Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi và Tổng thống Win Myint tại một sự kiện tại Naypyidaw năm 2020 |
AFP |
Trong tuyên bố chung ngày 15.10, Cao ủy EU phụ trách đối ngoại Josep Borrell và 8 quốc gia gồm Anh, Canada, Đông Timor, Hàn Quốc, Mỹ, Na Uy, New Zealand và Úc bày tỏ “lo ngại sâu sắc về tình hình thảm khốc tại Myanmar” và hối thúc nước này hợp tác với đặc phái viên của ASEAN.
“Chúng tôi kêu gọi quân đội tạo điều kiện cho các chuyến thăm thường xuyên của đặc phái viên ASEAN đến Myanmar và để quan chức này tiếp xúc tự do với tất cả các bên”, AFP trích từ tuyên bố.
Bộ trưởng Ngoại giao thứ 2 của Myanmar Erywan Yusof được bầu làm đặc phái viên của ASEAN để thúc đẩy đối thoại giữa các bên tại Myanmar theo đồng thuận 5 điểm đạt được hồi tháng 4.
Tuy nhiên, quân đội Myanmar ngày 14.10 tuyên bố đã từ chối đề nghị để ông Yusof được đến Myanmar trong tuần này để gặp các quan chức chính quyền cũ như cựu Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi hay cựu Tổng thống Win Myint. Cả hai người này đều đang bị giam và xét xử nhiều tội từ khi chính biến nổ ra vào ngày 1.2.
Quân đội Myanmar thông báo sẽ hoan nghênh nếu đặc phái viên ASEAN không gặp hai người này. Mặt khác, đài NHK ngày 15.10 dẫn lời một luật sư của bà Suu Kyi cho hay chính quyền đã ra lệnh cấm tiết lộ thông tin liên quan việc xét xử và sức khỏe của bà ra công chúng vì đây là những phiên xét xử kín.
Bình luận (0)