000 ca nhiễm Covid-19 mỗi ngày.
Tại Malaysia, gần 13.000 ca Covid-19 được ghi nhận trong tuần qua, tăng gấp đôi so với tuần trước đó. Báo The Star dẫn lời quan chức y tế địa phương nhấn mạnh tình hình tổng thể vẫn nằm dưới sự kiểm soát và dịch bệnh không phải gánh nặng cho các cơ sở y tế, bởi đa số ca bệnh chỉ có triệu chứng nhẹ và không cần điều trị tại bệnh viện. Nhà chức trách Indonesia cũng đang có biện pháp đề phòng trước diễn biến tại hai nước láng giềng. Dù hiện chỉ ghi nhận vài chục ca bệnh trong một tuần, các quan chức y tế Indonesia đã cảnh báo người dân về nguy cơ mắc bệnh nếu ra nước ngoài đang có dịch. Đồng thời, máy đo thân nhiệt đã được lắp đặt tại các cổng nhập cảnh ở sân bay ở Jakarta và đảo du lịch Batam để theo dõi.
Ngoài ra, số ca nhiễm Covid-19 mỗi ngày tại Philippines cũng đã tăng lên mốc 200 ca, gần 5 tháng sau khi nước này dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp y tế công cộng. Báo The Philippine Daily Inquirer đưa tin số ca nhiễm tại vùng thủ đô Manila đang tăng dần, buộc Bệnh viện đa khoa Philippines tái ban hành quy định đeo khẩu trang tại bệnh viện.
Hội chứng phổi trắng đang lây lan nhiều nơi là gì?
Bệnh hô hấp lan nhanh ở Mỹ
Không chỉ riêng Covid-19, một số nước như Singapore, Mỹ hay gần đây là Trung Quốc cũng đối diện nhiều bệnh về đường hô hấp khác. Tân Hoa xã đưa tin số lượng ca bệnh hô hấp ở trẻ em được chẩn đoán và điều trị đã giảm xuống ở các cơ sở y tế trên toàn Trung Quốc, trái với đà tăng tại Mỹ. Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ, 16 tiểu bang nước này báo cáo mức độ lây lan đang ở mức "cao" đến "rất cao".
Các cơ quan chức năng đồng ý rằng việc gia tăng số ca nhiễm Covid-19 có thể do nhiều yếu tố như độ miễn dịch trong người dân giảm hay việc gia tăng đi lại và tiếp xúc dịp lễ cuối năm. Người dân được khuyến cáo tuân thủ các biện pháp an toàn như đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên, tiêm chủng đầy đủ và tránh tiếp xúc với người khác nếu bị bệnh. Trong thông báo ngày 13.12 về khuyến cáo đối với thành phần vắc xin Covid-19, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nói rằng Covid-19 vẫn đang lây lan rộng và vi rút SARS-CoV-2 tiếp tục tiến hóa đáng kể. "Với số ca Covid-19 đang tăng lên ở nhiều vùng trên thế giới, vắc xin càng trở nên quan trọng hơn", WHO nhận xét.
WHO khuyến cáo vắc xin chống biến thể XBB.1.5
Trong một tuyên bố ngày 13.12, nhóm kỹ thuật TAG-CO-VAC của WHO khuyến cáo tiếp tục sử dụng vắc xin đơn trị XBB.1.5 làm thành phần chính cho các loại vắc xin chống những biến thể SARS-CoV-2 đang lưu hành. "Khuyến nghị này dựa trên sự tiến hóa của vi rút hiện tại và phạm vi phản ứng miễn dịch được chứng minh bởi các loại vắc xin này chống lại các biến thể đang lưu hành", WHO đăng trên mạng xã hội X.
Tính đến ngày 2.12, các dòng hậu duệ của XBB (biến thể phụ của Omicron) như XBB.1.5, XBB.1.16, EG.5, HK.3 và HV.1 chiếm 73% tổng số mẫu giải trình tự gien trên cơ sở dữ liệu GISAID. Vắc xin Covid-19 đầu tiên do Nhật Bản chế tạo, nhắm đến biến thể XBB.1.5, vừa bắt đầu được tiêm tại nước này, theo báo Yomiuri Shimbun ngày 14.12. Thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc gần đây cũng tiêm vắc xin đặc trị biến thể này cho các nhóm dân số có nguy cơ. WHO cho rằng các biến thể phụ XBB đã trở thành những biến thể chiếm ưu thế trên thế giới, do đó vắc xin chứa kháng thể của nó được khuyến cáo sử dụng để mang lại tác dụng tốt hơn.
Bình luận (0)