Các chuyên gia ước tính có hơn 3.000 tàu đắm của Nhật Bản và nhiều nước khác nằm rải rác trên Thái Bình Dương, trong đó có khoảng 1.000 tàu ở vùng biển Melanesian và Micronesia - gần các quốc đảo như Quần đảo Solomon, Papua New Guinea, Palau và Liên bang Micronesia.
Ngoài ra, dựa trên các ghi chép lịch sử về tình trạng của tàu và lời kể của nhân chứng, nhóm nghiên cứu tại Quỹ dự án lớn (Úc) ước tính hiện có khoảng 60 xác tàu đắm cần xử lý khẩn cấp ở Thái Bình Dương.
Nhiều nước kêu gọi Nhật Bản dọn dẹp xác tàu đắm từ Thế chiến 2
Theo Nikkei Asia, vấn đề này đã được nhấn mạnh tại Hội nghị các nhà lãnh đạo Quần đảo Thái Bình Dương lần thứ 10 (PALM10) được tổ chức gần đây tại Tokyo (Nhật Bản). Tuyên bố chung sau hội nghị nêu rõ Nhật Bản và các quốc đảo Thái Bình Dương sẽ hợp tác để giải quyết vấn đề rò rỉ dầu từ các tàu Nhật Bản bị đắm như một phần trong nỗ lực rộng lớn hơn nhằm thúc đẩy quan hệ hướng tới tương lai.
Các nhà nghiên cứu cảnh báo rằng nhiều năm phân hủy đã khiến một số thùng nhiên liệu và thân tàu bị vỡ, làm tràn hàng nghìn tấn dầu và nhiên liệu xuống biển. Dầu thải ra từ những con tàu này có thể phá hủy các rạn san hô và làm ngạt rừng ngập mặn, gây thu hẹp nơi sinh sản của cá và cạn kiệt nguồn thức ăn.
Những tác động này ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường và có khả năng tàn phá sinh kế của các cộng đồng đảo Thái Bình Dương - những người phụ thuộc nhiều vào nghề đánh bắt cá và du lịch. Chủ tịch Diễn đàn quần đảo Thái Bình Dương (PIF) Mark Brown nhấn mạnh: "Những quốc gia có tàu thuyền bị ảnh hưởng có trách nhiệm hỗ trợ dọn dẹp trước khi chúng gây ra bất kỳ thảm họa sinh thái nào".
Thời gian gần đây, những xác tàu này đặc biệt nguy hiểm khi chúng ngày càng trở nên quá xuống cấp và nằm gần cộng đồng địa phương. Các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt hơn do biến đổi khí hậu làm trầm trọng thêm nguy cơ rò rỉ dầu từ các xác tàu đắm.
Theo nhóm nghiên cứu tại Úc, dự kiến sẽ có khá nhiều vụ tràn dầu nhỏ đến trung bình trong những năm tới. Tuy nhiên, các quốc đảo Thái Bình Dương không có đủ khả năng tài chính, nhân lực, kiến thức chuyên môn và thiết bị để tiến hành công tác thực địa và loại bỏ rủi ro.
Trước bối cảnh đó, Tổ chức phi lợi nhuận Japan Mine Action Service (Nhật Bản) cử thợ lặn tình nguyện đến Phá Chuuk thuộc Liên bang Micronesia để dọn sạch dầu rò rỉ từ các tàu Nhật Bản. Tổ chức này cũng hỗ trợ sửa chữa các đường ống bị rò rỉ dầu từ tàu đắm Nhật Bản bị chìm ở vùng biển Palau.
Bình luận (0)