Ngoài Việt Nam, nhiều nước khác ở châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore, Malaysia, Singapore, Philippines... cũng rộn ràng đón Tết Nguyên đán. Với truyền thống văn hóa khác nhau, mỗi nơi chào đón năm mới âm lịch theo cách riêng, nhưng đều có điểm chung là dịp đoàn tụ với gia đình bên mâm cỗ ngày xuân và cầu chúc những điều may mắn, vạn sự hanh thông. Đáng chú ý, một số nước như Hàn Quốc và Trung Quốc năm nay tăng thêm ngày nghỉ nhằm thúc đẩy tiêu dùng và hỗ trợ hồi phục kinh tế. Dưới đây là phong tục đón Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 tại một số nước trong khu vực.
Hàn Quốc
Tết Nguyên đán tại Hàn Quốc được gọi là Seollal và là một trong những ngày lễ quan trọng tại quốc gia Đông Bắc Á. Theo tờ The Korea Times dẫn thông báo của Bộ Quản lý nhân sự Hàn Quốc, nội các nước này đã thông qua đề xuất nghỉ tết thêm ngày 27.1, giúp kỳ nghỉ này kéo dài 6 ngày từ 25 - 30.1, bao gồm 2 ngày nghỉ cuối tuần. Ngày nghỉ bổ sung giúp người dân được nghỉ dài ngày và kích thích tiêu dùng trong nước nhằm thúc đẩy hồi phục kinh tế.
Tết Seollal là dịp bày tỏ lòng tôn kính đối với tổ tiên và người cao tuổi. Người dân Hàn Quốc thường mặc trang phục truyền thống (hanbok), trẻ con cúi lạy tỏ lòng tôn kính với ông bà, cha mẹ, được lì xì và nhận những lời khuyên cho năm mới, trước khi cả nhà ăn các món truyền thống dịp năm mới. Tham gia các trò chơi dân gian cũng là một hoạt động phổ biến để chào mừng Tết Seollal ở Hàn Quốc.
Trung Quốc
Theo tờ China Daily, người dân Trung Quốc có kỳ nghỉ Tết Nguyên đán dài hơn một ngày trong năm nay, sau khi chính phủ hồi tháng 11.2024 thông báo rằng kỳ nghỉ sẽ kéo dài từ ngày 28.1 - 4.2. Điều này khuyến khích nhiều nhân viên văn phòng nghỉ trước 2 ngày và cộng thêm dịp cuối tuần trước Tết Nguyên đán để kéo dài tổng thời gian nghỉ lễ lên 11 ngày. Ngành du lịch Trung Quốc rất phấn khởi trước thông tin trên, vì nghỉ tết dài ngày sẽ giúp mọi người linh hoạt hơn trong đi lại và muốn đi du lịch nhiều hơn. Theo Reuters, dự kiến có 9 tỉ lượt đi lại trong dịp tết này ở Trung Quốc.
Được gọi là Xuân Tiết, dịp tết âm lịch tại Trung Quốc tràn ngập sắc đỏ từ đồ trang trí cho đến những bao lì xì, với mong muốn một năm mới an lành, may mắn. Vào đêm giao thừa, mỗi người thường tặng quà nhau, cùng thức để trải qua khoảnh khắc cuối cùng của năm cũ và đón giây phút đầu tiên của năm mới. Mỗi người trong gia đình sẽ dành tặng nhau lời chúc và lì xì may mắn cho năm mới. Biểu diễn múa lân cũng là hoạt động phổ biến ở Trung Quốc vào dịp năm mới.
Singapore
Vào những ngày tết năm nay, Singapore tổ chức lễ hội mùa xuân với các sự kiện nổi bật như lễ hội hoa đăng, lễ hội Singapore River Hongbao (từ ngày 27.1 - 5.2), lễ hội đường phố Chingay (từ ngày 7 - 8.2), cùng nhiều hoạt động khác. Người Singapore thường ăn bánh tang yuan (bánh trôi) với ý nghĩa đoàn viên, sum họp. Bên cạnh đó, các thành viên trong gia đình tặng nhau những bao lì xì màu đỏ để cầu chúc may mắn.
Lễ hội đường phố Chingay năm nay sẽ diễn ra tại Singapore với chủ đề Niềm vui, là dịp để mọi người "chiêm nghiệm lại những trải nghiệm chung vượt qua ranh giới sắc tộc, ngôn ngữ và tuổi tác thông qua ẩm thực", theo ban tổ chức.
Malaysia
Tại nước láng giềng Malaysia, lễ hội đường phố Chingay cũng diễn ra vào dịp Tết Nguyên đán, với các thành phố Johor Bahru và Penang là những nơi tổ chức nhiều sự kiện đa văn hóa quan trọng. Dự kiến năm nay Malaysia và Singapore đều tưng bừng tổ chức lễ hội đường phố này do 2 nước đã lên kế hoạch đề xuất UNESCO công nhận sự kiện là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Cũng như các quốc gia đón Tết Nguyên đán khác, đây cũng là dịp để người dân ở Malaysia có dịp đoàn tụ, quây quần. Cùng với phong tục trang trí, múa rồng và họp mặt gia đình trong dịp tết, một phong tục độc đáo diễn ra vào ngày cuối cùng của lễ hội Chap Goh Mei (rằm tháng giêng) là việc những cô gái độc thân ném quả quýt xuống biển để cầu duyên.
Philippines
Từ năm 2012, Philippines chính thức công nhận Tết Nguyên đán là một trong những dịp lễ lớn. Người dân Philippines vào dịp tết thường đi chùa hay nhà thờ để cầu cho một năm hạnh phúc, an lành và thịnh vượng. Nhiều người dân cũng xem đây là dịp đoàn tụ gia đình. Ngoài ra, khu phố Binondo ở Manila, còn gọi là phố Tàu, là nơi tổ chức nhiều lễ hội sôi nổi với các hoạt động múa lân, múa rồng và đốt pháo để chào mừng năm mới.
Bình luận (0)